Dịch, vài dòng sử vụn

HỨA XUYÊN HUỲNH 29/03/2020 15:00

Nảy lên trong trí nhớ của nhiều người những dòng sử vụn về dịch bệnh, khi đại dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu…

Tái hiện khung cảnh thôn nữ hái dâu ở Làng lụa Hội An.Ảnh: H.X.H
Tái hiện khung cảnh thôn nữ hái dâu ở Làng lụa Hội An.Ảnh: H.X.H

Người xưa ứng xử

Vừa thấy có người nhắc câu chuyện 200 năm trước, Đại thi hào Nguyễn Du mất trong một đợt dịch bệnh. Ấy là năm 1820 (Minh Mạng năm thứ nhất), dịch tả phát từ mùa thu sang mùa đông, từ phía nam lan dần ra phía bắc.

Những dòng ghi chép từ “Đại Nam thực lục chính biên” (Quốc sử quán Triều Nguyễn, phần 2, Viện Sử học - Trung tâm KHXH&NV quốc gia) gây chú ý: “Hữu tham tri Lễ bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An, rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát (…). Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”.

Ở một đoạn ngắn trước đó, vua Minh Mạng được dẫn lời dạy bảo bầy tôi: “Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, nau náu nơm nớp, chỉ sợ chưa hợp ý trời, nay đại hạn và ôn dịch làm tai vạ, có lẽ là trời răn ta bất đức chăng?”. Lúc đó, từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo bệnh dịch. Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa bệnh dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ; lại sai bố thí cho các chùa, làm đàn trai cầu đảo…

Sau này, khi Viện Sử học xuất bản “Việt Nam – những sự kiện lịch sử” (3 tập), trong tập đầu chép những sự kiện chính yếu từ khởi thủy đến năm 1858, có liệt kê sự kiện của tháng 8 âm lịch năm 1820 nhưng rất ngắn gọn: “Sứ nước Xiêm sang. Nguyễn Du mất”. Sau đó, thêm đoạn ngắn giới thiệu tên tuổi, quê quán, tác phẩm của cụ Tố Như. Không nghe nhắc chuyện dịch bệnh. Điều này khác xa “Đại Nam thực lục chính biên”. Bởi những dòng thực lục ghi rõ, lúc đó, vua Minh Mạng lo lắng rằng lâu nay theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, “chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay”.

Nhưng lối xử sự của người xưa cũng có chỗ giống bây giờ, khi dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng: cẩn trọng ứng phó nhưng cũng biết kích hoạt tinh thần chung. Thiêm sự Lễ bộ là Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ cho rằng quân dân đương có bệnh dịch xin nghỉ công tác 1 - 2 tháng để dưỡng sức, “nhưng quân ở Kinh và ở ngoài cần thao diễn để cho khí hăng hái lên”. “Dương thịnh thì âm suy, người mạnh thì tật yếu, cũng là một thuật để ngăn tai vạ”, Nguyễn Đăng Tuân tâu và được vua Minh Mạng khen phải.

 Chuyện bà chúa Tàm tang

Nhưng có trận dịch nhỏ cũng “ảnh hưởng” đến một nhân vật đặc biệt của xứ Quảng: Bà chúa Tàm tang (chúa nghề trồng dâu nuôi tằm) Đoàn quý phi.

Hai tác giả Lê Duy Anh – Lê Hoàng Vinh từng sưu tập giai thoại trong dân gian và chép ở cuốn “Nữ lưu đất Việt” (NXB Đà Nẵng – 2006). Chuyện xảy ra sau khi cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc 15 tuổi hái dâu bên bờ sông Thu, hát “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa…” rồi gặp công tử Nguyễn Phước Lan (lúc đó đang theo chúa cha Nguyễn Phước Nguyên tuần du dinh Quảng Nam).

Giai thoại cho hay, sau lần sơ ngộ rồi ước hẹn, cô thôn nữ mặt hoa da phấn bất ngờ… mắc bệnh đậu mùa, một trong “tứ chứng nan y” lúc đó, nặng thì mất mạng, nhẹ thì di chứng trên khuôn mặt. Hai năm sau, ở tuổi 17, thôn nữ họ Đoàn được chúa Hy tông Nguyễn Phước Nguyên (chúa Sãi) cho vào phủ bái kiến. Khi nhìn thấy dung nhan, chúa buột miệng đọc câu đối và cũng để thử tài cô gái xứ Quảng: “Rỗ chằng, rỗ chịt, rỗ chín mười phân”. Cô thôn nữ bẩm lại, cũng bằng một câu đối chuẩn và hào sảng: “An nước, an dân, an năm bảy cõi”.

Sau này, nhiều công trình nghiên cứu lịch sử về xứ Đàng Trong cũng chỉ nhắc chuyện thôn nữ Đoàn Thị Ngọc vào tuổi cập kê, một đêm sáng trăng vừa hái dâu trên bãi vừa hát. Chợt công tử Nguyễn Phước Lan (bấy giờ ở Quảng Nam với cha, chúa Sãi, làm trấn thủ Quảng Nam) đậu thuyền ở ghềnh Điện Châu, nghe tiếng hát sai người hỏi thăm, rồi nạp vào cung, sinh một trai là Nguyễn Phước Tần. Mẩu này trích từ cuốn “Đại Nam liệt truyện tiền biên”, nhưng dừng ở đó, không nghe nhắc chuyện dịch bệnh.

Còn 2 tác giả Lê Duy Anh – Lê Hoàng Vinh sau khi dẫn giai thoại “mặt rỗ chằng rỗ chịt”, lại bất ngờ ghi chú thêm. Một, có tác giả cho rằng vế đối “Rỗ chằng, rỗ chịt, rỗ chín mười phân” là lời quở của tình quân Nguyễn Phước Lan chứ không phải câu thử tài từ chúa cha Nguyễn Phước Nguyên. Hai, có tác giả nghi ngờ chuyện này lẫn lộn với chuyện Chung Vô Diệm của Trung Hoa, cần loại bỏ.

*
*               *

Đôi khi những mẩu sử vụn trong quá khứ được nhắc nhớ lại bởi một duyên do nào đó, thí dụ chuyện dịch bệnh. Mà dịch bệnh thì không “phân biệt” ai, dù là đại thi hào hay bà tổ của một nghề truyền thống. Mẩu chuyện vụn đấy, nhưng gói ghém dòng thời gian dằng dặc...

HỨA XUYÊN HUỲNH