Lao động du lịch mất việc vì Covid-19
(QNO) - Dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính hàng nghìn lao động trong ngành du lịch, dịch vụ tại TP.Hội An đã mất việc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Mất việc hàng loạt
Nguyễn Thị Hoa là nhân viên phục vụ của một nhà hàng trong phố cổ, gần tuần nay cô phải nghỉ việc ở nhà do tình hình kinh doanh ế ẩm. “Ban đầu nhân viên chia luân phiên nghỉ làm nhưng bây giờ thì tất cả nghỉ hẳn vì nhà hàng đã đóng cửa” - Hoa nói. Nhà hàng của Hoa trước đây có hơn 20 nhân viên phục vụ, hiện tại tất cả phải nghỉ việc không lương ở nhà chờ thông báo tiếp theo.
Hội An những ngày này đường phố khá vắng vẻ. Trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Cửa Đại, Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng… dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng quán treo bảng thông báo đóng cửa. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến các cơ sở lưu trú, khách sạn. Hiện tại phần lớn homestay, khách sạn đã ngừng hoạt động hoặc chuẩn bị đóng cửa, đồng nghĩa lao động các đơn vị này cũng nghỉ việc.
Bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh cho biết, dự kiến hết tháng 3 này Phú Thịnh sẽ chính thức đóng cửa. Ngoài trừ vài người giữ lại để bảo vệ, chăm sóc vườn cây, gần 120 lao động khách sạn sẽ phải nghỉ việc không lương.
“Bây giờ khách sạn đã hết khách, những tour khác thì đã hủy nên tạm ngừng hoạt động, nhân viên cũng buồn, lo lắng nhưng họ đồng cảm với mình. Cũng may trước đây công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên nên anh em đỡ phần nào, ngoài ra Công đoàn công ty cũng sẽ hỗ trợ thêm một ít phúc lợi cho anh em” - bà Anh thông tin.
Tại Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, đến nay gần 80% nhân viên phải nghỉ việc để hưởng lương cơ bản, tương đương hơn 650 người (chủ yếu diễn viên, nhân viên shop lưu niệm, nhà hàng…), chỉ giữ lại bộ phận hành chính, kinh doanh nhưng cũng chỉ hưởng 50% lương. Một quản lý ở đây chia sẻ, theo kế hoạch những lao động này sẽ nghỉ đến hết tháng 3, sau đó tùy tình hình dịch sẽ tính tiếp.
Cố gắng giữ lao động
Năm 2019, ngành du lịch, thương mại chiếm hơn 70% tỷ trọng kinh tế TP.Hội An. Điều này cũng đồng nghĩa nhân sự ngành du lịch sẽ chịu tác động trực tiếp rất lớn từ dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, hầu hết khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố như rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, phố cổ… đã ngừng đón khách tham quan.
Riêng tại tuyến vận chuyển du lịch Cửa Đại - Cù Lao Chàm, việc xã đảo Tân Hiệp ngừng đón khách đã khiến 43 doanh nghiệp du lịch nơi đây lao đao. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội Du lịch Cù Lao Chàm, với khoảng 400 nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp thành viên, việc ngưng hoạt động tuyến tham quan này đã tạo áp lực lớn cho các đơn vị, nhất là giải quyết vấn đề lao động, tiền lương cho nhân viên.
“Một số công ty đã hội ý với nhau về mức lương trả cho nhân viên trong tháng 3 này, có thể sẽ giảm một ít, sau đó tới đâu sẽ tính tiếp. Nếu dịch bệnh lâu quá thì phải đóng cửa cho nhân viên nghỉ không lương chứ tiền đâu trả, tất nhiên phải hợp tình hợp lý vì đây là khó khăn chung” - ông Hùng cho hay.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An, lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch ước hơn 15 nghìn người (trong tổng số 48 nghìn lao động ở Hội An), nhiều nhất là lĩnh vực lưu trú với khoảng 12 nghìn lao động.
Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An thừa nhận, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu chính xác về lực lượng lao động nghỉ việc vì phải chờ doanh nghiệp báo cáo lên, nhưng chắc chắn số lao động mất việc rất lớn vì liên quan đến nhiều ngành nghề dịch vụ như lưu trú, lữ hành, may mặc, nhà hàng, lưu niệm…
“Theo quy định, khách sạn 3 sao trở lên mỗi phòng sẽ có 1,3 lao động; homestay, biệt thự du lịch tỷ lệ là 0,7 người/phòng. Với 12 nghìn phòng như hiện nay thì số lao động bị nghỉ việc khi khách sạn đóng cửa là không hề nhỏ, chưa kể các ngành nghề dịch vụ kinh doanh ăn theo khác” - ông Phúc phân tích.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện tại hiệp hội vẫn chưa thống kê được số lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 vì tình hình biến động từng ngày.
“Rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có doanh thu, chứ chưa nói đến lợi nhuận. Theo tôi, giải pháp bây giờ vẫn phải làm sao vừa hạn chế rủi ro nhưng vẫn phải bảo toàn nhân viên bằng cách hỗ trợ lương. Quan điểm của hiệp hội là nên cố gắng giữ lại lao động, nhưng điều này thì tùy vào nguồn lực của mỗi đơn vị. Đặc biệt, mong Nhà nước có nguồn quỹ hỗ trợ giúp doanh nghiệp đào tạo lại lao động sau này” - ông Thanh đề xuất.