Thực hiện chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn: Còn nhiều bất cập, vướng mắc
Kết quả khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn cho thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ...
Khó khăn chi trả phụ cấp
Sau khi tổ chức, sắp xếp lại thôn theo Nghị quyết 42 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh, nhiều thôn có dân số đông, địa bàn rộng, khối lượng công việc nhiều trong khi đó mức phụ cấp quá thấp khiến cho phần lớn người hoạt động không chuyên trách thôn không muốn gắn bó với công việc. Trong khi đó, việc lựa chọn, tìm kiếm nhân sự tại các thôn, khối phố khi khuyết chức danh gặp rất nhiều khó khăn; có trường hợp mặc dù đã nhận chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 60 ngày 6.12.2018 và Nghị quyết 43 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh nhưng vì không có nhân sự nên phải giới thiệu lại để đảm nhận các chức danh ở thôn.
Qua khảo sát tại 10 địa phương cấp xã, theo ghi nhận của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, một số địa phương cho rằng việc quy định cứng chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn hoặc kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận; Thôn đội trưởng kiêm Công an viên khiến các địa phương lúng túng. Việc quy định chức danh Thôn đội trưởng kiêm Công an viên gặp khó khăn trong việc bố trí con người do quy định về tiêu chuẩn (Thôn đội trưởng dưới 45 tuổi, trong khi Công an viên có nhiều người đảm nhận nhiệm vụ lâu năm, có kinh nghiệm nhưng tuổi đời cao; chức danh Thôn đội trưởng do Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện bổ nhiệm, Công an viên do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm).
Một số địa phương nêu lên khó khăn khi thực hiện cả hai nhiệm vụ cùng một lúc thì vai trò, chức năng, nhiệm vụ trang phục chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tại các phường, thị trấn không có chức danh Công an viên chỉ bố trí Khối đội trưởng nên một số địa phương lúng túng trong việc chi trả phụ cấp (hưởng 1.0 hay 0.5 mức lương cơ sở).
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, Quyết định số 20 của UBND tỉnh ngày 6.11.2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17.11.2019, chức danh Phó Trưởng thôn vẫn được bầu. Tuy nhiên người thực hiện chức danh này không được hưởng phụ cấp hằng tháng, nên hiện nay chức danh này ít tham gia công việc, khó khăn trong việc thực hiện, chia sẻ nhiệm vụ chung của thôn. Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh chưa quy định mức phụ cấp kiêm nhiệm khi cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách thôn, gây khó khăn trong việc chi trả phụ cấp.
“Sau đại hội chi bộ thôn/khối phố, một số địa phương đã áp dụng Nghị định 34/2019/NĐ-CP thay vì áp dụng Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, đã tách 3 chức danh với 3 người (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn/Tổ trưởng dân phố; Trưởng ban công tác Mặt trận), chưa phù hợp với quy định tại Nghị quyết 43 và hiện đang vướng việc chi trả phụ cấp đối với các chức danh này” - bà Nguyệt cho hay.
Địa phương lúng túng
Liên quan đến những tồn tại, bất cập trong việc triển khai thực hiện các Nghị định 34/2019/NĐ-CP, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thống nhất giao Sở Nội vụ phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh rà soát hết lại để xây dựng thống nhất quy định, hướng dẫn đầy đủ về các điều kiện thực hiện chế độ chính sách đối với các đối tượng được nêu ở trên. Nội dung này cần đưa ra trình tại Kỳ họp thứ 15 sắp tới, chứ không chờ đến kỳ họp giữa năm; trong đó, quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho đối tượng tham gia trực tiếp ở cơ sở, sau này có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn...
Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 12 ngày 3.10.2019 của HĐND tỉnh, từ kết quả khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, hầu hết địa phương đã bố trí số lượng đảm bảo, đúng theo quy định tại Nghị quyết số 12 (xã loại 1 bố trí tối đa 14; xã loại 2 bố trí tối đa 12; xã loại 3 bố trí tối đa 10).
Qua tổng hợp toàn tỉnh, đã bố trí 2.744/3.038 định biên người hoạt động không chuyên trách xã. Trong đó, nhiều địa phương bố trí tối đa định biên; các xã còn lại bố trí kiêm nhiệm các chức danh nên đã giảm được số định biên theo quy định (từ 1 - 5 người/1 đơn vị hành chính cấp xã), tiết kiệm được ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động; không có trường hợp bố trí vượt định biên.
Theo bà Đặng Thị Minh Nguyệt, các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách xã được thực hiện đảm bảo theo Nghị quyết 12. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của địa phương phản ánh mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách xã hiện nay quá thấp không tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, năng lực chuyên môn và thời gian làm việc của đội ngũ này.
Nêu ra các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh thời gian qua, bà Đặng Thị Minh Nguyệt cho hay, toàn tỉnh có khoảng 645 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp theo Nghị quyết 12. Nhưng các địa phương còn lúng túng trong việc tính chế độ hỗ trợ, chưa xác định được áp dụng ngày có hiệu lực của Nghị quyết 12 (15.10.2019) hay ngày có hiệu lực của Quyết định 3509/QĐ-UBND tỉnh (5.11.2019) hay tính đến hết ngày 31.12.2019. Cũng như còn lúng túng trong việc xác định đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ dôi dư (không xác định Công an viên thường trực là đối tượng dôi dư khi bố trí Công an chính quy hoặc đề nghị giải quyết chế độ dôi dư đối với các Chủ tịch Hội đặc thù khi hết nhiệm kỳ hay nghỉ theo nguyện vọng)...
“Hiện nay chưa có văn bản quy định rõ nhiệm vụ và thời gian làm việc đối với người hoạt động không chuyên trách - (có nơi làm một phần thời gian trong ngày, có nơi làm toàn thời gian) dẫn tới tình trạng đùn đẩy trong công việc hoặc so bì chế độ chính sách giữa các chức danh chuyên trách và không chuyên trách” - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Thị Minh Nguyệt nói.