Đại Lộc, Phước sơn: Cần phải có đột phá trong 5 năm đến
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc và Phước Sơn về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020; công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, vào chiều 17.3.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý, dự thảo Báo cáo chính trị của Đại Lộc và Phước Sơn cần có đánh giá đầy đủ, trong đó nhìn nhận về những mặt chưa đạt, còn hạn chế, khuyết điểm, làm rõ trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua; đồng thời có định hướng cụ thể cho 5 năm đến và tầm nhìn xa hơn đến năm 2030, hai địa phương sẽ đứng ở vị thế nào trong bản đồ phát triển của Quảng Nam.
Khai thác thế mạnh
Chung sức đồng lòng vượt khó khăn thách thức, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với thực tế địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt gần 12,6% (chỉ tiêu nghị quyết 12 - 13%/năm). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện tỷ trọng ngành công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 62,7%; thương mại - dịch vụ - du lịch phát triển mạnh, chiếm 26,5%; trong khi đó, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 10,8% tổng giá trị sản xuất (chỉ tiêu nghị quyết 65,7% - 23,3% - 11%).
Theo ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, có được kết quả như trên, nhiệm kỳ 2015 - 2020, địa phương đã chú trọng thực hiện các nhiệm vụ đột phá gắn với khai thác các thế mạnh của huyện. Trên cơ sở đó, hạ tầng thương mại được đầu tư, nâng cấp. Các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển cả quy mô và chất lượng. Dịch vụ vận tải, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao tăng nhanh về số lượng. Dịch vụ y tế ngày càng mở rộng. Công tác quảng bá du lịch được chú trọng. Một số dự án du lịch như Bằng Am, hồ Khe Tân, Khe Lim, Sông Cùng đang được nghiên cứu, xúc tiến hoàn thành thủ tục đầu tư.
Phát triển nông - lâm nghiệp, Đại Lộc tập trung xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị. Đến nay, thu hút 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn huyện với tổng vốn 16,7 tỷ đồng; 6 dự án đang nghiên cứu, đăng ký đầu tư với tổng vốn 131,5 tỷ đồng. Toàn huyện có 48 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và phi nông nghiệp; trong đó có 17 hợp tác xã nông nghiệp doanh thu tăng bình quân 82%/năm/HTX, lợi nhuận tăng bình quân 52,3%/năm/HTX.
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Thanh khẳng định, nhiệm vụ này được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội huyện và cơ sở tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đến năm 2020, Đại Lộc đã xây dựng được 13/17 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn... Nói về định hướng trong 5 năm đến, ông Nguyễn Công Thanh nhấn mạnh: “Đến năm 2025, Đại Lộc quyết tâm phấn đấu trở thành huyện NTM”.
Khởi sắc nông thôn miền núi
Dấu ấn trong việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Phước Sơn là địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Sơn, tổng nguồn vốn đầu tư công 5 năm qua gần 1.000 tỷ đồng, hơn 250 công trình và hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, các tuyến đường giao thông từ huyện đến các xã được thông suốt; hơn 98% đường liên thôn được kiên cố hóa; tất cả xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, hơn 98% hộ dùng điện; hầu hết trường học, trạm y tế xã được kiên cố hóa; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho hơn 80% diện tích ruộng lúa nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong 5 năm qua, địa phương đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất, dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, xã Phước Xuân đạt chuẩn NTM; số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện đạt 11,6 tiêu chí/xã, tăng gần 5 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Đối với một huyện nghèo như Phước Sơn, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tác động tích cực đến kết quả giảm hộ nghèo của địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 50,68% năm 2015 xuống còn 25,61% năm 2019 và phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 22%.
“Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai khá tốt, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành vùng trồng cây nguyên liệu như keo, bời lời, dược liệu; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại một số xã như Phước Đức, Phước Hòa...; xây dựng một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi như cây ăn quả. Kinh tế tập thể bước đầu được hình thành, đến nay trên địa bàn huyện có 4 HTX, 2 tổ hợp tác sản xuất, có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng gồm: rau lũi, sâm dây, mật ong rừng, chanh không hạt ” - ông Hà nói.