Dịch vụ giao hàng thực phẩm ở Đông Nam Á tăng mạnh trong mùa Covid-19

QUỐC HƯNG 06/04/2020 09:45

(QNO) - Tại khu vực Đông Nam Á, xu hướng ứng dụng nhà bếp trên nền tảng đám mây hay dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến (online) phát triển nhanh, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Các tài xế Grab nhận đồ ăn tại một quầy hàng để giao cho khách hàng tại Băng Cốc, Thái Lan. Ảnh: AFP
Các tài xế Grab nhận đồ ăn tại một nhà hàng ở Băng Cốc, Thái Lan để giao cho khách. Ảnh: AFP

Cũng như nhiều nước trên thế giới, chính phủ các nước khu vực Đông Nam Á tăng cường biện pháp phong tỏa hay cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Khi mọi người được khuyến khích hạn chế hay không được ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, người tiêu dùng có nhu cầu đặt hàng, nhất là thực phẩm trên các ứng dụng trực tuyến (online) tăng cao.

Tại Malaysia, các công ty dịch vụ giao hàng thực phẩm ghi nhận đơn đặt hàng tăng hơn 30% kể từ khi Chính phủ ban hành lệnh kiểm soát di chuyển từ ngày 18.3. Malaysia cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tiến hành phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn lây lan Covid-19. 

Dịch vụ đặt/giao hàng trực tuyến không phải là mới nhưng sự phát triển nhanh của ứng dụng và điện thoại thông minh đang mở rộng phạm vi của dịch vụ này.

Thị trường giao hàng thực phẩm trực tuyến trên toàn cầu trị giá hơn 35 tỷ USD hàng năm và được dự báo sẽ đạt 365 tỷ USD vào năm 2030. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, thị trường này dự kiến sẽ tăng từ 2 tỷ USD năm 2018 lên 8 tỷ USD vào năm 2025.

Một trong những thuận tiện mà nhiều khách hàng ưa chuộng dịch vụ đặt hàng online là chỉ thông qua một ứng dụng, người tiêu dùng tha hồ lựa chọn món ăn theo nhu cầu, túi tiền.

Để đẩy mạnh doanh thu, hệ thống phân phối thực phẩm thậm chí điều chỉnh thực đơn cho khách hàng theo nhu cầu về sức khỏe hay kiêng cữ và cả lựa chọn, tư vấn nguyên liệu phù hợp món ăn bảo đảm chất lượng, sức khỏe khi khách hàng cần nấu tại nhà.

Đặc biệt trong điều kiện hạn chế đi lại trong mùa Covid-19, đây cũng là hình thức đi chợ online khá phù hợp. Khi người dân ở nhiều nước ASEAN như Malaysia và Singapore bắt đầu làm việc tại nhà, nhiều người bận rộn có thể đặt thức ăn mà không cần rời khỏi bàn làm việc hoặc gián đoạn công việc.

Go-Jek - một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Jakarta, Indonesia, chuyên về dịch vụ vận tải và hậu cần đang chứng kiến các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến trở nên lớn hơn các dịch vụ thuê xe máy, tạo ra 2,5 tỷ USD trong các giao dịch hàng năm chỉ riêng ở Indonesia.

FoodPanda, GrabFood và Go-Food - dịch vụ giao thức ăn phổ biến ở Malaysia, Philippines và Singapore... cho biết hoa hồng đến từ doanh thu của các nhà hàng mà không cần thêm bất kỳ chi phí nào cho khách hàng.

Jongy - một người tiêu dùng tại Jakarta cho biết, do hạn chế về thời gian và đi lại trong nỗ lực cùng chung xã hội ngăn chặn lây lan Covid-19, nhiều khách hàng có thể lựa chọn đồ ăn nhanh hay nguyên liệu để chế biến tại nhà trong nhiều ngày liền, phù hợp với túi tiền. Đây là yếu tố thúc đẩy nhà bếp trên nền tảng đảm mây bùng nổ. 

Đây là mô hình của nhà hàng không có không gian vật lý và không có địa điểm ăn uống, hoạt động dựa trên cuộc gọi, ứng dụng và trang web, được những khách hàng thường hạn chế về thời gian, đi lại lựa chọn.

Mặt khác, dịch vụ này cắt giảm nhiều chi phí như tiền điện, không gian chỗ ngồi, nhân viên phục vụ, thay vào đó để đầu tư chất lượng và giá cả cạnh tranh cho sản phẩm. Nhà bếp đám mây đang nhanh chóng đạt được đà tăng trưởng mạnh ở Đông Nam Á.

QUỐC HƯNG