Triển khai thực hiện nghị quyết xử lý nợ thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN).
Chỉ thị nêu rõ, Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN (gọi là nghị quyết xử lý nợ) đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26.11.2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020. Đây là văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp NSNN. Việc xóa nợ phải căn cứ vào đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục và đặc biệt liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế (đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp NSNN), nên công tác tổ chức, triển khai phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp.
Để triển khai hiệu quả, thống nhất trong cả nước, Bộ Tài chính yêu cầu, trong tháng 4 Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết xử lý nợ tại Tổng cục Thuế (BCĐ Tổng cục Thuế) do Tổng cục trưởng làm trưởng ban. BCĐ Tổng cục Thuế có tổ thường trực giúp việc do một lãnh đạo Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế làm tổ trưởng. BCĐ Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ và các biện pháp để triển khai thực hiện nghị quyết; hướng dẫn, kiểm tra các cục thuế thực hiện; phát hiện và chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Bộ Tài chính các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Hàng quý, BCĐ Tổng cục Thuế tổng hợp tình hình thực hiện của các cục thuế, chủ động hoặc đề xuất Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc phát sinh. Chỉ thị cũng giao Trưởng BCĐ Tổng cục Thuế quyết định cụ thể các biện pháp để triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính giao cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trong tháng 4 thành lập BCĐ triển khai thực hiện nghị quyết xử lý nợ ở địa phương do cục trưởng làm trưởng ban. BCĐ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết và chỉ thị này; triển khai thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn của BCĐ Tổng cục Thuế, bảo đảm đúng tiến độ, nội dung. Tùy tình hình thực tế, cục thuế sẽ dự kiến các thành viên tham gia tổ thường trực giúp việc BCĐ. Cuối tháng của mỗi quý, BCĐ sẽ phải tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện chỉ thị và báo cáo BCĐ Tổng cục Thuế. Đồng thời, trước ngày 1.7, BCĐ tại các cục thuế chỉ đạo thực hiện rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng, bảo đảm chính xác; lập văn bản xác nhận giữa cơ quan thuế với UBND xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Chỉ thị cũng yêu cầu cục thuế các địa phương trình UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, đảm bảo phối hợp thống nhất với cơ quan thuế trong việc lập hồ sơ, xác nhận và xử lý nợ. Liên quan đến văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết xử lý nợ, chỉ thị giao Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo thông tư về hồ sơ và trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 nghị quyết ban hành trước ngày 15.5. Cục trưởng cục thuế phải trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát hồ sơ, phân loại nợ từng đối tượng được xử lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu trên hồ sơ. Trên cơ sở này, tham mưu UBND tỉnh, thành phố có ý kiến tham gia với Bộ Tài chính về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục khoanh nợ, xóa nợ…
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ thị yêu cầu các cục thuế đẩy mạnh và thống nhất nội dung tuyên truyền, phổ biến nghị quyết trong và ngoài ngành. Theo đó, trong tháng 4, tổ chức quán triệt nội dung nghị quyết của Quốc hội và chỉ thị đến công chức trong đơn vị; từ nay đến ngày 1.7, phối hợp với sở thông tin truyền thông, các báo, đài địa phương tuyên truyền nghị quyết. Tổng cục Thuế tổ chức tập huấn, đào tạo nội dung của nghị quyết và các văn bản hướng dẫn; công khai các quy trình, thủ tục xử lý nợ.