Khắc sâu tình nghĩa anh em
Hồi ấy, dù ở chiến trường xa xôi, thông tin không nhiều, lại cách trở, chúng tôi vẫn biết Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh được tổ chức vào ngày 12.3.1960 và ai nấy trong chúng tôi đều phấn khởi, bởi từ nay cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng có hậu phương lớn không chỉ là cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn có tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa.
Những ký ức về những cán bộ, chiến sĩ người Thanh Hóa vào công tác, chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, về tình cảm của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa dành cho chúng tôi trong các chuyến thăm tỉnh kết nghĩa khi ra miền Bắc học tập và chữa bệnh vẫn không phai nhòa trong chúng tôi.
Ân tình sâu nặng
Cuối năm 1961, không bao lâu sau khi hai tỉnh tổ chức Lễ kết nghĩa, trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi được ra miền Bắc để học tập lý luận chính trị tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và lần đầu tiên đến Thanh Hóa - quê hương của anh hùng Lê Lợi. Lần này, chúng tôi đi thăm Nông trường Sao Vàng, có anh Võ Tấn Bản, cán bộ người Quảng Nam tập kết ra miền Bắc, làm Bí thư Đảng ủy Nông trường.
Với kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất ở Nông trường, anh Bản về sau trở lại miền Nam là Ủy viên Ban sản xuất Khu 5 và sau khi miền Nam được giải phóng, anh làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Chúng tôi cũng được đi thăm nhà thờ Lê Lợi, thị xã Thanh Hóa và một số địa danh, di tích lịch sử - văn hóa khác. Sau chuyến thăm này một thời gian và hoàn thành chương trình lý luận chính trị, tôi trở lại chiến trường miền Nam.
Từ cuối năm 1964 sang năm 1965, khi quân Mỹ trực tiếp đổ quân vào miền Nam thì cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc được tăng cường cho miền Nam ngày một nhiều. Phần lớn số cán bộ lúc đó tăng cường trên các lĩnh vực quân sự, an ninh và lĩnh vực có yêu cầu cao về trình độ và kỹ thuật như cơ yếu, điện ảnh, giáo dục, y tế...
Đối với cán bộ lãnh đạo có anh Trịnh Đăng Bưởi - Tỉnh đội phó Thanh Hóa tăng cường làm Tỉnh đội phó Quảng Nam; sau đó có anh Nguyễn Xuân Na, tăng cường làm Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban sản xuất của tỉnh. Cả hai anh đều được bầu vào Tỉnh ủy Quảng Nam. Riêng lĩnh vực quân sự từ đầu năm 1969, Thanh Hóa tăng cường cho Quảng Nam, Quảng Đà một tiểu đoàn đặc công mang tên Lam Sơn, gồm 4 đại đội với 500 chiến sĩ, trong đó 3 đại đội ở Mặt trận Quảng Đà (Mặt trận 4), 1 đại đội tăng cường cho Quảng Nam.
Thời gian cán bộ, chiến sĩ người Thanh Hóa tăng cường cho Quảng Nam, Quảng Đà cũng là lúc chiến trường ngày một ác liệt, quân Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm tiêu diệt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh ngày một nhiều, điều kiện phục vụ chiến trường rất khó khăn.
Tuy vậy, vượt qua gian khổ, hy sinh, các cán bộ, chiến sĩ người Thanh Hóa đều công tác hăng say, chiến đấu quên mình vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa. Nhiều gương chiến đấu của con em miền Bắc nói chung, Thanh Hóa nói riêng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà, góp phần vào những chiến công chung của địa phương. Ngược lại, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà cũng dành cho cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc trong đó có con em Thanh Hóa tình cảm dạt dào; nhiều mẹ, nhiều chị nhận cán bộ, chiến sĩ làm con nuôi, tham gia cứu chữa số chiến sĩ bị thương.
Yêu thương ở lại
Từ cuối năm 1959, đầu năm 1960, phong trào cách mạng ở miền Nam chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh chính trị có đấu tranh vũ trang hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào tháng 1.1960 - Đại hội đầu tiên của Đảng bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng tôi đã nghe Trung ương chủ trương các tỉnh miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh miền Nam để hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; và cũng được biết tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa với tỉnh Quảng Nam. Lý do để Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam vì giữa hai tỉnh có nhiều nét tương đồng, Thanh Hóa là địa bàn có nhiều cán bộ, chiến sĩ người Quảng Nam ra tập kết.
Năm 1971, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, sức khỏe giảm sút, tôi được Khu ủy 5 cho ra miền Bắc chữa bệnh. Ở Hà Nội một thời gian, tôi được Tỉnh ủy Thanh Hóa cho người ra Hà Nội cùng một số anh em khác người Quảng Nam, như Nguyễn Hữu Phán (A), Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh), Huỳnh Trọng Dĩnh, Ngô Xuân Hạ... vào thăm Thanh Hóa.
Chúng tôi được đi thăm nhiều nơi, như huyện Nga Sơn, Công viên Thanh - Quảng, Thư viện Hội An và vào cả Nghệ An thăm quê Bác Hồ. Bộ phận giao tế, trực tiếp là anh Nguyễn Đình Luyện lo một cách chu đáo, tận tình. Thanh Hóa lúc này vừa trải qua nhiều năm bị không quân Mỹ đánh phá, hố bom còn nằm rải rác, nhất là dọc đường số 1, quanh các cây cầu quan trọng, nhất là cầu Hàm Rồng, đời sống nhân dân còn khó khăn nhưng tất cả những nơi tôi đến đều được cán bộ và nhân dân đón tiếp như những đứa con đi xa mới trở về.
Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa dành thời gian tiếp đoàn và hỏi thăm cặn kẽ tình hình chiến trường và không quên nắm bắt tinh thần công tác, chiến đấu của con em Thanh Hóa trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà. Đi đâu, chúng tôi cũng nhận thấy không khí vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa; nhiều công trình văn hóa, kinh tế mang tên Quảng Nam.
Năm 1972, tôi về lại chiến trường Quảng Đà, làm Bí thư Đặc khu ủy. Cuối năm 1974, sau chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, tình hình chiến trường miền Nam thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Bộ Chính trị quyết định triệu tập hội nghị mở rộng để bàn phương hướng giải phóng miền Nam.
Khu 5 có anh Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy và anh Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu được triệu tập đi dự hội nghị này. Tôi cùng các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Bí thư Tỉnh ủy Bình Định được đồng chí Võ Chí Công cho đi cùng ra miền Bắc.
Chuyến đi này do đường đi lại thuận lợi hơn trước và đi bằng ô tô nên chúng tôi đem theo 3 chiếc xe máy là chiến lợi phẩm trong chiến thắng Thượng Đức để làm quà. Ba chiếc xe máy này, chúng tôi tặng cho tỉnh Thanh Hóa một chiếc, thành phố Hải Phòng một chiếc và chiếc còn lại tặng cho đồng chí Mười Khôi (Phạm Tứ), nguyên Bí thư Tỉnh ủy đang công tác ở Hà Nội.
Cũng chuyến đi này, chúng tôi đã bàn đưa một số cán bộ, con em người Quảng Nam đang công tác, học tập ở miền Bắc vào Thanh Hóa để học tập kinh nghiệm tổ chức và quản lý hợp tác xã (HTX) để sau này có thể vận dụng vào Quảng Nam khi quê hương được giải phóng. Tiếc là ý định này chưa thực hiện được.
Sau khi tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng được giải phóng, chúng tôi còn đi thăm Thanh Hóa một lần nữa, trong đó có thăm HTX Định Công, một điển hình về phong trào xây dựng HTX nông nghiệp của miền Bắc. Phương thức tổ chức, quản lý và hiệu quả sản xuất của HTX Định Công được chúng tôi nghiên cứu, vận dụng trong quá trình vận động xây dựng HTX nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1977.
Thời gian lặng lẽ trôi, nhiều đồng chí còn sống, nhiều đồng chí đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tình cảm Thanh Hóa - Quảng Nam vẫn trường tồn. Tôi mong rằng hai tỉnh cần phát huy truyền thống kết nghĩa đó, nâng cao hiệu quả quan hệ trên các mặt để góp phần xây dựng kinh tế - xã hội mỗi tỉnh ngày một phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
(Lược ghi theo lời kể của ông Trần Thận, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà)