Nước Là, một thời anh dũng - Kỳ 3: Chuyển hướng chiến lược đấu tranh

LÊ NĂNG ĐÔNG 30/03/2020 11:40

Sự ra đời của Ban Quân sự Khu 5 cùng với việc thành lập một số cơ quan giúp việc của Liên Khu ủy có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển hướng chiến lược theo tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là chuyển phong trào cách mạng từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Từ đây, phong trào cách mạng trong toàn khu chuyển biến mạnh mẽ, đại bộ phận nông thôn miền núi được giải phóng, làm bàn đạp vững chắc để tiến về giải phóng đồng bằng, đô thị.

Cán bộ miền núi luyện tập. Ảnh tư liệu
Cán bộ miền núi luyện tập. Ảnh tư liệu

Củng cố, mở rộng căn cứ

Sau khi các ban, ngành thuộc Ban Thường vụ Liên Khu ủy 5 được thành lập, tháng 4.1960, tại làng Ngok La, căn cứ Nước Là, Liên Khu ủy 5 tổ chức hội nghị mở rộng kiểm điểm một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và quyết định những vấn đề quan trọng. Sau khi kiểm điểm tình hình, hội nghị chủ trương: “Đẩy mạnh tiến công địch cả về quân sự, chính trị nhằm củng cố và mở rộng căn cứ địa miền núi, xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc với đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kiên quyết phát động phong trào quần chúng phá kìm kẹp ở đồng bằng, đưa phong trào đồng bằng tiến lên mạnh mẽ. Giành lại đồng bằng là hết sức quan trọng và cấp bách vì đây là kho nhân tài vật lực, đẩy mạnh đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công” chính trị, vũ trang và binh vận. Phát triển phong trào thành phố và đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, nếu cần thiết thì vũ trang diệt ác”.

Từ đó, phong trào Đồng khởi tiếp tục lan rộng mạnh mẽ, chú trọng hơn đến đấu tranh vũ trang. Rừng núi Liên khu 5 chuyển mình đứng dậy, làn sóng tiến công và nổi dậy ngày càng lan rộng. Tại miền Tây Quảng Nam, quân và dân đã làm nên những chiến thắng tại Dốc Gợp (15.10.1960); tiến công hạ đồn GaLâu (Bến Hiên) và tiêu diệt nhiều binh lính địch vào ngày 17.10.1960. Ngày 23.10.1960, lực lượng ta tấn công đánh đồn Bót xít (Bến Giằng). Đến cuối năm 1960, các đồn địch đóng vùng trung, cao ở miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng đều bị ta tiêu diệt. Ở phía bắc chỉ còn 2 thôn Tống Cói và Ô Rây ta giữ thế hợp pháp để mua hàng nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.

Như vậy, sau thời gian đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố, đến cuối năm 1960, một bộ máy phục vụ kháng chiến cơ bản được hoàn chỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Thường vụ Liên Khu ủy 5.

Thành lập Quân khu 5

Từ thực tiễn chiến tranh ngày càng mở rộng và phát triển, nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng mọi mặt, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ và kịp thời. Tháng 5.1961 Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tổ chức chiến trường miền Nam thành khu 5 và khu 6. Khu 5 gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai.

Để tăng cường chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân tiến hành đấu tranh với địch, trước mắt tập trung cho nhiệm vụ mở ra ở đồng bằng, ngày 27.7.1961, tại Căn cứ Nước Là, Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân khu 5 được thành lập. Đồng chí Nguyễn Đôn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân Khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; đồng chí Võ Thứ làm Tham mưu trưởng; đồng chí Đặng Hòa làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) làm Chủ nhiệm Hậu cần. Đồng thời Khu ủy 5 công bố quyết định lâm thời chỉ định Quân Khu ủy 5, gồm các đồng chí: Nguyễn Đôn, Võ Thứ, Đặng Hòa, Nguyễn Tuấn Tài, Dương Loan (Liên). Đồng chí Nguyễn Đôn làm Bí thư Khu ủy 5 kiêm Bí thư Quân Khu ủy. Ngay sau khi được thành lập, trong hai ngày 28 và 29.7.1961, Quân Khu ủy 5 tiến hành hội nghị lần thứ nhất ra nghị quyết về những nhiệm vụ trước mắt của quân khu. Hội nghị đã quán triệt nghị quyết của Thường vụ Khu ủy: “Khẩn trương xây dựng lực lượng, củng cố và mở rộng căn cứ miền núi, phá thế kìm kẹp để tiến lên giành lại đồng bằng”.

Việc thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tại căn cứ Nước Là là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với chiến trường Khu 5, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy thắng lợi của phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), từ tháng 8 đến tháng 12.1961, Thường vụ Khu ủy chủ trương mở đợt hoạt động mạnh nhằm làm chủ rừng núi, giành lại nông thôn, đồng bằng, ra sức xây dựng bảo vệ hành lang, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng của ta.

Nổi dậy giành quyền làm chủ

Để rút kinh nghiệm chỉ đạo trên toàn địa bàn, Khu ủy chọn vùng trọng điểm, gồm 4 huyện đồng bằng: Tiên Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam), Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) và 2 huyện miền núi Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), mang mật danh 32A. Điểm đầu tiên là giải phóng thôn Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ngày 31.8.1961 ta chính thức phát động nhân dân Tứ Mỹ nổi dậy giành quyền làm chủ. Tiểu đoàn 90 của quân khu, lực lượng vũ trang huyện Tam Kỳ với sự dẫn đường của Đội công tác Tứ Mỹ đồng loạt tiến công địch. Trước sự tiến công của lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng, địch không dám phản ứng, chính quyền địch hoàn toàn bị tê liệt. Tứ Mỹ được hoàn toàn giải phóng.

Trong đợt hoạt động này, bộ đội khu phối hợp với bộ đội tỉnh tiêu diệt cứ điểm Làng Rô (huyện Nam Giang, Quảng Nam), diệt và bức rút nhiều đồn ở Bình Khê (tây Bình Định), Ba Tơ, Sơn Hà (tây Quảng Ngãi)... Đặc biệt, tại Trà My nơi đứng chân của Khu ủy 5, từ cuối năm 1961, theo chủ trương của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Quân sự Quảng Nam, một trung đội lực lượng vũ trang của tỉnh về đứng tại Nước Ca. Tại đây, lực lượng vũ trang tỉnh mở lớp bồi dưỡng quân sự cho lực lượng vũ trang địa phương. Tổng số quân về tập trung tại Nước Ca lên đến 100 người. Với tinh thần cách mạng đang lên, nhân dân làng Nước Ca góp 1.200 ang lúa, bình quân mỗi gia đình góp hơn 18 ang để nuôi quân. Sau thời gian tập luyện, lực lượng ta tiến công giải phóng Pui, Đốc. Toàn bộ bọn ngụy tề và hai trung đội dân vệ ở Pui, Đốc hốt hoảng chạy trốn về đồn Trà My. Lợi dụng tình hình đó, nhân dân hai xã nổi dậy, giành quyền làm chủ. Cuộc mít tinh chào mừng chiến thắng được tổ chức và chính quyền cách mạng ra mắt nhân dân.

--------------

Kỳ cuối: Bẻ gãy ba trận càn của địch

LÊ NĂNG ĐÔNG