Thực hiện tiêu chí số 13 về nông thôn mới: Cách làm từ Tây Giang

TẤN SỸ 08/04/2020 09:37

Tây Giang có hai xã A Nông và Lăng về đích nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, ngoài ra vào tháng 6.2020 này, xã A Tiêng cũng sẽ cán đích. Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Tây Giang, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất được xem là thế mạnh của địa phương và được triển khai thực hiện khá hiệu quả.

Hàng nông sản Tây Giang. Ảnh: T.S
Hàng nông sản Tây Giang. Ảnh: T.S

A Tiêng dẫn đầu tiêu chí số 13

Đều đặn hàng ngày, ông Pơ Loong Đào (thôn Achir, xã A Tiêng) cùng vợ mang măng điền trúc đến nhập tại HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang. Mỗi ký măng điền trúc, ông Đào bán với giá 5 nghìn đồng, bình quân một ngày, gia đình ông có thể thu nhập 400 - 500 nghìn đồng. Không chỉ nhập măng điền trúc, ông Đào còn tham gia các công đoạn với HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang như bóc, luộc, sấy măng khô... Ông Đào là một trong 90 thành viên tham gia chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang.

“Bà con ở đây rất tin tưởng HTX, vì họ mua đúng giá thị trường, không ép giá. Bán măng điền trúc bà con có thêm tiền mua mì chính, muối, gạo, cuộc sống ổn định hơn” - ông Pơ Loong Đào nói.

HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngoài những sản phẩm rượu đặc sản của địa phương như ba kích, đẳng sâm…, từ năm 2019, HTX đã mạnh dạn mở thêm mô hình thu mua, chế biến các sản phẩm từ măng điền trúc, chế biến trà đẳng sâm... Thực tế tại Tây Giang nguồn nguyên liệu măng điền trúc và đẳng sâm rất dồi dào. Song, suốt thời gian dài không có người thu mua, thị trường đầu ra bế tắc. Do đó, bà con không còn mặn mà với việc trồng măng điền trúc hay cây đẳng sâm.

Trước thực tế đó, HTX đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua máy móc chế biến các sản phẩm mang thương hiệu Tây Giang. Và cuối năm 2019, sản phẩm măng khô điền trúc Tây Giang được công nhận 3 sao và trà đẳng sâm được công nhận 4 sao theo chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh.

“HTX có rất nhiều sản phẩm khác như măng ka đông sấy, các loại trà thảo dược… Chúng tôi thực hiện chuỗi liên kết giá trị với 10 xã của huyện Tây Giang để tạo công ăn việc làm cho bà con” - ông Bùi Nam Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang cho biết thêm.

Xã A Tiêng nằm trong lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020 và địa phương phấn đấu tháng 6.2020 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí. Đến thời điểm hiện nay, A Tiêng chỉ còn một tiêu chí về nhà ở (sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm nay), còn lại 18 tiêu chí đã hoàn thành. Trong đó, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất được xem là điểm mạnh của địa phương bởi các HTX trên địa bàn đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên và gần 500 lao động thời vụ. Cũng từ quy mô của HTX, hai tiêu chí khó thực hiện là giảm nghèo và tăng thu nhập bình quân đầu người của A Tiêng đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

“Hiện nay trên địa bàn xã có 3 HTX chuyên về nông sản và dược liệu, các HTX này bước đầu hoạt động có hiệu quả và được coi là nguồn lực lớn của xã trong xây dựng NTM” - ông Lê Trung Thủy, Chủ tịch UBND xã A Tiêng nói thêm.

Thế mạnh nông sản và dược liệu

Tại huyện Tây Giang, giai đoạn 2011 - 2015 có hai xã về đích NTM là A Nông và Lăng. Theo đánh giá, phát huy lợi thế về nguồn nông sản, dược liệu quý, 2 xã NTM này và 8 xã còn lại của huyện đã hình thành 7 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.

Các mô hình này góp phần thay đổi nhận thức của người dân Cơ Tu trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người. Qua đánh giá, tiêu chí số 13 tại 10 xã của huyện Tây Giang đều đạt chỉ tiêu đề ra.

“Trong quá trình xây dựng NTM, có một số tiêu chí khó đối với miền núi, như tiêu chí số 13. Song, bằng nhiều cách làm riêng của mình, chúng tôi đã hình thành nhiều HTX và hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất tại 10 xã. Các HTX này chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, đó là thế mạnh của huyện Tây Giang. Trong năm 2019, chúng tôi có 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 2 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao” - ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết.

Các HTX, tổ sản xuất ở Tây Giang đã làm khá tốt việc đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con Cơ Tu; trong đó các HTX tại A Tiêng, Lăng, Tr’Hy, A Xan… đã tập trung làm chuỗi liên kết giá trị đối với sản phẩm nông nghiệp, dược liệu. Thời gian qua, Tây Giang hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để các HTX phát triển. Trong đó, từ nguồn khuyến công, xây dựng sản phẩm OCOP, khởi nghiệp sáng tạo, Tây Giang đã hỗ trợ các HTX về kiến thức và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản, dược liệu.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trong sản xuất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ đến TP.Tam Kỳ, Đà Nẵng cũng như các tỉnh ở phía Bắc. Chúng tôi xác định, các HTX chính là nguồn lực để khơi dậy sức dân trong thực hiện tiêu chí số 13 nói riêng và hoàn thành 19 tiêu chí NTM của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM nói chung” - ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói thêm.

TẤN SỸ