Vài ý kiến về Dự thảo Báo cáo chính trị
LTS: Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã đăng toàn văn), nhà báo Hồ Duy Lệ - nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, có một số đóng góp ý kiến vào dự thảo, trong đó đặc biệt quan tâm đến định hướng, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong nhiệm kỳ tới, thông qua “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”.
Về kinh tế
Tôi chú ý và rất mừng, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung sức cho đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công có hiệu quả, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Nhờ đó, tổng sản phẩm tăng bình quân 10% trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Quy mô nền kinh tế gần 110 nghìn tỷ đồng. Quảng Nam trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, có điều tiết về Trung ương. Thành quả này cho thấy sự chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất và phát triển đúng hướng, bền vững của Quảng Nam.
Từ thành quả đó, tôi rất chú ý đến lĩnh vực này trong phương hướng, mục tiêu và giải pháp trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2025…
Đó là phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh. Tập trung xây dựng vùng ven biển trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - chuỗi đô thị - nông nghiệp công nghệ cao, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thắng lợi cho Chiến lược kinh tế biển…
Đây là một định hướng khá rõ, vô cùng quan trọng và khá hấp dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng không chút dễ dàng. Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần có sự phân công cụ thể người có đức, có tài; cần có sự chỉ đạo và giám sát thường xuyên, chặt chẽ trong thực thi kế hoạch. Có thể thấy sự phát triển của Khu Kinh tế mở Chu Lai, qua thời gian mở ra, khai thác vùng Đông của tỉnh, đã bộc lộ nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Đó là bài học. Hãy nhìn lại quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh, là bài học đau đớn của bạn mà Quảng Nam phải tránh lặp lại.
Về việc thực thi phương hướng này, tôi có vài ý kiến. Như dự thảo đã đề cập: Không chia nhỏ đất đai khu vực ven biển để thu hút đầu tư. Giữ gìn không gian công cộng ven biển và tạo sinh kế bền vững cho nhân dân khu vực ven biển. Hình thành những khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị văn minh, từng bước hiện đại, với kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đây là một định hướng, một phương hướng lớn, vô cùng quan trọng, cần quán triệt sâu sắc trong những người thực hiện; cần thiết, phổ biến rộng rãi cho nhân dân trong vùng - 6 địa phương cấp huyện ven biển được biết, để họ vui, để bà con yên tâm rời làng cũ ra đi nhường đất cho sự phát triển, để họ theo dõi, giám sát việc Nhà nước triển khai thực hiện.
Chúng ta biết, dân vùng đất này là dân có truyền thống cách mạng, nhưng sau một khoảng thời gian trong hòa bình, sức phục hồi sản xuất vẫn yếu và phát triển kinh tế chậm nên hầu hết bà con bám với đất làng gặp nhiều khó khăn, nghèo. Nay, mở ra vùng Đông, thì đất sẽ khác, suy nghĩ của người dân sẽ khác, suy nghĩ của người tham lam sẽ khác. Từ đó, vấn đề ổn định xã hội để phát triển kinh tế là một vấn đề lớn ở vùng Đông.
Nói vùng Đông, không chỉ nói biển và ven biển mà cần đề cập cả các con sông. Nhất là đầu tư lớn khai thông con sông Trường Giang, từ Cửa Đại - Hội An chạy vào Tam Kỳ, đến cửa An Hòa - Núi Thành. Hay con sông Cổ Cò nối Hội An với Đà Nẵng. Tỉnh đã thấy, đã đề cập nhiều lần, vậy mà trong phương hướng tới thì không nhấn mạnh và có giải pháp khả thi, đầu tư cụ thể, để bắt tay làm. Chính việc khai thác phát huy sức mạnh của các con sông và đất, làng, chợ hai bên ven sông, sẽ góp phần hữu ích cho dân bị di dời, mất đất, đưa vào khu quy hoạch, khu tái định cư!
Về văn hóa, xã hội
Đây là lĩnh vực rộng, quan trọng và cũng nhiều vấn đề. Tôi chỉ đề cập vấn đề Dự thảo Báo cáo chính trị nêu: Xây dựng, phát triển văn hóa, con người được quan tâm xuyên suốt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Tôi rất chú ý và đồng tình với phương hướng đến của tỉnh là cần có những giải pháp mạnh mẽ để khắc phục có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, ô nhiễm môi trường sống. Nhưng tôi chưa thấy giải pháp nào cụ thể, khả thi được nêu ra để thực thi có hiệu quả. Nhất là đối với thế hệ trẻ, đối với con người, mà trong dự thảo báo cáo có đề cập và quan tâm.
Nghị quyết của Đảng từng ghi: “Đầu tư cho phát triển văn hóa chính là đầu tư cho Tương lai”. Tôi nghĩ, ngoài vấn nạn cán bộ tham nhũng, lại là cán bộ có chức, có quyền, cán bộ lãng phí sức đóng góp của dân, làm cho xã hội đau đầu..., để khắc phục sự xuống cấp về đạo đức và lối sống mà toàn xã hội lo lắng và quan tâm thì Đảng và chính quyền Quảng Nam, ngoài công tác đào tạo ở các trường Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào thực chất, cần đầu tư chỉ đạo và bố trí kinh phí cho các hoạt động đã có ở các lĩnh vực văn hóa - thể thao, văn học - nghệ thuật, thông tin - truyền thông, báo chí - xuất bản, bảo tồn - bảo tàng, các cơ sở giáo dục từ đại học đến mẫu giáo, nhà trẻ, bà mẹ - trẻ em… Đây chính là đầu tư cho con người.
Chỉ cần nhìn vào Trường Đại học Quảng Nam - niềm mong đợi ngay từ ngày mới thành lập tỉnh, đủ thấy sự quan tâm cho tương lai, cho con người ra sao!
Đây là những thiết chế vốn có, vô cùng quan trọng, hoạt động thường xuyên, góp phần tích cực cho đời sống văn hóa và tinh thần. Tuy nhiên, rất lạ và cũng rất buồn, là khi tập trung phát triển kinh tế, Nhà nước đề ra nhiều, rất nhiều chính sách khuyến khích cho đầu tư phát triển kinh tế và hoạt động kinh tế phát triển có hiệu quả tích cực, đời sống vật chất thay đổi đáng kể, có phần phô trương: nhà lầu, xe hơi, tiệc tùng lãng phí, đi nước ngoài bằng tiền Nhà nước như đi chợ, thì lại thiếu quan tâm đến phát triển văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần.
Nói thiếu đây là thiếu chỉ đạo và đầu tư thích đáng có chất lượng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thiếu và không rõ việc chăm lo đến đời sống của người có thu nhập thấp, người về hưu, người có hoàn cảnh khó khăn. Luôn nói cần phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, truyền thống cách mạng… nhưng đầu tư công sức cho nhiệm vụ vô cùng khó và nặng nề này thì không rõ, mang tính thời vụ, xuân thu nhị kỳ, và… thật khó nói! Khó nói trong sự góp ý cho một Báo cáo chính trị quan trọng.
Tôi nghĩ, riêng lĩnh vực Văn hóa - Tinh thần này, nên có một cuộc hội thảo chuyên đề để đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, ngồi nghe anh chị em làm công tác có liên quan phát biểu, trao đổi, tâm sự thì sẽ bổ ích hơn.
Chính vì sự đầu tư có hạn, mà các thể chế tưởng là quan trọng đó lại hoạt động rất vất vả, không phát huy hết khả năng và sức sáng tạo của mình, hoạt động thiếu hiệu quả. Không đủ sức, đủ lực, cùng các cấp ủy đảng, các đoàn thể xã hội, chung tay đẩy lùi sự xuống cấp của đạo đức, của lối sống.
Sự xuống cấp này đâu chỉ làm cho xã hội buồn, cho người tốt đau lòng, cho người nghèo, người thiếu thốn mất lòng tin. Mà, làm cho niềm tin yêu của con người, của xã hội vào vai trò của cán bộ lãnh đạo, vai trò của Đảng bị suy giảm. Và, cũng là vấn đề cho kẻ xấu có cớ, có thực tế để lợi dụng chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Đây là điều cần nghiêm khắc suy nghĩ và có sự điều chỉnh trong đầu tư và biện pháp khắc phục.