"Lá chắn" miền biên ải - Bài 2: Lặng với niềm riêng

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 09/04/2020 06:56

Những ưu tư gia đình gác lại, bao cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã lên đường đi biên giới. Tâm tư cất giấu cho riêng mình, niềm nhớ chỉ chực trào lúc nghỉ ngơi hiếm hoi trên đường tuần tra, hoặc trong giờ cơm sau phiên gác. Lúc này, điều quan trọng nhất vẫn là bình yên cho biên giới.

Trung úy Hồ Văn Hòa dẫn đầu đoàn tuần tra chốt gác Đồn Biên phòng A Xan. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Trung úy Hồ Văn Hòa dẫn đầu đoàn tuần tra chốt gác Đồn Biên phòng A Xan. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Nỗi lòng người cha

Gió rít trên đỉnh đồi. Trước giờ cơm tối, Đại úy Hồ Sỹ Hiếu - Trưởng chốt gác xã Ga Ry (Tây Giang) ngồi một góc lán, dò tìm sóng điện thoại. Là cán bộ công tác tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ngày 1.4 vừa qua, khi được lệnh đơn vị điều động tăng cường cho các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 trên tuyến biên giới, anh xếp tư trang lên đường ngay, không kịp về nhà tạm biệt vợ con.

Đại dịch Covid-19, bây giờ là thứ “giặc”, hiểm nguy không kém gì những kẻ xâm lăng. Và họ, hiện diện cùng đồng đội, làm nên tấm “lá chắn” cho vùng biên, trước mối lo dịch bệnh.

Trên tuyến biên giới này, những cuộc gọi trong lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, anh chỉ kịp hỏi han, dặn dò vợ con vài câu, có khi đột ngột mất sóng. Dưới kia, hai đứa con nhỏ, đứa lớn vừa 5 tuổi, đứa nhỏ mới tròn 10 tháng, được mẹ gửi nhờ hàng xóm. Vợ anh, nhân viên của một bệnh viện tại TP.Tam Kỳ, làm việc suốt giờ hành chính, chỉ có thể tranh thủ ngoài giờ để chăm con.

“Những việc chăm con cũng chỉ một mình tay vợ. Đành vậy, biết làm sao. Nghiệp lính, lại là lính biên phòng, lên rừng, xuống biển, nhận lệnh là đi. Thật may, vợ hiểu và thông cảm” - Đại úy Hồ Sỹ Hiếu tâm sự. Như thấy khóe mắt của người cha ngân ngấn nước.

Hôm trước, ghé Đồn Biên phòng A Xan, nghe anh em kể câu chuyện về Trung úy Lê Anh Tuấn, thành viên tổ chốt chặn của đồn. Chỉ vài ngày nữa thôi vợ Tuấn sẽ sinh đứa con thứ 2. Nếu không là mệnh lệnh tập trung của đơn vị, có lẽ giờ phút này anh đã có mặt ở quê nhà Quảng Trị để chờ đón thành viên mới. Không chia sẻ được gì nhiều, anh em chốt gác chỉ biết động viên Tuấn, thầm mong dịch bệnh mau lui để người bố trẻ bớt nóng ruột vì mong ngóng.

Nhưng, ngược với những lo lắng của đồng đội, Tuấn vẫn chăm chỉ với nhiệm vụ, ngoài giờ gác còn siêng tăng gia, chăm bẵm cho vạt rau vừa mới gieo ở khoảng đất trống trước chốt. Hình như, niềm riêng, anh giữ cho chính mình, nên không ai nghe thấy Tuấn thở than, dù chỉ một lời. Những đêm không có lệnh tuần tra, lại thấy Tuấn ngồi xem ảnh vợ con, gọi điện thoại chuyện trò.

Ai cũng có cho mình một gia đình. Họ, càng ưu tư hơn khi đã nhiều ngày xa cách. Nhưng thật lạ, là cách họ kể lại nhẹ nhàng như thể đã mặc định cho mình một lựa chọn. Đại úy Hồ Sỹ Hiếu, Trung úy Lê Anh Tuấn, hay rất nhiều những người cha là lính biên phòng, vẫn đang lặng thầm sống với nhiệm vụ, với miền biên ải những ngày căng mình chống dịch, với gió mưa và nỗi nhớ mà họ cố giấu kỹ trong lòng, chỉ mơ hồ đọng lại nơi đáy mắt.

Những chiều mưa núi. Nhiều ngày nay, không có một bóng người qua chốt gác, sau khi lệnh “giới nghiêm” được khuyến cáo rộng rãi. Ngoài những giờ tuần tra, anh em quây quần trong căn lán nhỏ, bên bếp lửa, bao câu chuyện riêng hóa thành chung. Họ sẻ chia cho nhau từng nỗi niềm, dặn lòng tập trung vì nhiệm vụ.

Đại úy Hồ Sỹ Hiếu tranh thủ lúc nghỉ ngơi, dò sóng điện thoại để gọi về với vợ con. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Đại úy Hồ Sỹ Hiếu tranh thủ lúc nghỉ ngơi, dò sóng điện thoại để gọi về với vợ con. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Vừa là chủ quyền cương thổ, vừa là an nguy của cả Tổ quốc, không ai trong số họ tự cho phép mình yếu mềm, dù là bất cứ lý do gì. Như cái cách mà họ cầm súng đi về phía đường biên, bất chấp mưa dội trên đầu, bất chấp màn đêm đen và bao bất trắc khó lường nơi rừng thẳm. Đại dịch Covid-19, bây giờ là thứ “giặc”, hiểm nguy không kém gì những kẻ xâm lăng. Và họ, hiện diện cùng đồng đội, làm nên tấm “lá chắn” cho vùng biên trước mối lo dịch bệnh.

Chờ qua cơn dịch

Đêm tuần tra cùng tổ chốt chặn Đồn Biên phòng Ga Ry, chúng tôi còn được nghe một câu chuyện khác về Thiếu tá Nguyễn Hồng Thanh. Đứa con trai duy nhất của anh, 16 tuổi, từ nhiều tháng nay được gửi ở một trung tâm xã hội tại TP.Hội An. Con trai bị bệnh bại não bẩm sinh, không người chăm sóc, anh Thanh buộc phải gửi cho trung tâm để lên đường làm nhiệm vụ. Khi chưa có dịch, tháng nào anh Thanh cũng chạy xe máy vượt quãng đường gần 200 cây số từ biên giới về thăm con. Chưa có chuyến đi nào nữa, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đồng đội vẫn chỉ thấy anh miệt mài với cung đường tuần tra, sốt sắng đi vào từng cánh rẫy, dặn dò bà con biên giới, hay sửa soạn từng bữa cơm cho cả chốt. Anh không kể về chuyện mình.

Vài ngày nữa, là thời điểm đã được ấn định cho lễ cưới của Trung úy Hồ Văn Hòa (Đồn Biên phòng A Xan, Tây Giang). Năm năm công tác ở Quảng Nam, chàng trai Vân Kiều (quê Quảng Trị) làm quen và sắp kết hôn với cô gái Cơ Tu - Alăng Thị Lệ (quê ở Nam Giang). Mọi thứ đã chuẩn bị. Rồi dịch Covid-19 xuất hiện. Lễ cưới phải hoãn, dù thiệp mời đã được phát đi. Hòa cũng nhận lệnh điều động từ đơn vị, lên cắm chốt để trực gác phòng dịch. Chốt gác đóng ở nơi không có sóng điện thoại, trước giờ lên đường, anh chỉ kịp gọi vội về gia đình và người vợ sắp cưới, nhờ họ thông báo cho bà con, bạn bè về việc đám cưới đã hoãn. Hòa nói, hiện tại cũng chưa biết là sẽ còn phải chờ đợi đến bao lâu nữa. Chỉ cầu mong mọi thứ qua nhanh, hết dịch, sẽ xin phép đơn vị để về lo cho hỷ sự.

Hình như, cũng có chút gì bối rối trong từng câu kể. Chúng tôi hiểu cái khó của Hòa. Đâu chỉ riêng anh và vợ sắp cưới, cả gia đình cũng đang mong ngóng từng ngày. Nhưng, dịch giã phức tạp, việc tập trung đông người đã được khuyến nghị tạm dừng. Chưa kể, Hòa là người lính, lúc này, tâm trí phải dành cho nhiệm vụ.

“Mình đã xác định rất rõ, thời điểm này không phải là lúc phù hợp để làm lễ cưới. Mọi người trong nhà cũng hiểu và chia sẻ cho mình. Anh em ở chốt biết chuyện này, nên đôi lúc trên đường tuần tra, mọi người cố ý dừng chân nghỉ ở nơi có sóng điện thoại, tạo điều kiện cho mình gọi về động viên vợ. Ở nhà, mọi người cũng động viên mình. Chuyện gia đình có thể tạm gác được, nhưng chống dịch, thì không thể dừng” - Hòa chia sẻ.

Chưa ai nghĩ đến ngày về. Mọi tâm trí dồn cho chống dịch. Đôi mắt vẫn dõi theo từng lối mòn. Đôi tai, dành nghe ngóng cho những phiên gác. Chuyện các anh nói với nhau nhiều nhất cũng là tình hình dịch bệnh, những tin tức từ đơn vị, hay tình hình ở khu vực biên giới.

Mừng, vì những ngày qua không có bất kỳ trường hợp nào vượt biên, qua lại bằng đường mòn, lối mở. Bà con người bản địa cũng biết thông tin, nên dừng thăm thân, không đi vào khu vực đường biên. Những chuyến tuần tra, Hòa luôn là người dẫn đầu đoàn, thầm lặng mà cần mẫn. Và, biên giới vẫn đang yên bình. Nếu là một sự đánh đổi, thì có lẽ, Hòa cũng như đồng đội đã và đang đánh đổi xứng đáng bằng chính lựa chọn gác lại niềm riêng, của mình…

Phía đường biên, vẫn có bao người đang xếp lại những ưu tư, căng mình vì nhiệm vụ.

-------------------

Bài cuối: Vùng biên chống dịch

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC