Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Trong trường hợp người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), ngoài chế độ BHXH, có phải người sử dụng lao động (SDLĐ) phải thực hiện chế độ bồi thường đối với NLĐ bị TNLĐ?
Trả lời: Ngày 2.2.2015, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 04 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người SDLĐ đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20.3.2015.
Điều 3 thông tư này đã quy định cụ thể về việc bồi thường TNLĐ, BNN như sau:
1. Đối tượng được bồi thường:
a) NLĐ bị TNLĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 của thông tư này.
b) NLĐ bị BNN theo kết luận của hội đồng giám định y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợp sau:
- Bị chết do BNN khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do BNN theo kết quả thực hiện khám giám định BNN định kỳ (theo quy định của Bộ Y tế).
2. Nguyên tắc bồi thường:
a) Việc bồi thường đối với NLĐ bị TNLĐ được thực hiện từng lần. TNLĐ xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
b) Việc bồi thường đối với NLĐ bị BNN được thực hiện từng lần theo quy định sau:
- Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu.
- Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.
3. Mức bồi thường:
Mức bồi thường đối với người bị TNLĐ, BNN quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính như sau:
a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do TNLĐ, BNN.
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
- 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%.
- a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị TNLĐ, BNN.
- 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Hỏi: Tôi đang mang thai tháng thứ 4, phòng nhân sự của công ty có yêu cầu tôi phải nộp giấy khám thai 5 tháng liên tục mới được lĩnh tiền thai sản. Yêu cầu này đã khiến tôi rất hoang mang, lo lắng. Vậy, tôi muốn biết quy định này là như thế nào?
Trả lời: Điều 31 Luật BHXH về điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định như sau:
1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai.
b) Lao động nữ sinh con.
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản.
e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
2. NLĐ quy định tại các Điểm b, c và d, Khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. NLĐ quy định tại Điểm b, Khoản 1 điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Điều 32 Luật BHXH về thời gian hưởng chế độ khi khám thai cũng quy định:
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, để được hưởng chế độ thai sản mỗi lần đi khám thai, bạn cần cung cấp cho công ty giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc đi khám thai.