Động lực từ nguồn hỗ trợ khuyến công

KHÁNH LINH 14/04/2020 06:26

Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ khuyến công của tỉnh, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn ở các địa phương đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn kinh phí còn hạn chế nên số lượng cơ sở được hỗ trợ chưa nhiều. 

Thời gian qua, nhiều cơ sở nghề ở Điện Bàn được hưởng lợi từ chương trình khuyến công của tỉnh.
Thời gian qua, nhiều cơ sở nghề ở Điện Bàn được hưởng lợi từ chương trình khuyến công của tỉnh.

Đầu tư trang thiết bị

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Tiếp – Giám đốc Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (xã Điện Phương, Điện Bàn) được hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn khuyến công của tỉnh. Số tiền này giúp ông sắm mới một số thiết bị máy móc chuyên dụng cho công việc của mình.

“Ngoài hỗ trợ khoảng 50% tiền mua máy móc thiết bị, tôi còn được hỗ trợ 50% tiền thuê gian hàng khi đi hội chợ. Với những cơ sở sản xuất nhỏ như tôi thì số tiền trên là rất quý” - ông Tiếp chia sẻ.

Để nhận được những hỗ trợ trên, giữa năm 2018 ông Tiếp đã được Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn hướng dẫn một số thủ tục như lập kế hoạch mua sắm máy móc, kèm theo giá tiền, vốn đối ứng, hóa đơn… gửi về Phòng Kinh tế thẩm định trình tỉnh xét duyệt.

Tương tự, với Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều, số tiền hỗ trợ 45 triệu đồng từ chương trình khuyến công năm 2019 đã giúp doanh nghiệp này trang bị kịp thời các mô tơ và quạt lò, phục vụ sản xuất.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, một trong các mục tiêu quan trọng của chương trình khuyến công chính là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay đổi công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, vì vậy trong các gói hỗ trợ, trang thiết bị thường chiếm khoảng 70% kinh phí. Mỗi năm, phòng đều có văn bản gửi các xã, phường hướng dẫn các cơ sở làm hồ sơ gửi về để tổng hợp trình tỉnh xét duyệt, nếu tỉnh chấp nhận sẽ chuyển nguồn về. Tất cả doanh nghiệp đăng ký mua thiết bị sẽ có tổ công tác đến kiểm tra nghiệm thu đầy đủ.

Ông Dương Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều nhìn nhận, dù sự hỗ trợ chỉ chiếm một phần so với đầu tư hàng năm của doanh nghiệp, nhưng đã tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp về sự đồng hành của Nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, công tác khuyến công đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Điện Bàn phát triển ổn định. Chỉ riêng năm 2019, toàn thị xã có 8 đề án, dự án nhận được hỗ trợ khuyến công với tổng số tiền 406 triệu đồng.

Ngoài Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp và Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều, có thể kể đến một số doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc vào sản xuất như Công ty TNHH Năng lượng xanh Duyên Hải 9-2 (120 triệu đồng); Cơ sở gỗ mỹ nghệ Uy Long (63 triệu đồng); hộ kinh doanh Xuân Cường (18 triệu đồng)...

Hầu hết cơ sở sau khi nhận được hỗ trợ đều có chuyển biến tích cực, thể hiện trong việc rút ngắn thời gian sản xuất, đảm bảo yêu cầu về môi trường; mẫu mã sản phẩm được cải tiến, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm của các cơ sở trên thị trường...

Nguồn hỗ trợ hạn chế

Đến nay, không chỉ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thị xã Điện Bàn được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ khuyến công mà nhiều cơ sở ở các địa phương khác của tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ này. Có thể kể đến các mô hình cấy nấm ở Thăng Bình; sấy măng ở Nam Trà My, Bắc Trà My; trình diễn dệt thổ cẩm ở xã Lăng, Tây Giang; phở bún ở Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn…

Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại và quản lý cửa khẩu khẳng định, nếu nguồn kinh phí hỗ trợ tốt hơn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp phát triển hiệu quả. Mỗi năm trung tâm nhận khoảng 10 hồ sơ nhưng do kinh phí cấp hạn chế nên chỉ duyệt được 4 - 6 dự án.

Dù vậy, không phải tất cả cơ sở công nghiệp nông thôn đều được hưởng lợi từ chương trình khuyến công, thực tế  một vài cơ sở vẫn đứng ngoài cuộc. Theo ông Lê Đức Hạ - Chủ Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ, cơ sở của ông chưa bao giờ nhận được nguồn hỗ trợ từ chương trình.

Thậm chí, ông Dương Ngọc Tiễn – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đồng Phước Kiều khẳng định, vài năm nay ông không hề được thông báo về chương trình, nhất là các thủ tục hay thời điểm nộp hồ sơ…

Theo ông Huỳnh Nguyễn An Bình – Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), quy trình xét duyệt chủ yếu do phòng kinh tế các huyện, thị tổng hợp gửi lên, sở sẽ thẩm định đề án nào phù hợp hoặc không phù hợp. “Bình quân mỗi năm Sở Công Thương nhận khoảng 50 hồ sơ, trong quá trình thẩm định chúng tôi sẽ loại trừ một số hồ sơ trùng lặp về sản phẩm, ưu tiên các đề án mới, chưa kể một số đề án có số vốn tương đối nên chắc chắn sẽ có một số hồ sơ không đậu” - ông Bình lý giải.

KHÁNH LINH