Người mẹ Quảng Nam
Hướng tới kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ NSND Nguyễn Ngọc Quyền - nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa. Ông cho biết, vào 10 năm trước, đúng dịp kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam, ông đã sáng tác vở tuồng mang tên “Hai người mẹ”. Vở diễn được xây dựng dựa trên hình mẫu là mẹ Giang Thị Tơ ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam - người đã chở che, nuôi dưỡng nhiều chiến sĩ quân giải phóng bị thương.
Trong vở diễn, cả hai người mẹ Thanh Hóa và Quảng Nam đều hiện lên hiền hậu, giàu tình cảm và hết lòng vì cách mạng, vì dân vì nước. Nếu như người mẹ Thanh Hóa đã sinh ra anh chiến sĩ giải phóng tên Quân thì người mẹ Quảng Nam là người đã đùm bọc, cưu mang anh trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Kết thúc vở diễn, người chiến sĩ tên Quân đã hy sinh để lại nỗi đau cho cả hai người mẹ Thanh Hóa - Quảng Nam. Vượt lên nỗi đau tinh thần, hình ảnh hai người mẹ anh hùng hiện lên thật đẹp và đầy khâm phục.
Theo sự giới thiệu của NSND Nguyễn Ngọc Quyền, tôi đã được gặp gỡ với cựu chiến binh, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thỉnh - người lính xứ Thanh đã được mẹ Giang Thị Tơ đùm bọc khi bị thương trong kháng chiến chống Mỹ và nhận làm con nuôi.
Ông Thỉnh kể, mẹ Giang Thị Tơ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng xã Quế Phong, Quế Sơn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ chính là chỗ dựa tinh thần cho chồng hoạt động cách mạng. Ông Trương Chấn - người bạn đời của mẹ chính là cán bộ tiền khởi nghĩa, từng bị địch bắt và tù đày tại Côn Đảo suốt 7 năm trời. Những tháng năm xa chồng, một mình mẹ vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa nuôi dạy con thơ, gánh vác việc nhà. Là cán bộ phụ nữ xã, mẹ đã không quản nguy hiểm, khó khăn, vất vả nuôi dưỡng, che giấu nhiều chiến sĩ quân giải phóng bị thương trong hầm bí mật. Trong số đó có 5 người con đất Thanh Hóa. Sau đó, 4 người đã hy sinh và duy chỉ một người còn sống là Nguyễn Ngọc Thỉnh.
Cũng theo lời ông Thỉnh, quãng thời gian ở hầm bí mật, các chiến sĩ quân giải phóng đã được mẹ Tơ nhường cơm sẻ áo, nấu cháo, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ như chính con ruột của mình. “Lúc tôi bị vướng mìn thì được mẹ Tơ đưa xuống hầm. Mẹ chăm sóc cho tôi. Tôi đòi đi nhưng mẹ không cho đi. Sau khi bình phục tôi quay về đơn vị, mẹ dặn mẹ nhận tôi là con nuôi, sau này nhớ về thăm mẹ” - ông Thỉnh bồi hồi nhớ lại.
Sau khi trở về đơn vị, ổn định sức khỏe và công việc, ông Nguyễn Ngọc Thỉnh có quay trở về Quế Sơn tìm mẹ Giang Thị Tơ nhưng được tin mẹ chuyển đi nơi khác. Không nản lòng, ông lặn lội hỏi thăm, tìm tin tức về mẹ. “Trời không phụ người có công”, năm 1972 ông tìm được người mẹ đã nuôi dưỡng mình khi bị thương và chở che cho mình không bị rơi vào tay địch. Từ đó, ông xem mẹ Giang Thị Tơ là người mẹ thứ hai của mình.
Hòa bình lập lại, ông trở về quê Thanh Hóa nhưng vẫn giữ mối liên hệ thân thiết với gia đình mẹ Tơ và gia đình mẹ Tơ xem ông là thành viên trong gia đình. Mỗi khi có công việc lớn nhỏ, hai bên gia đình Thanh Hóa - Quảng Nam đều dành thời gian qua lại, thăm hỏi lẫn nhau như anh em ruột thịt.
“Mẹ tôi ở Thanh Hóa là người sinh ra tôi, nhưng khi vào chiến trường Quảng Nam mẹ Giang Thị Tơ là người che giấu tôi, cứu tôi khỏi bị rơi vào tay địch. Tôi xem mẹ Tơ là người mẹ thứ hai của mình. Còn đối với anh em trong gia đình mẹ Tơ, tôi luôn là người anh, người em tận tình, chu đáo” - ông Thỉnh thổ lộ.
Đại tá Trương Xuân Mai - con trai mẹ Giang Thị Tơ nói: “Gia đình chúng tôi luôn xem anh Thỉnh như anh em ruột thịt. Gia đình trong này có việc, vợ chồng anh Thỉnh đều vào. Còn gia đình ngoài Thanh Hóa có việc gì, chúng tôi cũng ra”.
Được biết, các con của mẹ Giang Thị Tơ đều có nhiều đóng góp cho Đảng, cho cách mạng và sự phát triển của quê hương đất nước. Con trai đầu của mẹ là thương binh Trương Xuân Hằng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Con trai thứ là Đại tá Trương Xuân Mai - nguyên Phó Chỉ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ và tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Con trai thứ ba là Đại tá Trương Xuân Lai - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông. Con gái út công tác trong ngành giáo dục và có chồng công tác trong ngành quân đội tỉnh Đắk Lắk.
Thời gian trôi qua, dẫu mẹ Giang Thị Tơ nay không còn nữa, nhưng hình ảnh của mẹ vẫn tỏa sáng trong lòng những người con Thanh - Quảng.