Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” ở Điện Bàn

CÔNG TÚ 09/04/2020 12:50

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các xã, phường ở Điện Bàn quan tâm thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo thông qua các mô hình điển hình, thiết thực và hiệu quả.

Người dân Điện Bàn tích cực hưởng ứng hiến đất, mở đường xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Ảnh: C.T
Người dân Điện Bàn tích cực hưởng ứng hiến đất, mở đường xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Ảnh: C.T

Phát triển kinh tế

Những năm qua, các xã như Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Trung, Điện Quang hay Điện Phong đã triển khai mô hình vận động nhân dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng và thu nhập.

Ngoài nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư liên kết phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ, trên diện tích đất hoa màu, địa phương khuyến khích nông dân canh tác các loại cây đậu phụng, đậu cô ve, ớt lai, bắp nếp, dưa hấu và rau các loại theo nhu cầu của thị trường. Phương thức “xen canh, gối vụ” đã mang về cho bà con thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Với đất lúa, giống được cơ cấu theo mùa, gieo sạ hàng và áp dụng các biện pháp thâm canh đã làm giảm thiểu dịch bệnh, tăng năng suất.

Nhờ nguồn cung nông sản chất lượng tại chỗ, địa phương gầy dựng nên thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng” (Điện Quang), “Gạo sạch hữu cơ Phong Thử” (Điện Thọ) và được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.

Đã 10 năm nay, ông Phạm Dũng trú thôn Bến Đền (xã Điện Quang) làm chuồng trên cánh đồng đất màu rộng chừng 500m2 để nuôi hàng chục con bò. Ngoài cám, gia đình tận dụng đất bạc màu để trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn cho bò.

“Tôi hiện nuôi 18 con bò, trong đó có 4 bò nái sinh sản. Dự định sắp tới sẽ mở rộng diện tích chuồng trại, tiến hành nuôi thêm chục con bò theo kiểu công nghệ cao” - ông Phạm Dũng chia sẻ.

Không chỉ ông Phạm Dũng, thôn Bến Đền có khoảng trên dưới 50 hộ triển khai mô hình nuôi bò tập trung ngoài đồng, chứ không nuôi nhốt trong khu dân cư. Toàn xã Điện Quang hiện có 154 hộ tham gia với 850 con bò.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng ban Dân vận Thị ủy Điện Bàn, kết quả ấn tượng nêu trên nhờ địa phương đã vận dụng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào điều kiện cụ thể, khả năng của người dân, hướng dẫn, giúp đỡ họ vươn lên và phát huy được vai trò chủ thể của mình. Mô hình vận động nhân dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung theo hình thức bán công nghiệp này đã nâng cao giá trị thu nhập, tận dụng được nguồn phân chuồng cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Cùng với Điện Quang, mô hình vận động nhân dân hiến đất mở đường, dồn điền đổi thửa… vẫn được các xã trên địa bàn thị xã duy trì bền vững.

Chuyển biến ở cơ sở

Ban Dân vận Thị ủy Điện Bàn cho biết, các cơ quan, đơn vị, xã, phường trong 10 năm qua đã đăng ký thực hiện 348 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Bao gồm, 149 mô hình trên lĩnh vực phát triển kinh tế; 167 mô hình trên lĩnh vực văn hóa xã hội (lĩnh vực phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội (gồm cả các mô hình xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị); 23 mô hình lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 9 mô hình xây dựng hệ thống chính trị (gồm cả các mô hình dân vận chính quyền).

Triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư không còn hộ nghèo”, phường Điện Ngọc đã tổ chức khảo sát nắm số lượng và đánh giá mức độ nghèo, nắm bắt nguyện vọng để hỗ trợ sinh kế phù hợp. Tranh thủ nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của Nhà nước cùng với nguồn lực xã hội hóa thông qua vận động kinh phí ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, kết quả cuối tháng 6.2019, Điện Ngọc không còn hộ nghèo nào (trừ hộ thuộc diện bảo trợ xã hội).

“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” do Hội LHPN Việt Nam thị xã phát động đã được cấp hội tại 20 xã, phường đồng tình hưởng ứng, vận động hội viên chung tay giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức khác nhau. Để có kinh phí trao phương tiện sinh kế, đến giúp việc nhà cho chị em bệnh tật thuộc diện bảo trợ xã hội, hội viên tích cực nuôi heo đất, thu gom chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt bán lấy tiền, vận động các nhà hảo tâm, các câu lạc bộ tình thương cùng tham gia.

Thực hiện xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, hội viên phụ nữ tích cực tham gia bằng nhiều việc cụ thể, điển hình như xây dựng tuyến đường hoa. Dưới bàn tay trồng, chăm sóc của các chị, cảnh quang các tuyến đường trở nên sạch đẹp hơn. Từ đó, thị xã hiện có hàng chục “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” được công nhận đạt chuẩn.

Về Điện Bàn hôm nay, làng quê yên bình, phố xá an vui nhờ có sự góp sức từ các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Tiêu biểu có thể kể đến vai trò của hội cựu chiến binh với mô hình “1+3”. Tức là, 1 hội viên cựu chiến binh phụ trách giúp đỡ, vận động 3 hộ gia đình liền kề trong khu dân cư chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đây, nhiều vụ mâu thuẫn gia đình được kịp thời hóa giải, tệ nạn trộm cắp, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác giảm đáng kể, góp phần không nhỏ trong xây dựng nếp sống văn minh.

CÔNG TÚ