Trên thao trường huấn luyện chiến sĩ mới
Năm nay Tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh được giao tiếp nhận, huấn luyện hơn 180 chiến sĩ mới, trong đó có 100 chiến sĩ của BĐBP Quảng Nam và 80 chiến sĩ của BĐBP TP.Đà Nẵng.
Cẩn trọng phòng Covid
Đúng 7 giờ 30 phút, các chiến sĩ đã có mặt tại thao trường để bắt đầu ngày huấn luyện. Đại đội 2 hôm nay tiếp tục luyện tập bài ngắm súng. Chiến sĩ xếp thành hàng, tập trung nghe tiểu đội trưởng hướng dẫn rồi gọi lần lượt lên thực hành. Ở một vị trí khác, Đại đội 1 tập trung huấn luyện động tác chào theo điều lệnh.
Mới ngày nào ai cũng lóng ngóng, tiểu đội trưởng phải rất vất vả để chỉnh sửa, thì nay ngay khi hô, động tác chào đã dứt khoát và khuôn dung thật tươi tỉnh. Những bộ quân phục thấm đẫm mồ hôi bởi cái nắng nóng bỏng rát. Thế nhưng, ai cũng tập trung cao độ vào lời hướng dẫn của các tiểu đội trưởng, bởi tất cả đều hiểu rằng đây là những nội dung quan trọng trong quá trình huấn luyện.
Ai cũng cố gắng và hào hứng bởi thông tin sau 3 tháng huấn luyện theo giáo trình của Bộ Tổng Tham mưu, các chiến sĩ sẽ có 45 ngày huấn luyện võ thuật, nghiệp vụ biên phòng trước khi được biên chế về các đơn vị.
Năm nay, chiến sĩ nhập ngũ khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bởi vậy ngay từ đầu công tác phòng chống dịch được tiểu đoàn triển khai rất cẩn trọng.
Trung tá Nguyễn Văn Thương - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động cho biết, từ khi nhận quân tại các địa phương, chiến sĩ đã được khám sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt. Trước khi đưa vào trung tâm, chiến sĩ được đưa về tổ quân y của bộ chỉ huy kiểm tra thân nhiệt 1 lần nữa. Từ đó, chiến sĩ được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày và thực hiện đeo khẩu trang. Sau 14 ngày theo dõi, chiến sĩ mới được sinh hoạt, huấn luyện bình thường.
Đơn vị cũng tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường doanh trại, nguồn nước mỗi tuần 1 lần, cấp phát xà phòng rửa tay đến cấp tiểu đội; trước khi ăn, bát được nhúng nước sôi khử khuẩn. Thực hiện chỉ đạo của bộ chỉ huy, để đảm bảo sức khỏe và phòng dịch Covid-19, đơn vị vẫn chưa tổ chức cho người nhà thăm chiến sĩ cho tới khi công bố hết dịch hoặc có thông báo mới.
Đợt này trình độ văn hóa của chiến sĩ mới có mặt bằng cao hơn so với các khóa trước. Trong đợt nhập ngũ lần này có 4 đảng viên, 1 thạc sĩ, 20 cử nhân đại học, 14 chiến sĩ tốt nghiệp cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, số khác phần lớn tốt nghiệp THPT nhưng cũng có một số trường hợp chỉ học hết lớp 6.
“Do mặt bằng trình độ văn hóa không đồng đều, chúng tôi phân chia về các tiểu đội theo tỷ lệ thích hợp để các chiến sĩ có thể kèm cặp, giúp đỡ nhau cùng học tập, huấn luyện cũng như sinh hoạt, trong đó đặc biệt nêu cao vai trò của đảng viên” - Trung tá Nguyễn Văn Thương cho hay.
Chuyện tân binh
Để giúp chiến sĩ nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới trong quân ngũ, Tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động BĐBP tỉnh triển khai nhiều hoạt động tập thể, điển hình là mô hình “Tổ 3 người”. Qua sinh hoạt, mọi người trong tổ cùng chia sẻ, tâm sự với nhau, tổ trưởng sẽ báo lại với chính trị viên đại đội những khó khăn, vướng mắc của tổ viên để kịp thời chia sẻ, tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, tiểu đoàn thành lập các câu lạc bộ thể lực, võ thuật, bóng chuyền, tạo sân chơi cho chiến sĩ mới vừa nâng cao thể lực, vừa xây dựng mối quan hệ đồng chí, đồng đội. Tham gia các hoạt động tập thể là sợi dây kết nối giữa chiến sĩ với chiến sĩ, chiến sĩ với cán bộ. Mối liên kết ấy, gắn bó ấy là tiền đề để các chiến sĩ hiểu nhau hơn, từ đó, giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện.
Trong số chiến sĩ mới, binh nhì Nguyễn Đức Mạnh luôn được đồng đội quý mến bởi tính cách hòa đồng, giản dị và luôn chấp hành tốt các quy định của đơn vị. Ít ai biết rằng ở TP.Đà Nẵng, Mạnh sống trong gia đình “rất có điều kiện”. Trong thời gian còn đang học cao đẳng du lịch, Mạnh đã mở quán cà phê tại nhà, cuộc sống rất thoải mái. Cho nên bạn bè rất ngạc nhiên khi Mạnh viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào BĐBP Đà Nẵng.
“Tôi không nghĩ 2 năm quân ngũ là mất đi cơ hội của mình trong cuộc sống mà ngược lại cho mình nhiều trải nghiệm bởi quân đội là trường học lớn nhất cho mỗi thanh niên. Bố tôi cũng là BĐBP, tôi muốn được khoác trên mình màu xanh áo lính và có những tháng năm quân ngũ như bố” - Mạnh tâm sự.
Điều đặc biệt, trong số 100 thanh niên nhập ngũ BĐBP Quảng Nam có tới 23 người là đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Tà Riềng, Ve.
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao biên giới Đăk Tôi (Nam Giang), Zơ Râm Phố là con út trong một gia đình người Cơ Tu. Năm 2013, Zơ Râm Phố tốt nghiệp THPT nhưng không thi đại học như chúng bạn. Phố biết nhà mình nghèo, điều kiện không được như nhà khác nên ở nhà giúp bố mẹ làm nương, tích cóp một khoản tiền. Hai năm sau, Zơ Râm Phố thi và đỗ Đại học Nội vụ Hà Nội, khoa Quản lý Nhà nước, khiến ai cũng cảm mến chàng trai chịu khó, hiếu học. Tốt nghiệp đại học, Phố lại một lần nữa làm người khác bất ngờ khi không đi làm mà viết đơn tình nguyện nhập ngũ BĐBP Quảng Nam.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Đăk Tôi - một xã biên giới thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang. Trong xã cũng có nhiều người đang công tác trong lực lượng BĐBP và đều có lối sống, văn hóa ứng xử rất chuẩn mực. Lần này nhập ngũ, ngoài thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, tôi còn muốn được trưởng thành như các anh” - Zơ Râm Phố chia sẻ.
Ngày Binh nhì Bríu Giang người dân tộc Cơ Tu, nhà ở xã A Nông (huyện Tây Giang) nhập ngũ cũng là ngày anh lên chức bố khi vợ sinh con gái đầu lòng. “Lần đầu tiên xa nhà lâu thế này, nhất là cứ nghĩ đến con gái bé bỏng nên tôi rất nhớ gia đình. Thế nhưng việc huấn luyện, sinh hoạt tập thể gần như kín cả ngày khiến tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Biết hoàn cảnh của tôi, các tiểu đội trưởng như Thiếu úy Pơlong Nhé, Arất Thuận, Trung úy Alăng Trang, Pơlong Tâm quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Được các anh động viên, tôi đã quen được môi trường mới, tôi sẽ cố gắng huấn luyện tốt” - Bríu Giang trải lòng.