Những tiết học về sự bền vững
Đan Mạch, một quốc gia xinh đẹp vùng Bắc Âu có hệ thống giáo dục thuộc tốp đầu thế giới, trong đó nhiều lớp học chú trọng các giáo trình thân thiện với môi trường và bền vững.
Chương trình lớp học ngoài trời hay trường học giữa thiên nhiên là mô hình giáo dục phổ biến ở Đan Mạch giúp các em học sinh, đặc biệt lứa tuổi mầm non và tiểu học phát triển trí não, tính cách, kỹ năng giao tiếp và khả năng tự giải quyết vấn đề từ khi còn nhỏ cũng như giúp các em yêu thiên nhiên hơn.
Với các chuyến đi trải nghiệm thực tế, các em học sinh tận mắt thấy những gì đã học trong sách vở, khuyến khích các em tham gia khám phá, sáng tạo và mở rộng kiến thức.
Những tiết học thực nghiệm như sửa xe đạp, làm bác nông dân, trồng cây, vào các khu rừng hay các địa điếm sinh thái để khám phá… rất bổ ích. Trong đó, các bài học về nông nghiệp đô thị như một hình thức giúp các em học sinh hiểu hơn về một khía cạnh của biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp đô thị không chỉ góp phần cung ứng lương thực mà góp thêm màu xanh tạo môi trường đô thị hài hòa thiên nhiên, góp sức ngăn chặn nhiệt độ đô thị nóng lên. Tính bền vững cũng là một giá trị quan trọng trong xã hội Đan Mạch.
Tại một ngôi trường xanh - The Green Free School ở Copenhagen của Đan Mạch, bên cạnh học đọc và viết, học khoa học, lịch sử và làm toán… hay tuân theo chương trình giảng dạy quốc gia, các em học sinh tiểu học cũng như trung học cơ sở được dạy về quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới sự phát triển bền vững.
Học sinh của trường được dạy cách làm vườn, tự trồng một số cây lương thực như rau sạch, tham gia các dự án tái chế, làm phân hữu cơ, thu gom nước mưa để tái sử dụng. Các em có thể vào khu vườn tự chọn loại nấm nào có thể ăn được, vẽ chúng ra giấy trước khi đem chúng vào bếp để học cách nấu súp nấm.
Những khóa học như vậy không cần bàn ghế, bảng đen và không có các bài kiểm tra. Phie Ambo, lãnh đạo nhà trường nói: “Việc kết hợp bài vở trên lớp với thực tế khiến các em học sinh không cảm thấy nhàm chán, giúp các em năng động hơn, hiểu hơn những gi đang diễn ra chung quanh các em”.
Yan - một học sinh 12 tuổi của trường cho biết: “Em hơi lo lắng về tương lai vì khủng hoảng khí hậu, nhưng em đã học được rất nhiều điều ở trường, biết làm những gì mình có thể để chung tay cùng các bạn bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất này”.
Trước đây, học sinh được học làm vườn hữu cơ nhưng giờ các em có thể học nhiều cách làm vườn khác nhau trong các ô thí nghiệm mà các em được hướng dẫn thiết kế, tất cả đều hướng tới tính bền vững. Yan cho biết thêm, các em đã có những chuyến dã ngoại về các bãi biển để học về các sinh vật biển… Các tiết học về thân thiện môi trường hay tính bền vững tại Đan Mạch sẽ truyền cảm hứng cho các tiết học tại nhiều quốc gia, đặc biệt những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu.
Cũng tại Đan Mạch, ngôi trường quốc tế Nordhavn được xem một trong những tòa nhà bền vững tiên tiến hàng đầu thế giới, được hoàn thành vào năm 2017. Ngôi trường rộng 25.000m2 và được bao phủ với 12.000 tấm pin năng lượng mặt trời, cung cấp hơn một nửa nhu cầu về điện năng cho trường. Trường cũng cho phép sinh viên theo dõi dữ liệu hay quá trình sản xuất năng lượng mặt trời.
Trong khi đó, Đan Mạch đã thông qua luật khí hậu, cam kết nước này sẽ giảm lượng khí thải CO2 xuống 70% dưới mức năm 1990 vào năm 2030. Nhiều năm qua, Copenhagen của Đan Mạch là một trong những thành phố xanh và đáng sống nhất thế giới.