Từ Hội An đến… Hội An
Những giá trị mới tạo ra từ sự kết nối, lan tỏa tình đoàn kết giữa hai địa phương Quảng Nam - Thanh Hóa sau chặng đường dài 60 năm kết nghĩa đã và đang củng cố thêm nhiều niềm tin. Không dừng lại ở những chủ trương, nhiều tín hiệu tích cực đã cho thấy sự liên lạc, giao lưu và tiếp biến từ những gắn bó ấy, mà dễ thấy nhất, là ở ngành du lịch.
Dấu Quảng ở xứ Thanh
Có một “Hội An” thu nhỏ nằm giữa lòng TP.Thanh Hóa, mà ngay cả cái tên thôi, nghe chừng cũng đã đủ sức gợi lên nhiều điều. Trụ gốm phù điêu nghệ thuật Thanh Hà, một phiên bản Chùa Cầu với tỷ lệ 75% và hàng loạt hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… được tổ chức suốt nhiều năm qua minh chứng sinh động cho sự hiện hữu của những “giá trị Quảng Nam” tại miền đất Thanh Hóa anh em.
Chưa ai thử làm một phép thống kê cụ thể cho số du khách đến và đi mỗi lần giao lưu, cũng không thể quy đổi thành giá trị kinh tế khi tinh thần của những cuộc hội vẫn là quảng bá, giới thiệu và kết nối nghĩa tình, nhưng khó có thể phủ nhận được sức hút của xứ Quảng với người dân Thanh Hóa và cả những du khách có dịp ghé chân.
Trong chuyến thăm Thanh Hóa trước thềm kỷ niệm 60 năm hai tỉnh kết nghĩa, chúng tôi ghé đến nhiều nơi, từ thành thị đến vùng ven biển, ngược lên cả vùng cao, đã luôn được đón chào bằng cái bắt tay và nụ cười hồn hậu sau khi giới thiệu mình là con dân Quảng, người đến từ miền đất kết nghĩa anh em với xứ Thanh. Rất nhiều trong số họ biết đến và đã trực tiếp ghé thăm công viên Hội An, thưởng thức và thích thú với điệu bài chòi đặc giọng Quảng vang lên giữa miền đất “bốn vua hai chúa”.
Họ gọi tên Chùa Cầu, Mỹ Sơn, đầy đủ hai di sản văn hóa thế giới và cả những cái tên khá mới mẻ trên bản đồ du lịch của Quảng Nam như làng bích họa Tam Thanh, hồ Phú Ninh hay Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng… Điều này hẳn cũng là một trong nhiều kết quả đáng ghi nhận suốt hành trình sẻ chia, cùng nhau quảng bá những giá trị văn hóa, du lịch đến đông đảo những người dân của hai tỉnh.
“Hội An năm nào cũng mang nhiều giá trị tinh thần, văn hóa đậm đà bản sắc đến với người dân và du khách của thành phố chúng tôi. Từ những giá trị tinh thần truyền thống, đến các sản phẩm vật thể như gốm Thanh Hà, đèn lồng đều làm người dân khá say mê, nhất là văn hóa ẩm thực độc đáo của phố Hội. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, các làn điệu dân ca, ẩm thực, những thứ “thuộc về Thanh Hóa” sẽ sớm có mặt, tạo được sự lan tỏa nhất định với người dân và du khách trong Tuần lễ văn hóa Thanh Hóa tại Hội An”.
(Phó Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga)
Gần đây nhất, những hình ảnh tái hiện khung cảnh đặc trưng của Hội An một lần nữa xuất hiện tại TP.Thanh Hóa trong tuần lễ văn hóa giữa hai địa phương tổ chức vào cuối tháng 2.2019. Các không gian văn hóa, ẩm thực của hai thành phố với bài chòi, hò khoan, làm gốm truyền thống, làm lồng đèn đến nhiều trò chơi dân gian Bắc Trung Bộ, các món ăn đặc sắc xứ Thanh như nem chua, chả tôm, cháo lươn, bánh cuốn… đã cùng mang đến khá nhiều phong vị vừa lạ, vừa quen, vừa gần gũi, vừa tươi mới.
Mà đâu chỉ có công viên Hội An. Vẫn còn một công viên khác, mang cái tên cũng gần gũi không kém: công viên Thanh - Quảng nằm ngay giữa lòng thành phố. Một người bạn đồng nghiệp ở xứ Thanh nói, có thể thấy rõ sắc màu hấp dẫn của một miền đất qua lượng người chen chúc những gian hàng ẩm thực, hoặc không gian trải nghiệm bài chòi, gốm truyền thống, vốn có diện tích khá khiêm tốn trong quy mô một cuộc giao lưu. Đông khách, mọi người vui, ấn tượng và trở lại. Ngay cả chính quyền thành phố cũng sớm nhìn rõ tiềm năng từ mối quan hệ bền chặt ấy.
Phó Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa - bà Phạm Thị Việt Nga cho hay, chỉ nói riêng ở TP.Thanh Hóa và TP.Hội An, đã có hàng loạt công trình ghi dấu ấn của nhau trong lòng hai thành phố. Mà cái “được nhất”, là hoạt động của Tuần lễ văn hóa Hội An được xây dựng và duy trì từ nhiều năm nay ở xứ Thanh.
Kỳ vọng sự đồng hành
Trong chuyến thăm Thanh Hóa trước thềm kỷ niệm 60 năm hai tỉnh kết nghĩa, chúng tôi ghé đến nhiều nơi, từ thành thị đến vùng ven biển, ngược lên cả vùng cao, đã luôn được đón chào bằng cái bắt tay và nụ cười hồn hậu sau khi giới thiệu mình là con dân Quảng, người đến từ miền đất kết nghĩa anh em với xứ Thanh.
Tháng 9.2017, lần đầu tiên một “cuộc gặp” chính thức giữa ngành du lịch của 3 địa phương gồm Quảng Nam, Thanh Hóa và Đà Nẵng được tổ chức, với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp du lịch trọng điểm. Sau chặng đường dài song hành với nhau về nhiều mặt, cái bắt tay của ngành du lịch ghi dấu những tính toán dài hơi hơn giữa Quảng Nam và Thanh Hóa, mở rộng ra cả Đà Nẵng. Nhiều ý kiến tham gia góp ý, bàn giải pháp kết nối, và một biên bản ký kết cụ thể của 3 địa phương đã mở ra cánh cửa với kỳ vọng đánh thức tiềm năng du lịch mới của mỗi vùng dựa trên sự đồng hành.
Bà Vương Thị Hải Yến - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho hay, nếu như Quảng Nam có Hội An, Mỹ Sơn là điểm nhấn, thì Thanh Hóa có thành nhà Hồ, có Lam Kinh, nhiều di tích quốc gia đặc biệt cũng như 1.523 di tích khác trên toàn tỉnh. Thanh Hóa có 102km bờ biển, đang là lợi thế lớn về du lịch ở miền Bắc, song nếu đặt vào mối tương quan, việc phát huy tiềm năng vẫn đang ở mức khá khiêm tốn, khi “mùa du lịch” ở Thanh Hóa hầu như chỉ kéo dài trong 3 tháng hè, và chưa hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chuyên nghiệp như ở Quảng Nam.
Kết quả từ cuộc gặp gỡ ấy đã mở đường cho nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường quảng bá du lịch cho từng vùng. Hàng loạt dự án tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa, du lịch đã được xúc tiến ở cả hai phía.
Ngành du lịch của Thanh Hóa và Quảng Nam sát cánh, đồng hành hơn trong những công việc mang tính chuyên môn. Quan trọng nhất, là các mối liên kết của doanh nghiệp lữ hành, du lịch đã được xúc tiến, là cơ sở để hình thành những chính sách kinh doanh riêng giữa hai địa phương để kích cầu du lịch - dịch vụ.
Một cách nói vui của ngành du lịch xứ Thanh, là bất cứ sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nào của Quảng Nam, đoàn Thanh Hóa lại rục rịch chuẩn bị, sẵn sàng vào Nam đúng tinh thần “nhà anh em có việc, ta phải vào thôi”.
Tổng cục Du lịch đã có những hội thảo về việc sẽ có cung đường di sản xuyên qua các địa phương, tuy nhiên vẫn chưa có sản phẩm du lịch cụ thể khi chưa thể huy động nguồn lực để làm tốt hơn các điểm đến, thu hút được khách. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp của Quảng Nam và Thanh Hóa đã rất chủ động, căn cứ vào nhu cầu, phù hợp với tâm lý của khách du lịch để tạo ra chương trình, lựa chọn những trọng điểm của từng tỉnh để hình thành tour, tuyến cho mình.
“Chúng tôi nhìn thấy được những nét tương đồng, học tập được nhiều cách làm hay từ du lịch cộng đồng, từ tổ chức hình thành các tour, tuyến mới dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Hiệu quả của việc hợp tác đang tốt hơn, và có thể nói, sự quan tâm cũng nhiều hơn bằng rất nhiều căn cứ, đường hướng, hoạt động bên lề mà chúng tôi đã và đang tính đến” - bà Hải Yến cho hay.
Du lịch cần những nét khác biệt để tạo nên nét hấp dẫn. Giữa những tương đồng, cả Thanh Hóa và Quảng Nam vẫn đang miệt mài tìm kiếm những giá trị riêng, cộng hưởng và lan tỏa trên tinh thần đoàn kết anh em. Từ một “Hội An” giữa lòng Thanh Hóa, đến Hội An của Quảng Nam, những cái riêng đang “chung” vào nhau, bằng nhiều hơn những kỳ vọng…