Doanh nghiệp khởi nghiệp khó khăn vì dịch
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp (KN) đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh này, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp (DN), sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền thì cộng đồng DN cần đoàn kết, động viên, khích lệ để cùng nhau vượt qua.
Chồng chất khó khăn
Quy mô sản xuất của các DN KN phần lớn còn nhỏ. Ở giai đoạn đầu KN, bản thân những DN này đang phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách liên quan đến vốn, nâng cao chất lượng sản phẩm… Vậy mà hiện nay DN KN phải đương đầu với khó khăn, thử thách khác mang tên Covid-19. Sản xuất đình trệ, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ, trong khi phải duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân là khó khăn chung của DN KN.
Là một DN KN, Công ty TNHH TM-DV Phú Hiển Lighting (Tam Kỳ) không nằm ngoài những tác động đó. Ông Phạm Phú Hiển - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Phú Hiển Lighting cho biết, theo kế hoạch trong tháng 3.2020 công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đèn thông minh tại Khu công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ) theo thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Aurio (Mỹ). Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia của tập đoàn đến từ Trung Quốc chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam khiến hoạt động xây dựng, vận hành nhà máy bị ngưng trệ.
“Chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng trên diện tích 1.600m2, thuê nhân công để đào tạo, tập huấn, vận hành máy móc chuẩn bị đưa nhà máy vào sản xuất. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, các kế hoạch bị tạm dừng, trong khi công ty vẫn phải duy trì việc trả lương cho một lực lượng công nhân” - ông Hiển cho hay.
Với “Phở sắn Caromi” - dự án KN đạt giải nhất tại cuộc thi tìm kiếm tài năng KN đổi mới sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, dịch Covid-19 kéo dài trong 3 tháng qua khiến tồn kho hơn 1 tấn phở sắn do nhiều khách hàng tạm dừng nhập hàng.
Chị Lê Thị Kim Ánh, người đồng sáng lập Công ty CP Caromi (Quế Sơn) cho biết: “Sản phẩm chúng tôi phần nhiều cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng, Hội An… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách du lịch sụt giảm, buộc các đối tác phải tạm ngưng nhập hàng. Trong khi đó, sức mua trong nhân dân giảm đáng kể làm cho mặt hàng phở sắn khó tiêu thụ”.
Trong khi đó, chị Hồ Thị Mười - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Mười Cường (Nam Trà My) chia sẻ: “Hầu hết mặt hàng dược liệu đều khó tiêu thụ do sức mua giảm mạnh khi nhiều khách hàng là những DN đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh”.
Đoàn kết để vượt qua
Tiêu thụ sản phẩm gặp khó khiến nhiều DN không kịp xoay vòng vốn để tái sản xuất, trong khi vẫn phải duy trì sản xuất và trả lương công nhân. Thực tế này đang khiến DN KN lao đao, nhiều dự án KN đứng bên bờ vực phá sản. Thấu hiểu sự khó khăn của DN, hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và đang tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT tham mưu các chính sách, giải pháp để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, muốn chiến thắng dịch bệnh, các DN KN phải bình tĩnh, không hoang mang, đồng thời phải có giải pháp để tái cấu trúc, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới. Phía DN, mặc dù đang chịu chung hoàn cảnh do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng cuối tuần qua, thông qua Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành đã quyết định hỗ trợ cho vay không lãi suất 3 tỷ đồng để giúp cộng đồng DN KN Quảng Nam.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, nguồn vốn này sẽ được dành để hỗ trợ cho những dự án KN được công nhận cấp tỉnh, các DN KN ở khu vực miền núi, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các câu lạc bộ KN có dự án KN… Trong đợt hỗ trợ đầu tiên có 8 dự án KN được VN Đà Thành hỗ trợ khoản vay không lãi suất từ 50 - 100 triệu đồng kéo dài đến hết năm 2020. Số tiền không lớn nhưng trong bối cảnh hiện nay, nguồn hỗ trợ được xem là hết sức quý giá với nhiều DN KN.
Được hỗ trợ khoản vay không lãi suất 100 triệu đồng từ VN Đà Thành, chị Lê Thị Kim Ánh, người đồng sáng lập Công ty CP Caromi cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ này để chi trả lương công nhân nhằm tiếp tục duy trì sản xuất. Hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trở lại bình thường”.
Trong khi đó, chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh Mười Cường - chị Hồ Thị Mười chia sẻ: “Chúng tôi được hỗ trợ khoản vay không lãi suất 50 triệu đồng từ VN Đà Thành. Nguồn vốn này tuy không lớn nhưng lại thực sự cần thiết với DN lúc này nhằm trang trải chi phí trả lương cho công nhân”.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh này, bản thân VN Đà Thành cũng đang gặp không ít khó khăn. Quy mô doanh thu so với cùng kỳ của công ty sụt giảm hơn 50%. Tuy nhiên, với tinh thần đồng hành với KN Quảng Nam trong hơn 3 năm qua, VN Đà Thành quyết định hỗ trợ khoản vay không lãi suất này, mong muốn DN KN có thêm động lực để vượt qua khó khăn.
“Thời điểm này, tinh thần doanh nhân là quan trọng nhất, nếu mất đi thì chúng ta sẽ thua ngay từ bây giờ. Vì vậy, các DN KN phải bình tĩnh, ngồi lại để nhìn nhận, tái cấu trúc, định hướng rõ ràng chiến lược, kế hoạch kinh doanh liên quan đến sản phẩm, nhân sự bộ máy…” - ông Bảo chia sẻ.