Du lịch thời Covid-19
Gần 20 năm, kể từ dịch SARS xuất hiện tại Việt Nam (2003), ngành du lịch Quảng Nam mới lặp lại cú sốc nặng nề như vậy, bởi đại dịch toàn cầu Covid-19. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, hàng nghìn lao động mất việc làm. Thách thức nhiều nhưng cơ hội cũng hé lộ, “biến nguy thành cơ” đang là hướng đi tích cực được các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam lựa chọn như một cách tự trấn an trong tình hình hiện nay.
“CÚ SỐC” VỚI DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG
Dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến mọi hoạt động du lịch đều bị chao đảo. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, bên bờ phá sản hoặc bất đắc dĩ phải bước vào một quãng nghỉ không mong muốn mà chưa biết lúc nào kết thúc.
Lao đao
Những ngày này, làng quê Cẩm Thanh vắng ngắt đến buồn tẻ. Mọi hoạt động tại các điểm du lịch trên địa bàn xã đã tạm dừng từ ngày 12.3 theo chủ trương chung của TP.Hội An để ứng phó với dịch Covid-19. Cùng kỳ này các năm trước, khắp các ngõ ngách của Cẩm Thanh rộn rã thanh âm du lịch với các hoạt động dạy nấu ăn, chèo thúng ở rừng dừa, khám phá làng quê bằng xe đạp… với lượng khách trung bình mỗi ngày hơn 3.000 lượt, những ngày cao điểm có lúc xấp xỉ 5.000 lượt.
Chị Trần Thị Bích Hoa - quản lý khu du lịch sinh thái Coconut and You bộc bạch: “Vừa rồi vẫn có khách dạm hỏi về các dịch vụ, dù rất đắn đo nhưng chúng tôi đành từ chối bởi khó lòng quản lý hết được những vấn đề phát sinh. Đơn vị chúng tôi cũng mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm bây giờ gặp phải cú sốc này giờ chỉ biết loay hoay tìm đường cầm cự chờ đến lúc hoạt động lại”.
Hồi giữa tháng 2, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam từng dự báo nếu tình hình không cải thiện thì đến khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay hoạt động của các doanh nghiệp du lịch sẽ “đứng hình” hoàn toàn.
Thực tế, điều này xảy ra còn sớm hơn khi mới bước vào đầu tháng 3, mọi hoạt động du lịch địa phương bị tê liệt vì dịch bệnh lan ra quy mô toàn cầu khiến thị trường khách truyền thống châu Âu bị đóng băng. Đến nay, dù chưa có con số thống kê chính thức về thiệt hại do Covid-19 gây ra, nhưng với việc ngành du lịch - dịch vụ chiếm hơn 70% giá trị sản xuất kinh tế của Hội An bị ngưng trệ, có thể thấy tác động của dịch bệnh đến đời sống, kinh tế, xã hội của thành phố này nặng nề đến mức nào.
Theo ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, hiện các nhà hàng, quán xá đã nộp đơn xin tạm dừng hoạt động rất nhiều cộng với việc thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm không đạt kế hoạch đề ra cho thấy tình hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch, đang vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin: “Không ít khách sạn, nhà hàng lớn trên địa bàn thành phố mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 và gần như chưa có doanh thu gì đáng kể nên nếu không có một số giải pháp cứu vãn trước mắt thì nhóm này sẽ rất điêu đứng”.
Cũng vì dịch bệnh bất ngờ bùng phát mạnh mà từ đầu tháng 3, nhiều kế hoạch kích cầu du lịch trong đó có gói kích cầu của Hiệp hội Du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam dự kiến tung ra vào giữa tháng 3 đã phải tạm dừng. Nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra trong tháng 4 của Hội An được lên kế hoạch tổ chức nhằm phục hồi ngành du lịch cũng đang trì hoãn bởi dịch bệnh vẫn phức tạp.
Nỗi lo việc làm
Hàng trăm doanh nghiệp lao đao, đóng cửa, đồng nghĩa hàng nghìn lao động bị mất việc làm. Giám đốc một công ty du lịch tại Hội An thừa nhận, ông vừa cho toàn bộ 30 nhân viên nghỉ không lương vì tất cả hoạt động du lịch của đơn vị đã bị đình trệ. “Dù đây là điều khó khăn nhưng sức chịu đựng của doanh nghiệp đã tới hạn, do từ sau Tết đến nay chúng tôi liên tục thua lỗ” - vị giám đốc nói.
Đến nay, rất nhiều công ty du lịch, dịch vụ tại Hội An đã ngừng hoạt động hoặc lên kế hoạch đóng cửa vì Covid-19. Nặng nề nhất phải kể đến các doanh nghiệp lưu trú. Với khoảng 530 khách sạn, homestay, biệt thự du lịch, những cơ sở lưu trú này thu hút hơn 15 nghìn lao động làm việc trực tiếp, cùng hàng nghìn lao động gián tiếp khác. Các cơ sở lưu trú đóng cửa đã kéo theo rất nhiều lao động mất việc làm.
Theo ông Trần Thái Do - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort, hiện khách sạn đã ngừng đón khách, vì vậy hơn một nửa trong tổng số 130 lao động cũng sẽ nghỉ việc.
“Bên cạnh một số anh em tự nghỉ ở nhà do liên quan đến những người nghi nhiễm Covid từ người thân đang làm việc ở những khách sạn khác thì tất cả nhân viên nghỉ việc đều được hưởng lương cơ bản theo Luật Lao động. Bây giờ chúng tôi chỉ giữ lại số lao động sửa chữa, bảo trì, bảo vệ, làm vườn, tuy nhiên nếu dịch diễn biến lâu dài phải tính đến phương án khác, bởi doanh nghiệp lỗ rất nhiều” - ông Do nói.
Hàng nghìn lao động làm việc trong các nhà hàng, spa, shop lưu niệm, may mặc… cũng đã và sắp nghỉ việc vì Covid. Một số đơn vị nhà nước quản lý điểm đến du lịch cũng đang thấp thỏm lo âu, nhất là khi Chỉ thị 09 của UBND tỉnh yêu cầu ngừng các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí trên địa bàn.
Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) việc đóng cửa khu di tích đã khiến gần 70 cán bộ, nhân viên thuộc các bộ phận bán vé, dịch vụ, đội văn nghệ, vận chuyển, thuyết minh tạm nghỉ việc. Dù trước mắt vẫn giải quyết lương bình thường nhưng về lâu dài sẽ là bài toán khó với Ban Quản lý Di sản Mỹ Sơn.
Tương tự, Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cũng đã cho khoảng 150/210 nhân viên thuộc các bộ phận bán vé, kiểm soát viên, diễn viên tạm thời nghỉ việc. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cho biết, dù các nhân viên này vẫn đang được hưởng lương bình thường, nhưng trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đơn vị sẽ phải xem xét đến phương án cho nghỉ không lương với một số lao động.
BIẾN NGUY THÀNH CƠ
Dù sức “công phá” của đại dịch đối với ngành du lịch Quảng Nam khá nặng nề, nhiều ý kiến vẫn lạc quan rằng nếu biết tận dụng khoảng lặng này để rà soát lại toàn diện bức tranh kinh tế du lịch sẽ giúp thúc đẩy ngành này tăng tốc hơn sau khi hết dịch.
Làm mới sản phẩm, đào tạo nhân lực
Từ đầu tháng 3.2020, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng đã bắt đầu triển khai tu bổ, sửa chữa cơ sở hạ tầng tại khu du lịch Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang). Bên cạnh nâng cấp khu lưu trú, công ty cũng làm mới các loại hình dịch vụ cộng đồng như homestay, ẩm thực, học nấu ăn, canh tác vườn rau sạch, trải nghiệm khám phá núi rừng… Ngoài ra, công ty cũng đầu tư xây dựng khu đón tiếp, bảo tàng dân tộc Cơ Tu… hướng đến mục tiêu làm mới sản phẩm dịch vụ để khách có nhiều lựa chọn hơn khi tham quan lưu trú sau dịch.
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, đơn vị đã xác định biến khoảng thời gian này trở thành cơ hội để tập trung vào các phần việc mà trước đây khó thể làm được. “Khu du lịch Bhờ Hôồng đã hoạt động 7 năm rồi, bây giờ đã xuống cấp nên mình phải gia cố, làm mới lại sản phẩm để khi dịch qua sẽ tiến hành marketing tiếp thị điểm đến bài bản hơn. Đây là những công việc mà chúng tôi chưa làm được trước đây khi hoạt động du lịch còn nhộn nhịp” - ông Dũng nói.
Một số ý kiến cho rằng, dù dịch bệnh gây thiệt hại cho hoạt động du lịch nhưng đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp làm mới lại sản phẩm cũng như cải tạo cơ sở vật chất, sân vườn, đào tạo, huấn luyện nhân viên, giải quyết chế độ nghỉ phép cho lao động…
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương nhìn nhận, dù khó khăn nhưng mỗi doanh nghiệp chắc chắn sẽ có một phương án dự phòng về nhân sự, tài chính chứ không thể nói dịch bệnh thì buông xuôi, nên phải chuẩn bị tinh thần đón khách khi dịch bệnh đi qua.
“Đây là thời điểm thuận lợi để ngành du lịch Quảng Nam thực hiện chiến lược tái cơ cấu điểm đến, tạo ra các sản phẩm địa phương đặc sắc và cao cấp để thu hút thị trường khách chi tiêu cao, tạo giá trị gia tăng tốt hơn” - ông Thủy phân tích.
Theo ông Thủy, với du lịch Hội An, thời điểm này thành phố nên tập trung giải quyết những tồn tại về hạ tầng như phân luồng giao thông, quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe, giảm sức ép du lịch trong phố cổ… để khi du lịch phục hồi hoạt động sẽ không còn lúng túng như trước đây. Bởi chống dịch vẫn tiến hành nhưng cũng phải chuẩn bị phương án phục hồi, phát triển như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện mục tiêu kép
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, công việc trọng tâm của ngành du lịch vẫn là tập trung toàn lực chống dịch như tinh thần Chỉ thị 09 của UBND tỉnh, những việc còn lại sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, dù dồn sức cho công tác phòng chống dịch nhưng việc chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách quay lại khi khủng hoảng đi qua vẫn phải tiến hành, đây là mục tiêu kép. Do đó, thời gian này các bên liên quan, doanh nghiệp nên cùng ngồi lại xem xét dòng sản phẩm, thị trường khách, kể cả việc sáp nhập, sửa chữa các cơ sở vật chất vừa hoặc nhỏ tại mỗi đơn vị. Đặc biệt, nên nhanh chóng tiến hành quy hoạch, xây dựng, đầu tư lại hệ thống hạ tầng công cộng để phục vụ khách sau này vì đây là thời điểm thuận tiện nhất, không ảnh hưởng đến khách như trước đây.
Thực tế, câu chuyện về hạ tầng giao thông, quá tải phố cổ, hạn chế khách ra Cù Lao Chàm… đã trở thành bài toán chưa có lời giải của ngành du lịch và chính quyền Hội An suốt nhiều năm qua. Mặc dù các giải pháp được đề ra từ rất lâu nhưng hầu như chỉ mang tính sự vụ “nóng đâu phủi đó” do ảnh hưởng từ các hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An chia sẻ, hiện nay việc xúc tiến các giải pháp rất khó vì phụ thuộc vào tình hình dịch, dù vậy thành phố cũng sẽ tranh thủ thời điểm ít khách này để lên phương án, kế hoạch triển khai dứt điểm các công việc, dự án đã đề ra, nhất là tại các điểm đến.
Cụ thể, sẽ sớm hoàn thiện hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới tại Cẩm Kim (đề án Cánh đồng sinh thái và khu làng hạnh phúc); hoàn thiện cơ chế quản lý bán vé làng rau Trà Quế; điều chỉnh, xây dựng lại phương án phối hợp Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp tại làng gốm Thanh Hà; hoàn thiện phương án số hóa vé điện tử tham quan phố cổ; đẩy nhanh hạ tầng Trung tâm đón tiếp du khách (bãi đỗ xe); tổng ra quân làm sạch đẹp cảnh quan, môi trường khu phố cổ (sắp xếp hàng rong, trưng bày hàng hóa, dọn dẹp các bảng rao vặt, quảng cáo, dây leo, hệ thống cáp quang…).
“Chúng tôi sẽ tập trung triển khai các dự án, đề án đã đề ra trước đó, vì đây là thời điểm ít khách, chưa kể ngoài lực lượng chống dịch thì các lực lượng khác cũng tương đối có thời gian nên cơ bản thuận lợi hơn” - ông Lanh thông tin.
HƯỚNG ĐẾN SỰ BỀN VỮNG
Khai thác có trách nhiệm tài nguyên du lịch, phân bổ lại hợp lý các sản phẩm theo chuỗi để phù hợp với thị hiếu của từng thị trường khách là một lối mở để giúp giá trị và vị thế ngành du lịch địa phương được nâng cao.
“Giẫm chân” sản phẩm
Lâu nay, sản phẩm được du khách ưa thích và nâng tầm thương hiệu Quảng Nam vẫn là du lịch di sản. Vì vậy, hằng năm lượng khách đến Hội An và Mỹ Sơn chiếm đến khoảng 75% tổng lượt khách đến địa phương.
Ngoài hai di sản thế giới trên, Quảng Nam còn có một “kho báu” tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc trưng hội tụ đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch sự kiện, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh… Nhưng lực cản khiến các loại hình du lịch này vẫn ì ạch sau bao năm chính là sự trùng lặp, thiếu ý tưởng đột phá.
Theo ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: “Điều khiến du khách nhàm chán nhất là sự trùng lặp sản phẩm. Sản phẩm gì ở Hội An đã phát triển tốt rồi thì Mỹ Sơn cũng như các điểm đến khác nên chủ động tìm ý tưởng khác để thu hút khách và ngược lại”.
Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam nhận định: “Dịch vụ du lịch biển tại An Bàng đang tạo ra sức hút rất tốt với du khách quốc tế vậy nên thời gian tới nếu chúng ta đầu tư cho du lịch biển Hà My (Điện Bàn) và Bình Dương (Thăng Bình) thì không nên rập khuôn như An Bàng mà cần phải tính các sản phẩm khác”.
Trên thực tế, du lịch biển tại Điện Bàn cũng như Tam Kỳ những năm gần đây được đầu tư khá nhiều và thường xuyên tạo sản phẩm kích cầu “ngày hội biển” vào mùa hè nhưng xét về tính chất và sự kết nối du khách thì chưa thể vượt khỏi quy mô địa phương.
Nhiều đơn vị lữ hành phản hồi, trung bình lịch trình của du khách khi đến miền Trung thường không kéo dài quá một tuần và có rất nhiều điểm đến hấp dẫn trong khu vực này để họ lựa chọn. Vì vậy nếu không phải là các di sản thiên nhiên, văn hóa đã có tiếng tăm thì điểm đến phải có điểm nhấn thực sự khác biệt mới mong hút khách. Thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Quảng Nam chỉ khoảng 2 ngày đêm nên một khi khách đã ghé qua nghỉ dưỡng ở biển An Bàng rất khó để họ chọn đi Tam Thanh, Tam Hải… Hoặc họ đã đi làng Zara (Nam Giang) thì hiếm khi họ bỏ thêm thời gian để ghé Bờ Hôồng (Đông Giang) hay Tà Lang (Tây Giang) nếu sản phẩm của các điểm đến này chỉ tương tự nhau.
Phân vùng lại sản phẩm
Ở góc độ không gian, một lợi thế dễ nhận thấy của tài nguyên du lịch Quảng Nam nằm ở chỗ các “cụm” sản phẩm riêng đều có mối liên hệ gần gũi và không bị cô lập về địa lý, điều này càng thúc đẩy phải sớm quy hoạch bài bản lại các vùng sản phẩm riêng biệt.
Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho rằng: “Quảng Nam cần chia lại 4 vùng sản phẩm du lịch gồm: vùng biển, vùng nông thôn, vùng núi và vùng đô thị”. Ông Thuận nói, đơn cử với làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn) có diện tích nhỏ thì có thể hướng đến xây dựng chợ nông sản, homestay để hướng đến phục vụ dòng khách châu Á Còn với làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) nên chủ động hướng đến dòng khách có chi tiêu cao hơn.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, trong trường hợp Lộc Yên không thể nào chứa tất cả dòng khách thì cần chủ động lựa chọn dòng khách ngay từ khi mới bắt đầu để định hướng điểm đến bền vững. Khi phân vùng cụ thể hướng đến từng đối tượng khách riêng thì sẽ giải quyết được bài toán lan tỏa du lịch về phía nam, phía tây và cả vấn đề phân luồng dòng khách có mức chi tiêu khác nhau.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Để có được đòn bẩy phát triển lan tỏa các vùng sản phẩm về phía tây và phía nam rất cần các dự án động lực như Hoiana, khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang hay TUI Blue Nam Hội An sớm đi vào hoạt động”.
Sở VH-TT&DL cũng đã đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn để phát triển du lịch biển tại An Bàng (Hội An), Tây Sơn Tây (Duy Xuyên) và Bình Dương (Thăng Bình) để đón đầu thời cơ khi làn sóng đầu tư du lịch vào vùng đông tiếp tục phát triển mạnh.
Theo TS.Trần Văn Anh - Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch (trường Đại học Quảng Nam), việc quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch cần tính toán mật độ và số lượng sản phẩm/điểm du lịch. Mỗi điểm du lịch cần gắn với tối thiểu hai đến ba sản phẩm du lịch hoàn thiện và phải cố gắng rút ngắn khoảng cách để tăng sức hấp dẫn cho du khách.
Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ: “Phải nhìn nhận rằng du khách khi đến Quảng Nam gần như chắc chắn họ phải ghé Hội An trong hành trình bởi đây là điểm lõi”. Theo ông Lực, dù có gắng tạo thêm nhiều sản phẩm thì các điểm đến mới trên địa bàn tỉnh cũng cần kết hợp và dựa vào thương hiệu Hội An để kích cầu thì cơ hội thành công sẽ được tăng thêm rất nhiều.