TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright Việt Nam: "Chấn hưng kinh tế tư nhân"
Kinh tế tư nhân luôn được nhắc đến là thành phần chủ lực của nền kinh tế. Nhưng làm gì để thúc đẩy, chấn hưng, phát triển khu vực kinh tế này vẫn là câu chuyện khá dài. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề này với TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn - chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.
* Những cuộc khảo sát, phân tích về tăng trưởng kinh tế Quảng Nam có gì lạ, thưa ông?
TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn: Diện mạo kinh tế và đời sống xã hội Quảng Nam thay đổi đáng ngạc nhiên. Nếu như năm 1997, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Nam chỉ khoảng 2 triệu đồng/người, thì đến năm 2019 đã ước đạt hơn 66 triệu đồng/người, vượt mức bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế ước tăng gấp 34 lần so năm 1997, trong khi Đà Nẵng tăng gần 29 lần và bình quân cả nước khoảng 19,5 lần. Đóng góp vào quy mô kinh tế cả nước của Quảng Nam cũng tăng lên rõ rệt (từ 0,9% tăng lên 1,6%/tổng quy mô kinh tế cả nước). Bình quân giai đoạn 2010 - 2018, kinh tế Quảng Nam tăng trưởng lên đến 13,5%/năm. Ngay 2016 - 2018, dù khó khăn, nhưng địa phương vẫn duy trì được sức tăng trưởng bình quân 13,1%. Đặc biệt, từ năm 2016, quy mô kinh tế của Quảng Nam đã bắt đầu vượt Đà Nẵng và năm 2019 đạt đến cột mốc 100.000 tỷ đồng (giá hiện hành). Thành công này có sự đóng góp lớn của kinh tế tư nhân.
* Nhưng thưa ông, thống kê ấy vẫn chưa thể nói được nhiều điều nếu nhìn vào sự bất định của tăng trưởng?
TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn: Những quan sát tăng trưởng kinh tế hàng năm của Quảng Nam vẫn cho thấy sự thiếu ổn định, rất không bền vững và tính lan tỏa thấp. Ngay như bình quân giai đoạn 2016 - 2018 kinh tế Quảng Nam tăng trưởng cao lên đến 13,1%/năm nhưng thực ra lại có năm cao năm thấp. Cụ thể, năm 2016 kinh tế Quảng Nam tăng trưởng lên đến 27,2% (mức kỷ lục trong hàng chục năm), nhưng đến năm 2017 lại tụt xuống cũng là mức thấp kỷ lục trong gần 10 năm với chỉ 5,1%. Năm 2018 tăng cao trở lại lên mức 8,1%, nhưng năm 2019 chỉ đạt 3,81%.
Điều gì đã khiến cho tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam rất không ổn định trong những năm qua? Vai trò và đóng góp của các thành phần kinh tế ở Quảng Nam vào thực trạng này như thế nào? Đâu là động lực tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam trong những thập niên qua và định hướng trong thập niên tới như thế nào? Còn rất nhiều câu hỏi khác cần được giải đáp.
* Những đóng góp của kinh tế tư nhân được cho là động lực, thể hiện trên thực tế tăng trưởng địa phương như thế nào, thưa ông?
TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn: Có thể thấy, những phân tích về các phương diện (đóng góp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu ngân sách cho địa phương) thể hiện rất rõ, khu vực này vẫn luôn là chủ lực và là động lực phát triển.
Năm 2019, GRDP của Quảng Nam ước đạt xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, trở thành một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế khá trong cả nước. Kinh tế Nhà nước đóng góp 17%, FDI chỉ đóng góp 4,5%, trong khi khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp đến xấp xỉ 60%, còn lại là thuế sản phẩm ròng. Nếu loại trừ thuế sản phẩm ròng, tức chỉ tính phần giá trị tăng thêm (Value Added), kinh tế ngoài Nhà nước ở Quảng Nam ước tính chiếm đến hơn 73% tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế năm 2019. Trong gần 10 năm qua, tỷ trọng đóng góp của thành phần kinh tế ngoài Nhà nước có sự tăng nhẹ từ mức 70,6% năm 2010 lên hơn 73% năm 2019.
So với các địa phương khác, tỷ lệ đóng góp của thành phần kinh tế ngoài Nhà nước ở Quảng Nam cao hơn nhiều so với Đà Nẵng cũng như trung bình chung cả nước. Hiện tỷ trọng đóng góp của kinh tế Nhà nước ở Quảng Nam chỉ còn khoảng 21% tổng giá trị tăng thêm, trong khi ở Đà Nẵng lên đến 27%, thậm chí bình quân cả nước lên đến 31%. Điều này cho thấy riêng về vấn góp, kinh tế ngoài Nhà nước đã có một vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Quảng Nam trong hàng chục năm qua và nay vai trò đó đang ngày càng được phát huy hơn nữa trong bối cảnh vai trò của kinh tế Nhà nước ngày một suy giảm, trong khi đóng góp của đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn.
Đó là chưa kể tổng vốn đầu tư xã hội từ 20% năm 2010 đã lên 52% năm 2018. Đây là một bước tiến rất lớn của thành phần kinh tế ngoài Nhà nước so với bức tranh chung cả nước (tăng từ 36% lên 43% song vẫn thấp hơn Quảng Nam), trong khi vốn đầu tư của thành phần kinh tế Nhà nước suy giảm trong gần thập niên qua.
Không chỉ vậy, từ phụ thuộc, Quảng Nam trở thành 1/16 tỉnh, thành cả nước có nguồn thu điều tiết về Trung ương. Đây có lẽ là một trong những thành quả kinh tế nổi bật nhất của Quảng Nam. Cụ thể, năm 2005, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng vai trò trọng yếu góp 10,8% tổng thu ngân sách nhà nước (tương đương 23,7% tổng thu nội địa), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ góp khoảng 8,8% (xấp xỉ 19,3% tổng thu nội địa) và FDI chiếm tỷ trọng 1,2% (2,7% tổng thu nội địa). Nhưng hiện nay DNTN đã tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp cho ngân sách lên đến gần 44,5% (tương đương đến 67% tổng thu nội địa). Trong khi đó, tỷ trọng từ DNNN tiếp tục giảm xuống chỉ còn trên dưới khoảng 5,5%. Chỉ tính riêng tổng số thu 3 khoản thuế quan trọng là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp từ DNTN đã chiếm đến 65,6% tổng số thu nội địa trong năm 2015 của tỉnh Quảng Nam. Như vậy, chỉ trong vòng 5 - 10 năm, bức tranh thu ngân sách từ DNTN đã có sự thay đổi ngoạn mục với sự gia tăng rất nhanh chóng của thuế tiêu thụ đặc biệt.
* Một khuyến nghị cho địa phương, thưa ông?
TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn: Khu vực DNTN tạo ra nhiều việc làm nhất, nhưng tính bình quân quy mô lao động lại khá thấp so với hai thành phần kinh tế còn lại. Cụ thể, năm 2019, quy mô bình quân một DNTN chỉ 19 lao động, trong khi DNNN là 517 lao động và doanh nghiệp nước ngoài là 375 lao động. Hiện chỉ có 9 DNTN có quy mô lao động từ 1.000 trở lên. Ngược lại, quy mô lao động bình quân trong các DNNN lại tăng từ 287 lao động năm 2010 lên 517 năm 2019. Song, phải công bằng nhìn nhận, nhờ số lượng doanh nghiệp đông đảo nhất nên số việc làm mà DNTN tạo ra là rất lớn so với hai thành phần kinh tế còn lại. Mỗi năm Quảng Nam có thêm khoảng 1.000 doanh nghiệp mới thành lập. Bình quân 20 người/doanh nghiệp, mỗi năm Quảng Nam giải quyết thêm được trên dưới 2 vạn việc làm mới cho người dân. Song với mức lương (tương đương 5,9 triệu đồng/người) cao hơn thu nhập nông nghiệp, nhưng chưa phải là cao nổi trội và chưa thể xem là bền vững để có thể hấp thu một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp nông thôn chuyển sang.
Bất kỳ địa phương nào cũng hướng đến tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập người dân và huy động nguồn ngân sách bền vững để thực hiện chính sách tái phân phối. Để đạt được mục tiêu then chốt này, chính quyền không thể dựa duy nhất vào bất kỳ một thành phần kinh tế nào. Tất cả thành phần kinh tế đều phải được đánh thức, phát huy vai trò, lợi thế. Tuy nhiên, những đóng góp hiện hữu của DNTN cho thấy thành phần kinh tế này đang ngày càng trở thành động lực kinh tế quan trọng như NQ10-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Song, vẫn phải thừa nhận quy mô và năng lực cạnh tranh của DNTN vẫn còn khá yếu. Các khoản thu ngân sách của Quảng Nam có vai trò rất lớn của DNTN, tuy nhiên lại tập trung vào một vài ngành với một vài doanh nghiệp nhất định nên sẽ khá rủi ro. Đóng góp lớn vào GRDP, giá trị gia tăng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và ngân sách nhưng lại tập trung vào vài doanh nghiệp lớn, đặc biệt là Trường Hải đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu lẫn các nhà sản xuất lắp ráp trong nước. Trong khi các DNTN còn lại có quy mô rất nhỏ. Sử dụng ít lao động, nguồn vốn tự có yếu, trình độ công nghệ lạc hậu, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hạn chế, khả năng tham gia các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu hầu như không có. Nếu nhìn ở góc độ năng suất, chỉ một vài doanh nghiệp ở Quảng Nam có được năng suất cao, trong khi đại đa số đều có năng suất thấp. Các ngành công nghiệp ở Quảng Nam chủ yếu thâm dụng lao động giản đơn, năng suất thấp, trong khi thiếu hẳn một hệ sinh thái các cụm ngành công nghiệp có tiềm năng cạnh tranh.
Cần phải có thêm thời gian, số liệu chi tiết, đáng tin cậy hơn để có thể phân tích sâu. Từ đó mới có thể hoạch định một chiến lược phát triển (cơ chế, chính sách) lấy kinh tế tư nhân làm động lực trong thập niên tới.