Lưu vực Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển: "Hứng" dòng chảy rác thải nhựa

TRẦN NGUYỄN 19/03/2020 10:20

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam chịu ô nhiễm chất thải rắn cộng hưởng với rác thải nhựa, buộc phải thay đổi phương pháp quản lý tiếp cận từ nguồn xuống biển.

Một bãi rác tự phát dọc đường ven biển thuộc địa bàn huyện Thăng Bình cách đây không lâu. Ảnh: T.N
Một bãi rác tự phát dọc đường ven biển thuộc địa bàn huyện Thăng Bình cách đây không lâu. Ảnh: T.N

Nghiên cứu của đoàn chuyên gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn qua đợt khảo sát tháng 10.2019 cho thấy, tổng lượng chất thải không được thu gom ở lưu vực sông này ước hơn 36,5 tấn/ngày. Rác thải nhựa từ đầu nguồn sông chảy xuống hạ lưu gồm các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, Tam Kỳ.

Theo Chi cục Biển – hải đảo, giả định nếu 10 - 25% lượng chất thải không được kiểm soát, kết quả sẽ có khoảng 3,7 – 9,1 tấn chất thải nhựa có khả năng rò rỉ hàng ngày vào các nguồn nước và khoảng 1.332 - 26.682 tấn chất thải nhựa rò rỉ hàng năm vào các nguồn nước tại lưu vực sông và vùng bờ.

Việc ngăn chặn dòng chảy rác thải nhựa ở 2 địa phương Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thời gian qua gặp khó khăn do các bãi chứa, xử lý rác thải trong tình trạng quá tải, trong khi người dân không ủng hộ các dự án xây dựng mới. Công tác quản lý nhà nước về rác thải gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nghệ xử lý rác phù hợp. Việc người dân cản trở vận chuyển rác chuyên dụng vào khu xử lý đã làm gia tăng hành vi đổ rác trái quy định hoặc lưu chứa rác thải không phù hợp, đe dọa ô nhiễm môi trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quản lý rác thải rắn/nhựa của Việt Nam khá chồng chéo, bởi nhiều bộ, ngành tham gia. Thời điểm này, cả nước có 35 tỉnh/thành phố giao cho Sở Xây dựng quản lý chất thải rắn, bao gồm chất thải rắn sinh hoạt; 20 tỉnh, thành phố giao cho Sở Tài nguyên – môi trường quản lý; 8 tỉnh, thành phố giao cho cả 2 đơn vị đồng quản lý. Tuy nhiên, ngày 3.2.2019 khi Chính phủ có Nghị quyết số 09, các địa phương mới bắt đầu định hướng giao cho Sở Tài nguyên – môi trường quản lý chất thải rắn.

Các cuộc hội thảo nhằm “giải cứu” lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ, chính quyền 2 địa phương và các ngành liên quan thống nhất quyết định chọn dòng chảy chất thải rắn làm dòng chảy ưu tiên trong lưu vực cần nghiên cứu với cách sử dụng phương pháp tiếp cận quản lý từ đầu nguồn tới biển.

Việc xác định dòng chảy chính đối với chất thải rắn cũng phù hợp với cam kết từ tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và Chính phủ về chống ô nhiễm chất thải nhựa ra đại dương.

Thời gian qua, nhiều sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong việc giảm, không sử dụng bao gói ny lon. Tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp ở Hội An đã thực hiện kinh doanh hướng tới không chất thải, sử dụng các đồ chứa có thể tái sử dụng.

Đơn cử, Công ty Jack Tran Tours tự nguyện thu gom chất thải nhựa thường xuyên trên sông Hoài. Các khách sạn 3 sao trở lên ở khu vực phố cổ áp dụng chính sách không sử dụng chai nước nhựa và thực hiện phân loại rác thải tại nguồn...

TRẦN NGUYỄN