Sự ràng buộc của tự nhiên và lịch sử
Ngày 24.3 và 29.3 là hai mốc thời gian để Quảng Nam và Đà Nẵng chào mừng kỷ niệm ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, chúng ta cần nghĩ sâu hơn về mối quan hệ mang tính tự nhiên và lịch sử của một vùng đất từng là phên giậu của đất nước mấy thế kỷ qua…
1. Hơn mười năm trước, khi Đà Nẵng tổ chức các chương trình thi bắn pháo hoa quốc tế, năm nào tôi cũng gặp nhiều người dân các huyện của Quảng Nam lũ lượt kéo ra xem. Những lần Đà Nẵng khánh thành cầu sông Hàn rồi cầu Thuận Phước hoặc thông hầm đường bộ Hải Vân, tôi thấy người dân Quảng Nam và người dân Đà Nẵng hòa vào một niềm vui không thể tách rời.
Ngược lại, nhìn những dòng xe cộ nối đuôi nhau theo hướng Bắc - Nam trên đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc hoặc đường cũ Non Nước - Hội An để tham dự các chương trình Hành trình Di sản của Quảng Nam lúc đó, tôi lại xúc động không kém. Những hình ảnh đó không chỉ là việc “đi xem chuyện lạ”, mà xuất phát từ mối ràng buộc tự nhiên từ bao đời nay. Sự chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng về mặt hành chính không phải là một rào cản của lòng người!
Cả Quảng Nam coi Đà Nẵng như mặt tiền của xứ mình. “Tiền cảng” Đà Nẵng thời chúa Nguyễn vẫn còn rành rành trong lịch sử. Rồi trong những cuộc chiến tranh sau này: Người Đà Nẵng tiêu thổ kháng chiến đi về các vùng tự do sâu trong nội địa Quảng Nam thời chống Pháp để hợp lực kháng chiến.
Từ những năm sau Hiệp định Gơ ne vơ đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, Bộ Chỉ huy Quân sự lẫn ban lãnh đạo Đà Nẵng có lúc đã bám chân ở Điện Bàn, vào lúc khó khăn nhất đã vào đến Hiên, Giằng, Quế Sơn làm căn cứ... Người dân Quảng Nam bám trụ che giấu cán bộ từ nội thành Đà Nẵng thoát ra như một nghĩa vụ thiêng liêng, như lo cho chính người ruột thịt của gia đình mình.
Ngày 27.3.1975, Bộ tư lệnh Quân Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Đà họp ở Điện Hòa quyết định sẽ vào Đà Nẵng một tuần sau đó, nhưng hôm sau lúc xuống đến Thanh Quýt, nghe tin báo tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I của quân Sài Gòn đã bỏ chạy, ông Võ Chí Công đã quyết định vào giải phóng thành phố ngay vào sáng 29.3!
Mười hai năm sau chiến tranh, Đà Nẵng là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với những thành tích xây dựng to lớn về nhiều mặt. Hoàn toàn không có chuyện mất đoàn kết, phân chia vùng miền trong lãnh đạo. Cũng không có chuyện bất hòa trong người dân. Vai trò của các cụ Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng, Phạm Đức Nam lúc đó rất quan trọng.
Những trận bóng đá của đội tuyển Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng hay của đội Cảng Đà Nẵng trên sân Chi Lăng hay Tam Kỳ đều chật ních người Quảng, ồn ào tiếng Quảng cổ vũ như dông bão. Ai cũng coi đó là những đội bóng “của mình”. Những Lê Văn Sinh từ Đại Lộc, Trần Minh Toàn từ Hội An hay sau này Nguyễn Quốc Anh từ Trà My ra Đà Nẵng đá bóng được chúng ta coi là chuyện thường, vì cũng là cầu thủ “nhà mình”...
Tôi nhớ kỳ tích xây dựng đại thủy nông Phú Ninh, hồ chứa Khe Tân, mở đường lên Tắc Pỏ, chuyện ông Lưu Ban và Duy Sơn 2 làm thủy điện, Đại Phước đạt năng suất lúa 21 tấn mỗi hécta... vẫn là niềm tự hào chung của cả 1,5 triệu dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Một công ty Hợp doanh vận tải ô tô hàng hóa Quảng Nam - Đà Nẵng luôn là một thể thống nhất trong quản lý điều hành, cho dù phải mở thêm chi nhánh điều hành tại Hội An, Tam Kỳ.
Niềm tự hào đó có gốc rễ từ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Phạm Phú Thứ, Tiểu La, Huỳnh Thúc Kháng và xa hơn nữa trong lịch sử ông cha đi mở cõi lập nên xứ Đàng Trong!
2. Năm 1997, do nhu cầu quản lý và phát triển, Đà Nẵng và Quảng Nam trở thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Hàng ngàn cán bộ từ lãnh đạo cấp tỉnh đến cán bộ, nhân viên đã an cư lạc nghiệp ở Đà Nẵng, không suy tính thiệt hơn, từ giã gia đình, vợ con vào xây dựng tỉnh mới.
Đến nay, nhiều người, do nhu cầu công tác vẫn tiếp tục ở lại trong nhiều ngành, địa phương. Họ đi và về như “chưa hề có cuộc chia ly” trong lời một bài hát cảm động vào sáng ngày 1.1.1997 trước rạp Trưng Vương, tự nhiên như họ đi làm và trở về nhà mỗi ngày! Nhiều gia đình, hai ba anh hoặc chị em là cán bộ của Quảng Nam và của Đà Nẵng cũng là chuyện đương nhiên...
Có đi trên quốc lộ 1, quốc lộ 14B và tuyến tỉnh lộ 607 hàng ngày, chúng ta mới thấy cảnh này: Buổi sáng là vô số những xe máy, xe tải từ các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc và cả Hội An lũ lượt đến các khu công nghiệp, các công trường xây dựng, nhà máy ở Đà Nẵng làm việc hoặc làm ăn buôn bán. Buổi chiều mỗi ngày, dòng xe máy ấy lại ngược chiều quay về.
Thị trường lao động và tiêu thụ hàng hóa của Đà Nẵng có một nguồn cung dồi dào và đa dạng từ vùng đất phía Nam. Nhiều huyện ở Quảng Nam là các vùng rau chuyên canh, vùng lương thực cho nhu cầu của đô thị công nghiệp - du lịch Đà Nẵng. Chuyện ấy là bình thường và tất nhiên nên chẳng còn ai để ý.
Và cứ đến cuối năm âm lịch hoặc các ngày lễ lớn, ngồi xem tivi hay đọc báo, lại thấy các vị lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam xuôi ngược thăm nhau, cười chào hớn hở và chia sẻ những mối quan tâm chung như đang bàn chuyện nhà!
Rồi sân bay Đà Nẵng trở thành nơi tập kết chuyển hàng cứu trợ đến các huyện ngập lụt của Quảng Nam. Rồi những dòng hàng cứu trợ lại lên Nam Trà My, Tây Giang, Đại Lộc... Rồi hàng trăm tỷ đồng từ Đà Nẵng gửi về tham gia các chương trình xóa nhà tạm, xây dựng trường học vùng sâu, làm đường giao thông nông thôn ở Quảng Nam cũng là chuyện bình thường cần làm như thời chưa chia tách.
Tôi lại thấy các nhà quản lý Đà Nẵng và Quảng Nam nhanh chóng ngồi lại với nhau giải quyết những vấn đề có tầm ảnh hưởng chung như nguồn nước xả vào sông Vu Gia để ngăn mặn cho thành phố hay xử lý những lo lắng khác về môi trường trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn và khơi thông “phong thủy” sống Cổ Cò gần đây… Tất cả như một lẽ tự nhiên như việc nhà của nhau!
Tôi không có thống kê chắc chắn có bao nhiêu người gốc Quảng Nam đang định cư ở Đà Nẵng trong tổng số 1 triệu dân của thành phố này, nhưng chắc con số đó là hơn một nửa! Mỗi cuối tuần lại thấy cha mẹ vợ con, anh chị em đèo nhau trên xe máy, trên ô tô về thăm làng, thăm cha mẹ, bà con tộc họ ở các huyện thuộc Quảng Nam ngày nay.
Ngày Tết, bà con Đà Nẵng về viếng mộ gia tiên, thắp nhang ở nhà thờ gia tộc ở Quảng Nam. Hầu như nhiều huyện, nhiều xã, nhiều tộc họ của Quảng Nam đều có Hội đồng hương, ban liên lạc tộc họ của mình ở Đà Nẵng.
3. Kỷ niệm 45 năm hòa bình và thống nhất nước nhà và cũng là 23 năm người Quảng sống trong hai đơn vị hành chính riêng biệt. Ta nhận ra rằng, đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh chóng đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động và tạo tiền đề cho phát triển các đô thị vệ tinh. Không gian đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội tăng lên kéo theo sự phát triển của các khu công nghiệp, đô thị mới và du lịch của Điện Bàn, Hội An.
Vấn đề đặt ra cấp thiết ngày nay là năng lực quản lý đô thị, quản lý liên đô thị và các mục tiêu về an sinh xã hội cần được đẩy mạnh trong thế liên đới, liên kết, bởi tính liên đới luôn luôn là một thuộc tính của xã hội học đô thị.
Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ tiếp tục đối phó với các vấn đề về nguồn nước sinh hoạt, môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và cả giao thông vận tải… Đà Nẵng được nhiều nhà xã hội học đánh giá là nơi có môi trường sống nói chung khá lý tưởng ở nước ta hiện nay nhưng nó sẽ đẩy ra ngoại vi (thuộc Quảng Nam) những vấn đề bức bách về an sinh, xã hội nếu thiếu sự phối hợp bằng các chương trình hợp tác cụ thể.
Chúng ta cũng nhận thấy sự phát triển của KCN Điện Nam - Điện Ngọc, các cụm công nghiệp quy tụ nhiều thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế về công nghiệp dịch vụ - du lịch phía bắc Quảng Nam sẽ giúp giữ chân nguồn lao động ở các vùng nông thôn và các khu dân cư mới; vừa giúp kinh tế tại chỗ phát triển, tạo ra công ăn việc làm để giảm áp lực của việc di chuyển lao động vào đô thị.
Việc xây dựng các xí nghiệp dệt may ở vùng Điện Bàn là một ví dụ hữu ích. Ngược lại, với dân số hơn 1,4 triệu người, và các nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, Quảng Nam là một vùng nguyên liệu, hậu cần, nếu được quy hoạch tốt sẽ vừa là một nguồn cung cấp, vừa là nơi tiêu thụ hàng hóa hai chiều không thể thiếu với đô thị Đà Nẵng.
Cho dù mỗi địa phương cần thiết chọn lấy ngày giải phóng tỉnh lỵ của mình làm ngày kỷ niệm cho niềm vui thống nhất, nhưng với sự ràng buộc tự nhiên về lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế và cả dân sinh đặc biệt đó, chúng ta tin rằng, niềm vui chung của phát triển và giàu mạnh (cả vật chất và tinh thần) sẽ mãi là tài sản vô giá của mỗi người dân xứ Quảng.