Thăng Bình tạo động lực phát triển kinh tế

VIỆT NGUYỄN 10/04/2020 12:57

Bức tranh kinh tế - xã hội huyện Thăng Bình ngày càng khởi sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn được nâng cao.

Cơ giới hóa đồng ruộng giúp nông dân Thăng Bình sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cơ giới hóa đồng ruộng giúp nông dân Thăng Bình sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chuyển biến mạnh

Bình Dương - xã vùng đông huyện Thăng Bình đang thay da đổi thịt từng ngày. Từ vùng cát trắng, quanh năm người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản ven bờ thì nay cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ.

Trong năm 2019, lĩnh vực làng nghề, thương mại, dịch vụ và dịch vụ công của xã đạt giá trị hơn 79,7 tỷ đồng (xấp xỉ 1/4 giá trị sản xuất các ngành kinh tế). Riêng Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An đã tạo lực đẩy phát triển khi thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm, tăng nhu nhập cho người dân.

Hiện Bình Dương có 4 cơ sở homestay hoạt động, với chừng 100 khách lưu trú mỗi tháng, tổng doanh thu ước tính hơn 160 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ lao động có việc làm ở địa phương trong năm 2019 là 99,47%.

Ông Phan Thanh Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Thu nhập ổn định đã giúp chất lượng sống của người dân được nâng lên. Bình Dương sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tạo động lực phát triển địa phương”.

Trong lĩnh vực làng nghề, nghề chế biến nước mắm Cửa Khe của địa phương ngày càng phát triển, là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) nổi bật của huyện Thăng Bình.

Cùng với vùng đông, huyện Thăng Bình cũng đang huy động nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển vùng tây. Riêng xã Bình Quý đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Theo bà Võ Thị Đoan Trang - Bí thư Đảng ủy xã Bình Quý, trong 12 tiêu chí quy định, về cơ bản 10 tiêu chí sắp sửa hoàn thành. Tuy nhiên, còn 2 tiêu chí xã đang gặp khó là hộ nghèo và phát triển kinh tế nông thôn. Địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để đạt được 2 tiêu chí trên. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đang huy động các nguồn lực để tạo chuyển dịch mạnh về công nghiệp, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp.

“Hiện nay, địa phương đã thu hút một số doanh nghiệp, tiêu biểu như nhà máy may ở thôn Quý Xuân. Sắp tới đây, một số doanh nghiệp sẽ về các thôn Quý Hương, Quý Mỹ. Huyện đã có chủ trương mở rộng dần Cụm công nghiệp Bình An - Bình Định Bắc xuống Bình Quý. Giải quyết việc làm ổn định cho người dân thì thu nhập sẽ tăng cao. Về phát triển kinh tế nông thôn, chúng tôi sẽ tập trung phát triển hợp tác xã, chuyển dịch cơ cấu sang hướng lao động tập thể thay vì cá thể như trước đây” - bà Võ Thị Đoan Trang nói.

Thúc đẩy phát triển

Nội dung quan trọng để huyện Thăng Bình tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là chú trọng thực hiện chương trình OCOP. Năm 2020, huyện Thăng Bình có 11 sản phẩm đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP và 3 sản phẩm đạt 3 sao đăng ký nâng hạng gồm cao chè vằng miền Trung của Cơ sở sản xuất Nguyễn Viết Vinh (xã Bình Phú); nước mắm Cửa Khe - Hai Hiền của Cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Hiền (xã Bình Dương) và dầu mè đen nguyên chất xã Bình Đào của HTX Bình Đào. Các chủ thể của sản phẩm OCOP đang xây dựng phương án phát triển để dự thi đánh giá, xếp hạng theo chương trình OCOP của UBND tỉnh.

Hiện nay, 100% cơ sở đăng ký tham gia OCOP có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói theo công nghệ mới; đồng thời áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. UBND huyện Thăng Bình đã hướng dẫn các chủ thể OCOP cách hoàn thiện hồ sơ minh chứng sản phẩm OCOP.

“Chúng tôi nỗ lực từng bước phát triển các sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Dầu mè đen nguyên chất qua quá trình phát triển liên tục kỳ vọng sẽ thành thương hiệu có uy tín, chất lượng” - ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Bình Đào cho biết.

Tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng đang được triển khai hiệu quả ở huyện Thăng Bình. Như ở xã Bình Chánh sản xuất lúa hiệu quả, năng suất đạt xấp xỉ 60 tạ/ha.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, nhờ chú trọng tập trung ruộng đất, cơ giới hóa đồng ruộng, nông dân đã tiết kiệm được công sức lao động, giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế thu được cao hơn. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công tác tập huấn về quy trình sản xuất, cơ cấu giống, dự báo sâu bệnh, quản lý dịch hại cây trồng cũng được triển khai sâu rộng ở 22 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình.

VIỆT NGUYỄN