Khoảng 500 triệu người toàn cầu có thể lâm vào nghèo đói do Covid-19
(QNO) - Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khoảng 500 triệu người trên toàn cầu có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói.
Đến nay, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên thế giới vượt con số 1,5 triệu. Khoảng một nửa dân số thế giới sống dưới lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan vi rút SARS-CoV-2.
Ngày 9.4, Quỹ từ thiện Oxfam có trụ sở tại thành phố Nairobi của Kenya nhận định, đại dịch Covid-19 không những cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mà còn tàn phá các nền kinh tế, có thể đẩy cuộc sống của 500 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo.
Tuyên bố của Oxfam được đưa ra trước thềm cuộc họp (trực tuyến) thường niên của các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 - nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Oxfam đã tính toán tác động của cuộc khủng hoảng đối với sự nghèo đói trên toàn cầu do thu nhập hoặc tiêu dùng bị thu hẹp vì dịch Covid-19.
Các quốc gia kể cả nghèo khó và phát triển cũng không thể tránh khỏi nỗi đau kinh tế hay hệ lụy từ đại dịch Covid-19. Song, những người nghèo ở các nước nghèo đang phải vật lộn để sinh tồn, hầu như không có mạng lưới an toàn để ngăn họ rơi vào nghèo đói và cùng cực.
Oxfam cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, sâu hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009. Các ước tính cho thấy, bất kể kịch bản nào thì sự đói nghèo toàn cầu cũng có thể gia tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990 và một số quốc gia sẽ quay lại cảnh nghèo khổ của 3 thập kỷ trước vì Covid-19.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, thu nhập giảm 20%, số người sống trong tình trạng cực nghèo (mức sống dưới 1,99 USD/ngày, theo tiêu chuẩn của WB) sẽ tăng từ 434 triệu lên 922 triệu trên toàn cầu. Còn số người sống dưới mức 5,5 USD/ngày sẽ tăng từ 548 triệu lên gần 4 tỷ người.
Trong đó, phụ nữ có nhiều rủi ro hơn nam giới bởi nhiều người trong số họ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức với ít hoặc không có các quyền lao động. Tính chung, hơn 2 tỷ lao động không chính thức trên toàn thế giới sẽ không có lương trong khi nghỉ việc.
Tuần trước, WB cho biết chỉ riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã có thể thêm 11 triệu người nghèo đói nếu tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn. Ở đó cần sự hợp tác quốc tế để vượt qua thiệt hại.
Để giúp giảm thiểu tác động của Covid-19, Oxfam đề xuất một kế hoạch hành động 6 điểm nhằm cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt và cứu trợ cho những lao động mất việc và doanh nghiệp có nhu cầu.
Cạnh đó, Oxfam cũng kêu gọi các nước giàu xóa nợ, IMF hỗ trợ nhiều hơn và tăng viện trợ, đánh thuế mạnh vào những lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận và các sản phẩm đầu cơ tài chính nhằm giúp gây quỹ cần thiết.
Nhiều quốc gia giàu có, bao gồm Vương quốc Anh và Hoa Kỳ vừa đưa ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động.