Cân bằng bên phố bên làng

QUỐC TUẤN 04/04/2020 09:11

“Dòng chảy” của phố xá và làng mạc luôn xuyên suốt, liền mạch với nhau từ bao đời. Việc dung hòa được các giá trị cốt lõi của cả làng và phố để không bên nào bị lấn át tựa như trò chơi bập bênh cần quá trình điều tiết khéo léo, dài hơi.  

Sự tương tác giữa làng và phố thường thể hiện rõ nét qua các dòng sông. Ảnh: Q.T
Sự tương tác giữa làng và phố thường thể hiện rõ nét qua các dòng sông. Ảnh: Q.T

Dung hòa phố và quê

Tại hội thảo về bảo tồn và phát triển Cù Lao Chàm diễn ra tại TP.Hội An vào cuối năm ngoái, PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải đặt khu di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới của Hội An trong nền cảnh hệ thống sinh thái của xứ Quảng như một chính thể thống nhất để có các giải pháp bảo tồn thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp”. Ở góc độ hệ sinh thái tự nhiên, có sự ràng buộc, tương tác chặt chẽ giữa đô thị và làng mạc phía bắc Quảng Nam hay gọi nôm na là quản lý tổng hợp “từ trên nguồn xuống biển”. Các dòng sông lớn ở địa phương như Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò đều bắt nguồn từ làng quê và hội tụ phù sa, sản vật, văn hóa đặc trưng của xứ Quảng về Hội An.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương đề xuất rằng: “Nên chăng trong thời gian đến Hội An cần phải hình thành một trung tâm OCOP mang tầm cỡ quốc gia. Bởi đô thị cổ Hội An là thương hiệu nổi tiếng còn các sản vật trù phú ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh lại cần một đòn bẩy để vươn tầm”. Trong quá khứ, thương cảng Hội An cũng từng là “sàn giao dịch thương mại” bán buôn không thiếu đặc sản gì từ rừng núi, nông thôn đến đô thị xứ Quảng.

Tuy nhiên, những làng quê ở thượng nguồn cũng cần nghĩ xa cho phố bởi từng chuyển động, rục rịch tiêu cực ở đó cũng có thể từng ngày âm ỉ, tổn thương đến phố. Có thể thấy rõ vùng đô thị, bán đô thị ở hạ nguồn đang chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và những tác động từ thượng nguồn. Những người quản lý và chuyên gia của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vẫn trăn trở về bất cập trong quản lý sông Thu Bồn theo địa giới hành chính cấp huyện, dẫn đến thực trạng “chia đôi”, “chia đoạn” từng khúc sông mà chưa có một hệ thống vận hành căn cơ nào để bảo tồn vùng lõi, vùng đệm và cả giữ phố, giữ làng trải dọc hai bên sông.

Giữa trung tâm phố với phố

Hội An là một đô thị nhỏ với diện tích tự nhiên chỉ hơn 60km², khu phố cổ Hội An càng nhỏ bé hơn khi chỉ rộng khoảng 1,2km². Lọt thỏm giữa vùng đô thị sầm uất, khu phố cổ hàng năm lặng lẽ gồng gánh gần 5 triệu du khách quốc tế (số liệu năm 2019) thăm thú bởi đây luôn là lựa chọn trước tiên của họ khi ghé Hội An.

Theo KTS.Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hội An vẫn đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng trong sự quản lý và điều tiết quan hệ kinh tế - xã hội - môi trường và cần có chiến lược dài hạn nhằm tạo ra “sự cân bằng động”. Một trong số đó là “sự cân bằng động” giữa 1,2km² khu phố cổ với 65km² tổng diện tích thành phố.

Vai trò hạt nhân của khu phố cổ trong tổng thể đô thị Hội An là không phải bàn cãi, tuy nhiên phố cổ cũng rất cần sự san sẻ áp lực từ vùng phố mới xung quanh. Theo KTS.Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Đô thị Hội An có một di sản kiến trúc rất đẹp. Hội An cần sớm tính toán tạo ra những khu trung tâm khác để giải tỏa sự quá tải đang diễn ra từng ngày ở khu phố cổ”.

Trên thực tế, thời gian qua Hội An đã bước đầu thành công trong việc giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm. Tuy nhiên việc tạo ra các trung tâm mới trong nội đô để thu hút khách vẫn là điều hết sức khó khăn bởi lực hút của “thỏi nam châm” phố cổ. Một thực tế dễ thấy rõ khi quỹ đất đô thị ở Hội An đã dần cạn kiệt và có thể trong tương lai không xa đô thị di sản này phải cần thêm sự san sẻ từ những đô thị trung gian.

QUỐC TUẤN