Chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 24/03/2020 15:44

Kinh tế sụt giảm. Dự báo sẽ còn khó khăn hơn bởi chưa biết khi nào khống chế được dịch bệnh Covid-19, nhưng chính quyền tỉnh vẫn chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020.

Tuyến 129 nối từ Hội An đến Chu Lai tiếp tục được đầu tư sẽ là một trong những dự án động lực quan trọng để đổ vốn vào nền kinh tế, kích thích tăng trưởng.Ảnh: T.D
Tuyến 129 nối từ Hội An đến Chu Lai tiếp tục được đầu tư sẽ là một trong những dự án động lực quan trọng để đổ vốn vào nền kinh tế, kích thích tăng trưởng.Ảnh: T.D

Dự kiến kịch bản tăng trưởng

Kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2020 của Quảng Nam ở mức 6,8%, kéo theo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt mức 9,9% nếu dịch bệnh được khống chế trong quý I.2020 đã không thể thực hiện. Tất cả trông chờ vào dự kiến dịch bệnh sẽ được khống chế trong quý II.2020. Nếu “thuận buồm xuôi gió”, tăng trưởng GRDP Quảng Nam sẽ đạt khoảng 6%, giảm 1% đến 1,3% so kế hoạch.

Theo kịch bản, so với kế hoạch, khu vực nông, lâm, thủy sản sẽ tăng 2,2%, nhưng giảm 0,4%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,3% (giảm 1%); khu vực dịch vụ tăng 9,5% (giảm 2%). Mức tăng trưởng chỉ 6% thay vì 7 - 7,3% đã đặt ra, dự kiến tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016 - 2020 của Quảng Nam chỉ đạt 9,73%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với 10 – 10,5% đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt lý thuyết, còn thực tế vẫn đang bất ổn. Không chỉ dự báo ô tô tiếp tục sụt giảm do cạnh tranh, tác động của dịch bệnh còn bao trùm, lan tràn trên tất cả lĩnh vực, từ xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, công thương nghiệp, đầu tư, thu chi ngân sách đến nông, lâm, thủy sản… Trong khi các nguồn lực mới là nhiều dự án thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gần như chưa thể đưa vào hoạt động. Kịch bản đã được đưa ra, nhưng rất khó định lượng mức tăng trưởng khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải… bị tác động trực tiếp. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực tạm thời bị gián đoạn. Ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô; trong đó ô tô Trường Hải phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện đầu vào đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, kịch bản tăng trưởng được đưa ra chỉ bám sát theo kịch bản của Chính phủ là sẽ giảm 1%. Nhưng Quảng Nam là địa bàn có các đặc thù. Các ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào tăng trưởng (công nghiệp, du lịch…) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Các ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng lĩnh vực cụ thể, đề ra giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Sẽ tính toán lại

Suy giảm kinh tế là điều đã được nhận diện. Điều chỉnh lại chỉ tiêu hay giữ nguyên kế hoạch tăng trưởng là điều đang được luận bàn. Ngành du lịch gần như kiệt quệ. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản…

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL nói hầu như các khách sạn đều cho nhân viên nghỉ dần. Các dự án sẽ lùi, dừng, chưa thể đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch kích cầu trọn gói, giảm giá 10 - 20% nhằm thu hút khách quay lại sau dịch bệnh để bù đắp. Nhưng có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hay không còn phải tính toán lại.

Dù thừa nhận rất khó để thu ngân sách đạt tiến độ, nhưng chính quyền không trình HĐND tỉnh điều chỉnh. Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính nói tạm thời không đề ra chính sách tăng chi khi chưa cân đối được nguồn và cũng không đề ra chính sách giảm thu ngân sách. Nên giữ nguyên dự toán. Nếu từ nay đến cuối tháng 6.2020, nếu tình hình diễn biến xấu quá, thu không đạt thì sẽ xem xét điều chỉnh, thậm chí còn cắt giảm chi tiêu theo số dự kiến hụt thu để đảm bảo cân đối chi.

Kịch bản tăng trưởng như thế nào còn tùy thuộc vào việc dịch sẽ được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động và sự điều hành của chính quyền đối với nền kinh tế ra sao.

Ông Đặng Phong cho biết có giải pháp, nhưng chưa hữu hiệu để vực dậy sự khả quan của nền kinh tế. Cần xúc tiến đầu tư, bù đắp vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng và chi cho đầu tư để vực dậy tăng trưởng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng muốn tăng GRDP phải giao vốn ngay. Chỉ cần tung tiền ra để kích thích đầu tư, chỉ cần giải ngân hết những công trình, dự án hiện có thì đã có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, chưa điều chỉnh chỉ tiêu nhưng dự lường tình huống khó khăn nhất để tập trung các giải pháp phát triển. Cần giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan để có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiến độ giải ngân năm 2019 đã chậm, năm 2020 phải khắc phục điểm yếu này. UBND tỉnh sẽ có một hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Không chỉ hóa giải điểm nghẽn về hạ tầng, các dự án có tính kết nối, lan tỏa sẽ trở thành động lực cho nền kinh tế, tạo tiền đề tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau. Chỉ riêng các khoản đầu tư không nhỏ của các dự án trọng điểm này khi được giải ngân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa bối cảnh Covid-19 đang “đe dọa” việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,3% năm nay!

TRỊNH DŨNG