Nhớ Kazit, chia sẻ chuyện tu bổ tháp

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 25/03/2020 10:05

Nhắc hay bàn đến tu bổ kiến trúc Chăm là nói đến kiến trúc sư Kazimier Kiwatskowski (1944-1997) mà chúng tôi thường gọi tên thân quen là Kazit. Những dấu ấn thủa ban đầu làm công tác tu bổ kiến trúc gạch của Kazit hầu như còn nhiều trên các tường tháp Chăm cổ ở Quảng Nam - các kiến trúc ở khu tháp cổ Mỹ Sơn; nhóm tháp Chiên Đàn. Vào xa phía nam là nhóm  tháp Bánh Ít (tháp Bạc), tháp Đôi (Hưng Thạnh) của tỉnh Bình Định. Ở tỉnh Phú Yên có tháp Nhạn. Tỉnh Ninh Thuận có nhóm Pô Klongirai. Và xa nhất có nhóm PôTầm tận tỉnh Bình Thuận.

Tường gốc bên trong nhà dài (mandapa). Ảnh: VĂN CƯỜNG
Tường gốc bên trong nhà dài (mandapa). Ảnh: VĂN CƯỜNG

Kỷ niệm và nhớ ngày mất của ông 19.3.1997, tôi xin chia sẻ các bạn yêu kiến trúc Chăm công việc khá chuyên môn về chuyện trùng tu. 

Công việc kéo dài nhiều năm từ 1981 đến tận 1994 mà hầu như kiến trúc sư Kazit phải chủ trì. Ông là người trực tiếp cùng với các cán bộ kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam trong ban hợp tác Việt Nam – Ba Lan với chương trình tu bổ các công trình tháp Chăm ở miền Trung. Đến nay có công trình là các tháp trải qua thời gian từ ngày tu bổ đã trên dưới 30 năm.

Trở lại Mỹ Sơn, nhóm B,C,D trong đó có thể bắt mắt du khách là hai ngôi nhà dài (Mandapa) D1 và D2 (dự án trưng bày bên trong được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ Hội Ái hữu người yêu văn hóa Chămpa, Cộng hòa Liên bang Đức).

Công việc gia cường, gia cố phần móng và tường cả lợp mái bằng vật liệu mới là một thách thức cho công việc bảo tồn kiến trúc. Đặc biệt với kiến trúc chủ yếu vật liệu bằng gạch. Xi măng liên kết gạch, kỹ thuật đá rửa (Granito) làm vách trưng bày, khung sắt ống thép thoát nước và mái tôn mica, gạch lót nền…, toàn những vật liệu hiện đại. Việc tìm chọn mua vật liệu và cả việc di chuyển vật tư đến công trường thật khó khăn.

Công việc bắt đầu năm 1993 đến thời điểm này là 27 năm. Xi măng thì nhiều chuyên gia không đồng ý vì chất liệu này có lẫn muối. Việc làm đá rửa màu trắng nhưng lõm vào 5cm để phân biệt với tường gốc. Các con tiện bằng đá ở khung cửa sổ lấy sáng được cân nhắc kỹ là không làm khối hình trụ theo mẫu gốc mà chỉ khối dẹt là một phương pháp nhằm giữ tính chân xác trong bảo tồn kiến trúc. Điều đó giúp không cho chúng ta không bị nhầm lẫn giữa cái mới với cái nguyên bản.

Điều cơ bản nhất là dẫu chỉ xây gạch gia cố nhưng vẫn theo các nét cơ bản của kiến trúc ban đầu - cột áp, gờ giật… không làm phục chế hoa văn.  Nhờ đó, hôm nay ta có thể hình dung được kiến trúc của ngôi nhà dài này dẫu đã bị hủy hoại nặng nề trong chiến tranh.

Nhóm tháp Chiên Đàn cũng đã tu bổ với nhiều kỹ thuật: mài (cả mặt tiếp xúc và bên ngoài), chặt gạch cũ xây bề mặt nhám. Các kỹ thuật khoan POK như làm hầm Mero được ứng dụng cho việc giữ các khối tường tháp nứt, có nguy cơ sụp đổ. Công việc làm tốt về phần khảo cổ 1989 và đã xây dựng nhà trưng bày tại chỗ làm công việc quảng bá di tích hấp dẫn hơn.

Đã có nhiều hội thảo về tu bổ di tích, nhiều ý kiến khác nhau cả trái chiều. Nhưng với Kazit, phương pháp bảo tồn, không để lẫn lộn giữa cái cũ và cái mới - đó là điều quan trọng hơn cả, chứ không phải là chất liệu như lâu nay chúng ta vẫn loay hoay cãi nhau.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ