Nơi chị tôi nằm lại
Những ngày cuối năm 2019, tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) đã diễn ra lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ nguyên quán Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Xô (quê thôn Tĩnh Thủy, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) là đại biểu duy nhất đại diện cho thân nhân liệt sĩ tham dự. Đây là lần thứ hai ông đi viếng hương mộ chị gái, kể từ khi tìm ra mộ chị cách đây mấy năm.
Câu chuyện của người quản trang
Khi nào có dịp ra Quảng Trị quê ngoại con gái, tôi vẫn thường ghé Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn để thắp hương và thi thoảng trò chuyện với người quản trang. Và bao giờ cũng vậy, tôi luôn được ông Hồ Tấn Ái, người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó nơi đây vui vẻ tiếp đón.
Tôi hay hỏi những câu chuyện tâm linh, và ông cũng không ngần ngại kể cho tôi biết. Cách đây mấy năm, có người đàn ông túi gói cùng vài phụ nữ đến nghĩa trang tìm mộ. Ông phát hiện điều lạ bởi đây là những người lần đầu tiên đến nghĩa trang, nhưng họ tìm được mộ rất nhanh. Trưa đó, các chị đi ăn cơm, còn riêng người đàn ông cứ lúi húi bên mộ… Rồi ông nghe giọng hát vang lên, đúng là chất giọng Quảng Nam trầm bổng, hát về chị rất cảm động.
Kết nối câu chuyện của người quản trang với lời kể ông Nguyễn Văn Xô lần đầu tìm ra mộ chị ở Nghĩa trang Trường Sơn tôi đoán chắc người đàn ông mà người quản trang kể không ai khác chính là ông Xô.
Trong căn nhà cấp bốn khá thoáng mát, ông Xô gọi vợ lên cùng trò chuyện khi biết tôi muốn tìm hiểu đôi điều về người chị đã hy sinh trong chiến tranh. Ký ức về thời trẻ thơ, ông Xô chỉ đủ nhớ chị hay cắp ông trốn xuống hầm tránh pháo, bày cho ông những bài học vỡ lòng và cả những câu ca về quê hương như những giai điệu bài chòi mà bây giờ ông là “cây” bài chòi có tiếng ở vùng biển này.
Ông Xô là con út một gia đình có 9 anh chị em. Mẹ ông được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có hai con hy sinh. Đó là chị gái Nguyễn Thị Chưởng và anh Nguyễn Quốc Thắng của ông. Ba mẹ ông Xô mất cách đây 5 năm khi cả hai người vẫn chưa biết thông tin gì về nơi yên nghỉ của người con gái hy sinh khi tuổi đời rất trẻ.
Năm đó chị Chưởng vào du kích địa phương, rồi tham gia thanh niên xung phong lúc chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Cuộc chiến tranh đi qua, đến ngày đất nước thống nhất, tin tức về chị vẫn bặt tăm. Những đồng đội của chị trở về, chỉ biết chị gia nhập đơn vị thanh niên xung phong gùi tải đạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, rồi nghe đâu có tin ra Bắc.
Mãi đến năm 1979, đơn vị chị Chưởng mới có giấy báo tử gửi về gia đình, nhưng mộ phần chị thì vẫn chưa biết nơi đâu. Đó là niềm đau xót khôn nguôi với những người thân của chị. Ra đi ở tuổi 95, trước khi mất mẹ ông Xô đã nói câu tâm nguyện: “Phải cố tìm chị gái nghe con”. Nói đến đây hai mắt ông Xô nhòa lệ, nghẹn ngào…
Việc tìm ra ngôi mộ của chị Chưởng theo ông Xô là rất tình cờ, ông chưa từng nghĩ đến. Lần đó, khi đoàn tham quan của địa phương tổ chức ra Nghĩa trang Trường Sơn viếng hương, thì ông Phạm Thế Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh bất ngờ phát hiện một mộ liệt sĩ có khắc tên tuổi và là người quê xã Tam Thanh. Thế là lần theo thông tin này ông Xô đã tìm ra mộ chị gái.
Ông Xô tâm sự: “Mấy chị em tui có khói hương xin keo, để đưa chị về nghĩa trang quê nhà nhưng xin mãi không được, đành chụp tấm hình là ngôi mộ đem về”. Hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, không để lại một tấm ảnh nào, nên tấm ảnh thờ chị gái là tấm hình ngôi mộ ông chụp lại ở nghĩa trang Trường Sơn…
Bên mộ chị có nghĩa tình đồng đội
Và lần này trở lại, ông Nguyễn Văn Xô là khách được tỉnh mời trong đoàn đại biểu tham dự lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ nguyên quán Quảng Nam - Đà Nẵng đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.
Sau đợt ra dự lễ ông Xô lại thay đổi ý nghĩ. Ông không giữ ý định đưa chị về nghĩa trang để nằm cùng với người anh, gần gũi quê nhà nữa. Đâu cũng là đất nước mình, ngày chị đi đánh giặc là để thống nhất non sông, chứ có tính toán địa phương này địa phương khác. Chị nằm đó lâu rồi có đồng đội thân quen.
“Mỗi năm đến ngày 27.7 coi như ngày giỗ mình ra thăm chị cũng dịp đi tham quan đây đó cho biết. Ở đây có rất đông đồng đội của chị, rồi những thân nhân ở khắp miền đất nước vẫn hành hương về đây hương khói. Họ không chỉ hương khói cho người thân mà còn cho các đồng chí ở đó” - lời của ông.
Thông tin thêm về công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ nguyên quán Quảng Nam - Đà Nẵng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ -TBXH cho hay, nhà bia được khởi công xây dựng vào ngày 17.7.2019 tại Khu I, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trên diện tích 40m2, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng.
Việc xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự tôn vinh, tri ân sâu sắc, lòng tôn kính, niềm tưởng nhớ và tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đối với những người con anh hùng của quê hương đất Quảng đã không tiếc máu xương, anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong số hơn 10.300 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong chiến đấu hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời kỳ chống Mỹ cứu nước nằm lại ở Nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Nam có 36 liệt sĩ và thành phố Đà Nẵng có 5 liệt sĩ.
Chia sẻ những tình cảm với ông Xô, tôi đã đọc cho ông nghe một đoạn thơ mà tôi viết cách đây mấy năm về thanh niên xung phong, về những người con yêu dấu đã nằm lại Trường Sơn. Và hết sức bất ngờ ông Xô thuộc rất nhanh rồi chuyển thể thành lời hát: “Các chị không về, cuộc chiến đi qua/ xin trồng cho nơi này vài cây bồ kết/để hương rừng là hương tóc xanh…”.
Trước khi chia tay, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của ông Xô: “Thiêng liêng biết bao nơi chị tôi nằm lại”. “Các chị giờ đang ở đâu/ôi một thời hoa đỏ/có con đường mãi mãi tuổi 20…”. Tôi đã hẹn với ông Xô, sẽ chép trọn bài thơ gửi ông để ông chuyển thành lời hát, 27.7 năm nay ông sẽ ra hát tặng chị gái mình như lần đầu ông đến.