Nước Là, một thời anh dũng - Kỳ cuối: Bẻ gãy ba trận càn của địch
Phát hiện lực lượng ta đóng tại vùng núi Nước Là (Trà My) nên địch tung quân càn quét quyết tâm triệt hạ, bóc dỡ căn cứ của cách mạng. Tuy nhiên cả 3 lần tiến đánh, chúng đều thất bại.
Chặn đứng “Lam Sơn I”
Sau khi do thám nắm tình hình, địch quyết định tung Quân đoàn I ngụy tổ chức cuộc hành quân “Lam Sơn I” bất ngờ tấn công vào cơ quan Khu ủy 5 tại Nước Là. Trước đó, phát hiện máy bay trinh sát của địch lượn lờ trên bầu trời Trà My, Khu ủy đã lệnh cho các cơ quan đơn vị gấp rút sơ tán để vừa chủ động phòng tránh địch “bủa lưới”, vừa tập trung lực lượng bẻ gãy “mũi lao”, “trực thăng vận” của địch. Vì căn cứ Nước Là có địa thế vô cùng hiểm trở, được ta bố phòng rất chặt chẽ, hỏa lực mạnh nên địch rất khó xâm nhập.
Mờ sáng 28.8.1962, địch huy động 3 sư đoàn bộ binh có máy bay và pháo tầm xa yểm trợ, do tướng Nguyễn Khánh chỉ huy, càn quét vào mật khu Đỗ Xá từ 3 hướng. Ở hướng nam căn cứ Nước Là, ngày 30.8.1962, tại Nà Niêu (Quảng Ngãi), một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn 90 bắn rơi 12 máy bay trực thăng, diệt gần 100 tên địch, bắn bị thương một số chiếc khác trên tổng số 30 máy bay trực thăng của Liên đoàn 77 biệt kích dù quân ngụy.
Tại Trà My, địch huy động tiểu đoàn lính với sự yểm trợ của trực thăng đổ quân dọc 2 bên Nước Là nhằm đánh phá cơ quan, bao vây tiêu diệt lực lượng ta. Ngày đầu chúng cho quân lùng sục nhưng không phát hiện được gì. Đến ngày hôm sau, cả tiểu đoàn hành quân lên làng Mân Tra. Khi địch đổ quân ở Nước Là, tự vệ và nhân dân ra mai phục chờ địch và chúng đã lọt vào trận địa bố phòng, bị sập hầm chông, trúng tên do cung, nỏ... khiến thệt hại nặng về người nên phải thối lui, bỏ dở cuộc hành quân.
Đây là lần đầu tiên ta đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” của địch trên chiến trường Khu 5. Về mục tiêu chiến lược, “Lam Sơn I” kết thúc thất bại vì không tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến Khu 5; về chiến thuật, “trực thăng vận” bị đánh bại. Căn cứ Nước Là được giữ vững. Trung đội bảo vệ Khu ủy đã phối hợp với Trung đội 38 của quân khu quần đánh địch trong suốt hàng chục ngày đêm bảo vệ cơ quan Khu ủy đóng ở gần đó.
Sau cuộc hành quân lấn chiếm lần thứ nhất vào cơ quan lãnh đạo Liên Khu ủy 5 bị thất bại, địch cho quân đóng chốt điểm lập phòng tuyến ngăn chặn ta hoạt động xuống đồng bằng. Nhằm bảo vệ khu căn cứ cách mạng, chủ động tiến công đánh bại những âm mưu thủ đoạn của địch, Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương mở chiến dịch “vượt sông Tiên” phá vỡ tuyến phòng thủ của địch giải phóng 3 xã Sơn - Cẩm - Hà (Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, thuộc huyện Tiên Phước). Qua thời gian chuẩn bị tiếp tế, hậu cần và học tập chỉnh huấn xây dựng quyết tâm cho cán bộ và lực lượng vũ trang “vượt sông Tiên chỉ có tiến không lùi”. Ngày 25.9.1962, quân ta vượt sông Tiên, nổ súng đánh chiếm cơ quan Hội đồng 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, diệt đại đội bảo an và tổng đoàn dân vệ giải phóng 10 nghìn dân.
Giải phóng các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, có ý nghĩa lớn đối với việc mở ra giải phóng các huyện đồng bằng phía nam của tỉnh, phá thế giằng co phân tuyến chia vùng của địch, huy động nguồn nhân vật lực phục vụ cho cách mạng, bước đầu rút kinh nghiệm phát động quần chúng giải phóng đồng bằng.
Bẽ gãy “Bạch Phượng XI”
Không cam chịu thất bại, cuối tháng 4 đầu tháng 5.1963, địch tổ chức cuộc hành quân “Bạch Phượng XI” xâm nhập căn cứ Nước Là, với sự tham gia của Quân đoàn I và Quân đoàn II ngụy. Chúng bố trí 16 tiểu đoàn bộ binh tiến công đường bộ vào căn cứ Nước Là; lữ đoàn lính thủy đánh bộ (khoảng 2.000 tên) được máy bay quân sự Mỹ C123 di chuyển từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, sau đó hành quân bằng cơ giới ra Tam Kỳ rồi “trực thăng vận” vào căn cứ Nước Là. Tham vọng lớn của địch trong cuộc hành quân này là tiêu diệt cơ quan đầu não chính trị, quân sự của Liên khu 5, phá tan căn cứ trung tâm đầu não cách mạng của miền Trung Trung bộ.
Trong cuộc càn này, địch áp dụng chiến thuật “bủa lưới phóng lao”. Chúng tổ chức 5 mũi quân bộ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh lên, Kon Tum đánh xuống, hình thành thế bao vây căn cứ, chúng ném bom xuống các vùng Nà Niêu, Măng Xiêm, Trà Bồng, Tăk Pỏ, Nước Là... Tiếp theo chúng dùng mũi xung kích do 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến thuộc lực lượng dự bị chiến lược, dùng máy bay trực thăng đổ bộ thẳng vào trung tâm căn cứ hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo và đốt phá kho tàng của ta.
Đầu tháng 5.1963, khi các cánh quân của địch mon men đến rìa căn cứ đều bị các đơn vị vòng ngoài chặn đánh quyết liệt. Ở phía tây tam, lực lượng địa phương Kon Tum tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 41, sư đoàn 22 ngụy. Cánh quân từ Đắk Hà đi Kô Xia phải dừng lại khi bị ta bắn rơi 3 máy bay trực thăng và bị thương vong nặng, rơi vào trận địa bố phòng của ta. Du kích và đồng bào các dân tộc miền tây Quảng Ngãi đã tiêu diệt và làm bị thương 70 tên địch từ Gi Lăng tiến lên Vi Măng Xông. Cánh quân từ Trà My theo sông Tranh tiến lên cũng bị ta đánh diệt 150 tên, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng... Tuy bị quân ta chặn đánh quyết liệt các cánh quân vòng ngoài nhưng ngày 6.5.1963 địch vẫn liều lĩnh dùng trực thăng đổ 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến xuống vùng Nước Xa (nằm ở ranh giới huyện Nam và Bắc Trà My hiện nay). Lực lượng bảo vệ căn cứ và du kích đã kịp thời chặn đánh, diệt hơn 80 tên.
Sau 15 ngày chiến đấu (1.5 - 15.5.1963), lực lượng bảo vệ khu căn cứ Nước Là kết hợp với dân quân du kích, bộ đội địa phương 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Trung đoàn 2 vừa liên kết, vừa đánh chặn các mũi quân của địch vào căn cứ, vừa mở những cuộc tiến công vào các tuyến bao vây của địch ở vòng ngoài. Đồng thời luồn sâu bám đánh tiêu diệt một số đồn bốt, kho tàng trong hậu phương địch, nên đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân của 3 sư đoàn địch, tiêu diệt và làm thương vong 600 tên địch, bắn rơi 20 máy bay lên thẳng, thu nhiều vũ khí, trong đó có 2 đại bác 105mm, bảo vệ vững chắc khu căn cứ của Khu ủy và Bộ Chỉ huy Quân khu 5 và một số căn cứ của 3 tỉnh trong các vùng lân cận.
Cuộc hành quân “Bạch Phượng XI” kết thúc trong thất bại. Căn cứ Nước Là vẫn được giữ vững. Kết quả mang tính khích lệ mà quân ngụy và cố vấn Mỹ thu lượm được từ cuộc hành quân này là chút kinh nghiệm về tạo dựng bãi đáp cho “trực thăng vận” vào căn cứ của ta.
Đả bại “Quyết thắng 202”
Trước những bước phát triển mới ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng miền Nam nói chung, Khu 5 nói riêng, địch càng quyết tâm đánh phá hòng tiêu diệt căn cứ Nước Là - “thủ đô kháng chiến” của Khu 5. Ngày 27.4.1964, Quân đoàn II ngụy phát động cuộc hành quân “Quyết thắng 202” đánh thẳng vào căn cứ Nước Là. Lực lượng quân ngụy gồm 3 tiểu đoàn biệt động quân, Trung đoàn 50 thuộc Sư đoàn 25 ngụy, 1 tiểu đoàn dù. Các cánh quân của địch được “trực thăng vận”, yểm trợ trong quá trình chiến đấu. Tổng quân số địch khoảng 5.000 tên.
Quân ngụy trưng dụng tất cả máy bay của Quân đoàn I và Quân đoàn II để phục vụ cuộc hành quân này. Cũng như hai lần tập kích trước của quân địch, các cơ quan đầu não kháng chiến của ta đã nhanh chóng sơ tán tránh được “mũi lao” của địch. Đồng thời chúng ta chủ động bày thế trận, bố trí hỏa lực phòng không mạnh đánh phủ đầu quân địch ngay từ khi máy bay chúng đổ quân. Máy bay địch cũng bắn trả quyết liệt vào trận địa phòng không của ta.
Các cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Địa hình căn cứ địa Nước Là rất hiểm trở, núi cao, rừng rậm vây quanh bãi đáp trực thăng quân địch. Đó là điều kiện rất thuận lợi để quân dân ta tổ chức thế trận đánh địch liên hoàn, gây cho chúng nhiều tổn thất, kinh hoàng. Nhiều máy bay địch bị ta tiêu diệt và bắn bị thương. Chỉ riêng trong ngày đầu của cuộc hành quân, 15 trong số 19 trực thăng UH-34D của lính thủy đánh bộ Mỹ bị trúng đạn. Chút kinh nghiệm về tạo dựng bãi đáp trực thăng trong “Bạch Phượng XI” không giúp được gì để hạn chế những tổn thất về máy bay trong “Quyết thắng 202”. Mục tiêu chiến lược của cuộc hành quân là “bủa lưới” rồi “phóng lao” tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến Khu 5 vẫn không thực hiện được, địch lại phải gánh chịu nhiều tổn thất. Hành quân “Quyết thắng 202” - lần thứ ba địch xâm nhập căn cứ Nước Là - thất bại.
Trước sự phát hiện và liên tục bị địch đánh phá, cuối năm 1964, cơ quan Khu ủy, Văn phòng Khu ủy và các ban ngành của Khu 5 chuyển từ căn cứ Nước Là, xuống đồng bằng, ở trong nhà dân các xã giáp ranh của huyện Tam Kỳ (Kỳ Sơn, Kỳ Quế, Kỳ Trà) và các xã Phương Đông, Dương Yên (nay thuộc huyện Tiên Phước). Văn phòng Khu ủy 5 ở thôn 4 xã Kỳ Sơn khu vực ngã ba An Lâu, kết thúc một thời gian dài cơ quan Liên Khu ủy 5 đứng chân tại Nước Là với nhiều khó khăn thử thách, nhưng cũng đầy vẻ vang. Nước Là đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang - là “thủ đô kháng chiến” của Liên Khu ủy 5 trong những năm 1959 - 1964.
(Loạt bài có sử dụng tư liệu in trong các ấn phẩm do Nxb Đà Nẵng, Sở VHTT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Nxb Chính trị quốc gia phát hành)