Doanh nghiệp gồng mình giữa đại dịch

DIỄM LỆ 23/03/2020 11:24

Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. DN nỗ lực vượt khó, nhưng khó khăn chất chồng khiến nhiều DN có khả năng không trụ vững, phải cắt giảm lao động (LĐ).

Khung cảnh vắng vẻ ở nhiều doanh nghiệp khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến sản xuất khó khăn. Ảnh: D.L
Khung cảnh vắng vẻ ở nhiều doanh nghiệp khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến sản xuất khó khăn. Ảnh: D.L

Nỗ lực vượt khó

Giữa lúc đất nước đang căng mình chống dịch Covid-19, khi hỏi DN về khó khăn của họ, chúng tôi đều nhận được câu trả lời gần như nhau, đại khái rằng: Từ chính phủ đến người dân đều đang rơi vào khó khăn chung, nên cộng đồng DN không ngoại lệ. Khó khăn thì có nhiều, nhưng lúc này mà nói về khó khăn của mình thì có ích kỷ quá không? Trong khi cộng đồng DN dù khó vẫn cố gắng chung tay phòng chống dịch bệnh bằng những sự ủng hộ thiết thực nhất. Thế nên, hãy khoan nói về khó khăn của chúng tôi, điều đó sẽ được bàn đến vào một thời điểm nhất định. Còn cố gắng được ngày nào thì chúng tôi sẽ cố gắng để giải quyết việc làm cho người LĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong thời điểm này.

Tại công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam (Cụm công nghiệp Tam Đàn, Phú Ninh), khi dịch bệnh ở Trung Quốc bùng phát từ sau tết, lãnh đạo công ty đã chủ động điều chỉnh kế hoạch nguyên vật liệu, đổi nhà cung cấp nguyên phụ liệu để duy trì việc làm cho LĐ. Cho đến thời điểm này, theo bà Đặng Lệ Liên - Giám đốc Nhân sự của công ty thì công việc cho người LĐ ổn định, ngày làm việc 8 tiếng, không tăng ca. Mỗi ngày đi làm của người LĐ, DN đều lo khẩu trang, nước sát khuẩn, khử trùng thường xuyên khuôn viên công ty. Tổng giám đốc của công ty còn trực tiếp nói chuyện với LĐ, khuyên mọi người nên uống nước ấm, hoặc uống trà có vài lát gừng để giữ ấm cổ, sát khuẩn nhẹ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất mới tăng cường sức đề kháng phòng dịch Covid-19.

Tại Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Riverpark (Hội An), từ cuối tháng 2 đến nay khách lưu trú giảm mạnh, nhiều đoàn khách hủy phòng đã đặt, không có khách đặt phòng mới, không có khách nội địa. Nhưng để giữ chân LĐ, công ty có kế hoạch cho LĐ luân phiên nghỉ phép năm mà không cắt giảm LĐ giữa lúc khó khăn. Hoặc Công ty TNHH Domex Quảng Nam (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Thăng Bình) đã có kế hoạch đàm phán với khách hàng chọn nhà cung ứng nguyên liệu vải từ DN trong nước để duy trì sản xuất theo hợp đồng đã được ký kết với đối tác, duy trì được việc làm cho LĐ, chờ dịch bệnh qua đi.

Ngoài ra, các DN cũng đã thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh. DN thường xuyên thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến người LĐ, tổ chức tiêu độc, khử trùng, vệ sinh nơi làm việc, sát khuẩn, vệ sinh cá nhân, yêu cầu người LĐ đeo khẩu trang. Những DN có người LĐ nước ngoài đến từ vùng có dịch thực hiện việc cách ly, khai báo y tế đầy đủ theo quy định.

Khó khăn đầu vào lẫn đầu ra

DN không nói nhiều về khó khăn của họ, nhưng theo khảo sát mới nhất của Sở LĐ-TB&XH, DN đang gặp rất nhiều nỗi lo nên phải cắt giảm LĐ là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là các DN ngành dệt may, da giày gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm. Sở LĐ-TB&XH đã khảo sát ở 10 DN với 10.875 LĐ (trong đó có 89 LĐ nước ngoài), chủ yếu thuộc ngành nghề da giày, may mặc, khách sạn, chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn và chăn nuôi heo.

Theo Sở LĐ-TB&XH, ngoài chuyện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn, DN còn chịu áp lực từ việc trả nợ vay ngân hàng, nộp thuế thu nhập DN, đóng BHXH cho người LĐ, chi phí điện, nước, vận hành... Đó cũng là những khó khăn chung của các DN trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là những ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo khảo sát thực tế, đến nay Công ty CP Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ) đã cho ngừng việc 1.900 LĐ để chờ nguồn nguyên phụ liệu; Công ty CP May Trường Giang (Tam Kỳ) nếu hết tháng 3.2020 không nhập được nguyên phụ liệu cũng buộc sẽ cho LĐ ngừng việc. Công ty TNHH Fashion Garment (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ) ngừng việc từ tháng 3, nếu không nhập được nguyên phụ liệu thì tiếp tục cho người LĐ ngừng việc; Công ty TNHH MTV Germton (Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, Quế Sơn) sẽ cắt giảm đến 1 ngày làm việc cuối tuần để giữ chân người LĐ.

Trước ảnh hưởng do dịch Covid-19, các DN ngành da giày, may mặc, khách sạn đề nghị Nhà nước xem xét, hỗ trợ để DN giảm bớt khó khăn. DN đề nghị được hỗ trợ về tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay; giải quyết nhanh việc hoàn thuế cho DN; giảm thuế thu nhập DN; có chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho DN và người LĐ. Chính phủ có giải pháp tháo gỡ để các DN thuận lợi trong việc nhập nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc...

DIỄM LỆ