Miệt mài cùng nông dân
Nhiều cánh đồng, thửa ruộng trên vùng đất Quảng đã in dấu chân của chị. Là cán bộ khuyến nông, niềm vui của chị Nguyễn Thị Bích Lợi không gì hơn là có những sáng kiến, đề tài khoa học giúp nông dân sản xuất hiệu quả trên chính thửa ruộng của họ.
Công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chị Nguyễn Thị Bích Lợi được xem là “cây sáng kiến” của đơn vị. Liên tục trong những năm qua, chị Lợi cùng đồng nghiệp có nhiều ý tưởng sáng tạo và được thực thi hiệu quả trong lĩnh vực khuyến nông. Nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã góp phần xây dựng các mô hình, chương trình đạt hiệu quả thiết thực và được áp dụng rộng rãi vào thực tế.
Có thể kể đến những đề tài được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh như “Xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cây dưa hấu tại Quảng Nam”, “Xác định liều lượng phân bón hợp lý cho các chân đất lúa chính của Quảng Nam”, “Giải pháp cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tỉnh Quảng Nam”...
Từ năm 2011 - 2014, chị Lợi dồn tâm sức cho việc “Xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cây dưa hấu tại Quảng Nam”. Trong nghiên cứu, thấy nông dân sản xuất dưa hấu có chỉ tiêu hàm lượng Nitrat vượt quá ngưỡng cho phép (> 60mg/kg) nên chị chọn mẫu ruộng dưa để xây dựng mô hình thí nghiệm của đề tài.
Thực tế sản xuất cả 3 vụ (trong vòng 2 năm) đều đạt yêu cầu an toàn, các chỉ tiêu đều dưới mức cho phép hoặc không phát hiện. Kết quả đề tài đã hoàn thiện được quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên cây dưa hấu tại tỉnh. Các mô hình thí nghiệm đạt hiệu quả cao, lãi ròng đạt 120 - 130 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 1,2 - 1,3 lần so với sản xuất đại trà của người dân.
Thấy được hiệu quả, nông dân đã áp dụng và thành công, từng bước tạo ra uy tín cho mặt hàng dưa hấu, củng cố và phát triển thương hiệu dưa Kỳ Lý (đã được đăng ký), tăng tính cạnh tranh của nông sản, tạo thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Tiếp tục từ năm 2014 - 2017, chị Lợi lại nghiên cứu “Xác định liều lượng phân bón hợp lý cho các chân đất lúa chính của Quảng Nam”. Qua nghiên cứu này, chị đã hoàn thiện được 4 quy trình bón phân, mỗi quy trình phù hợp với từng chân đất lúa tại các vùng sinh thái khác nhau gồm đồng bằng phía bắc, đồng bằng phía nam, đồng bằng ven biển và vùng trung du. Quy trình này không những làm giảm lượng phân bón cho lúa mà còn làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Do đó, kết quả nghiên cứu dễ dàng được nông dân sản xuất lúa áp dụng.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hướng dẫn, khuyến cáo người dân áp dụng các quy trình cụ thể cho từng chân đất. Và kết quả là các mô hình sản xuất lúa giảm được chi phí đầu vào và mang lại hiệu quả cao. Các quy trình phân bón hợp lý cho các chân đất lúa chính tại tỉnh đã được Hội đồng Khoa học ngành NN&PTNT ban hành để nông dân toàn tỉnh áp dụng. Thông qua hệ thống khuyến nông, nông dân được chuyển giao quy trình bằng các hình thức tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp, hướng dẫn qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi...
Những sáng kiến do chị Lợi chủ công cùng đồng nghiệp thực hiện, hoặc bản thân tự nghiên cứu tìm tòi thực hiện đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Như chính chị tâm sự, những giải pháp, sáng kiến đều xuất phát từ thực tế sản xuất, từ những khó khăn của nông dân mà chị tự nhủ bản thân phải nghiên cứu tìm một giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất.
Nhiều đề tài chị phải mất mấy năm trời để cùng ăn, cùng ở với nông dân, nghiên cứu từng chân đất, từng loại giống cây trồng... để thực hiện. Những kinh nghiệm sản xuất, ý kiến của nông dân cũng được lắng nghe rồi chắt lọc, đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn và xem đó là động lực để ngày ngày vẫn miệt mài gắn bó với họ...