Nỗ lực giúp doanh nghiệp trụ lại
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu thuế, giúp người lao động ổn định cuộc sống… là những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chờ thực thi chính sách hỗ trợ
Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được công bố là động thái mới nhất của ngành ngân hàng trong việc “chia khó khăn” cùng doanh nghiệp (DN). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hệ thống ngân hàng chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, bao gồm: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh leo thang.
Ông Văn Công Mẫn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang (Duy Xuyên) nói giới DN xác định đây là chính sách “giải cứu” DN tốt nhất trong tình cảnh hiện tại. Một khi ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ giúp DN không bị chuyển nhóm nợ, không phải chịu lãi suất quá hạn cũng như không bị trừ điểm tín dụng, DN sẽ ít gặp khó khăn khi tiếp cận các khoản vay mới.
Một gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nữa sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…, và DN bị ảnh hưởng cũng được thông báo sẽ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Vấn đề quan tâm là bao giờ các chính sách này sẽ được thực thi và ai sẽ là người hưởng lợi?
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam nói, ngân hàng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Hiện các tổ chức tín dụng đang chờ quy định nội bộ từ hội sở chính để thực hiện.
Ông Hổ cũng cho hay, để được hỗ trợ, DN phải chứng minh được thiệt hại. Việc cơ cấu lại nợ chủ yếu cho các DN bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngân hàng sẽ rà soát, dựa vào hồ sơ vay cụ thể của DN để tính toán, xem xét hỗ trợ.
Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết chính sách chung hỗ trợ về thuế chưa có. Thông tư 156 đã có một khung chung là miễn giảm cho DN bị thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ; cho gia hạn thời gian nộp thuế, không tính tiền nộp chậm. Tuy nhiên, hồ sơ thủ tục theo quyết định này lại trừu tượng nên khó định lượng. Nếu thiên tai, địch họa bất ngờ có thiệt hại vật chất cụ thể thì giải quyết rất dễ, nhưng tài sản DN không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ hàng hóa bị ứ đọng, không bán được thì khó có thể tính được thiệt hại. DN có làm hồ sơ thì cũng sẽ lẩn quẩn không biết làm thế nào nên phải chờ chính sách theo hướng sẽ giãn thời gian nộp thuế.
Ông Hưng cho rằng hiện tại chỉ có thể nhận diện được sự ảnh hưởng dịch bệnh đối với các hộ kinh doanh. Ngành thuế đang điều tra xác định mức ảnh hưởng để có thể điều chỉnh mức thuế khoán bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Nhưng cũng sẽ tính riêng cho từng ngành. Chắc chắn sẽ khảo sát kỹ mới có thể triển khai được. Còn miễn giảm bao nhiêu chưa thể thống kê cụ thể.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Con số 250 DN buộc giải thể hoặc gửi thông báo tạm ngừng hoạt động được công bố hồi đầu tháng 3 sẽ tiếp tục gia tăng, là một trong những chỉ dấu DN suy thoái. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho hay một trong những khó khăn hiện nay của DN là bí cả thị trường đầu vào và đầu ra. Nhiều DN thông tin số lượng nguyên vật liệu dự trữ chỉ đủ vận hành sản xuất trong vòng một tháng tới. Hy vọng xúc tiến thương mại quốc gia tìm kiếm thị trường mới đã bị “đổ bể” khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Nhiều DN nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp, ít dự phòng, thiếu chuẩn bị... đứng trước thử thách dịch bệnh sẽ càng gần hơn với nguy cơ phá sản nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Bức tranh DN nhiều màu tối chứng minh cho sự khốn khó của nền kinh tế. Không sản xuất, thiếu lợi nhuận lấy gì nộp thuế? Cứu DN đồng nghĩa cứu cả hàng chục ngàn lao động, nuôi dưỡng nguồn thu… Lẽ đương nhiên, chính quyền không thể khoanh tay đứng nhìn DN khó khăn.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết hiện đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN, không thể trông chờ vào các chính sách của trung ương. “Không hỗ trợ, không giúp DN tìm nguồn nguyên liệu thì nhà máy đóng cửa, nhân công mất việc, nền kinh tế sẽ bị tê liệt lấy gì thúc đẩy tăng trưởng” - ông Tân nói.
Không đợi chỉ đạo từ chính quyền, mỗi cơ quan quản lý đã lên kế hoạch “giải cứu”. Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết đã gửi văn bản, chờ ý kiến các địa phương, hiệp hội, DN về các kiến nghị đề xuất để tổng hợp báo cáo tham mưu UBND tỉnh, mở những hội nghị đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong lúc chờ thông tin phản hồi (chậm nhất 30.3.2020) thì các ngành thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động triển khai hướng dẫn hỗ trợ DN thực hiện các chính sách mới.
Ông Nguyễn Quang Thử cho biết đang lấy ý kiến đề xuất của DN, tìm ra các giải pháp cung ứng hàng hóa, cấp điện, tìm kiếm thị trường bán lẻ, thương mại nội địa. Quyết tâm không để xảy ra thiếu nguyên liệu sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp… Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói sẵn sàng đồng hành với DN tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN. Nếu vượt khả năng, địa phương sẽ đề xuất trung ương giải quyết.
Trong một góc nhìn khác, không chỉ trông chờ vào các giải pháp hỗ trợ, DN phải tự cứu mình. Một điều dễ thấy, không một chính quyền nào đủ lực, đủ người để giải cứu tràn lan. Một giai đoạn suy giảm cũng là cơ hội để DN xác định chiến lược phát triển dài hơi. Đây cũng là điều kiện cần để nền kinh tế đào thải những DN hoạt động thiếu hiệu quả, quá phụ thuộc vào vốn vay hay đặc quyền, đặc lợi. Chắc chắn phải chấp nhận phá sản hàng loạt DN theo quy luật đào thải khắc nghiệt của thị trường!