Nghe tiếng đồng xứ Thanh…
Bữa nọ, tôi ngang qua làng Chè - Trà Đông hay Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Trong hơi nắng buổi sớm là xen lẫn mùi đồng, mùi đất giữa hàng trăm sản phẩm đang chờ khâu làm nguội trong một xưởng đúc. Mùi lửa từ lò than đúc tượng Phật Thích Ca từ ba ngày trước vẫn còn hừng hực hơi nóng, dậy lên cơn nhớ cũng mùi lửa ở làng đúc Phước Kiều.
Trong 7 làng nghề đúc đồng được xếp loại cổ nhất hiện nay của xứ mình, từ Ngũ Xã (Hà Nội), Đại Bái (Bắc Ninh), Phường Đúc (Huế), Chè Đông (Thanh Hóa), Phước Kiều (Quảng Nam), Tống Xá (Nam Định) đến Diên Khánh (Nha Trang), thì làng đúc Phước Kiều và Chè Đông tơ vương nhiều hơn cả.
Về làng
Lần giở sử xưa. Năm 1614, chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho mở xưởng đúc tại phường Phước Kiều, phía tây dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam) để chế tạo súng đạn. Danh xưng đầy đủ khi ấy là Chú tượng Phước Kiều phường. Cùng với chế tạo vũ khí, làng còn đúc các mặt hàng như chuông đồng, thanh la, chiêng, lư đèn... Gia phả tiền hiền họ Dương ở làng đúc Phước Kiều vẫn còn ghi là người từ Thanh Hóa trên đường di cư mang vào.
Xưa phường đúc làng Chè có câu: “Đất họ Lê, nghề họ Vũ”. Nay ở làng Chè, đã rất nhiều họ làm nghề đúc đồng, không riêng chi họ Vũ như câu cửa miệng người xưa.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (SN 1962, làng Chè Đông) cho chúng tôi xem qua sản phẩm dương bản, hoặc sản phẩm lỗi, sản phẩm mẫu xếp đầy trong xưởng. Không khó để hình dung công đoạn làm khuôn âm bản và làm cốt. Cốt của làng đúc Chè Đông khác một chút Phước Kiều ở chỗ cốt ở đây có trộn thêm trấu vào đất sét nhưng khuôn đất sét cũng phải qua nhiều công đoạn từ nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn... Tùy sản phẩm mà làm khuôn sống hoặc khuôn bền. Cũng tùy sản phẩm, thợ đúc áp dụng các kỹ thuật khác nhau trong việc nung khuôn, nấu kim loại, rót khuôn và ra khuôn.
Tôi đặc biệt chú ý đến 3 bức tượng đang chờ làm nguội. Đó là phác họa những nông dân bị áp bức dưới thời Pháp thuộc. Là đồng, mà thợ có thể khắc họa đến cả lằn roi trên da thịt, mảnh áo rách tả tơi, động tác khom lưng quỳ gối chân xác đến từng chi tiết. Dường như, bất kỳ một sản phẩm nào cũng có cả kho tàng kỹ nghệ khi thợ đổ đồng trên lửa. Tựa hồ một nghi thức thiêng. Nghệ nhân Nguyễn Bá Quý (SN 1987) là con trai của nghệ nhân Nguyễn Bá Châu và cũng là nghệ nhân trẻ nhất làng nói, bộ tượng này làm theo đơn đặt hàng của một người Pháp. Từ mắt tượng, tôi như nghe lời thì thầm của quá khứ trong từng mảnh khuôn vỡ.
Bá Quý nói rằng, Phước Kiều có trong bản đồ làng đúc mà anh muốn đặt chân đến một lần, nhưng chưa có cơ hội. Anh là lớp hậu duệ của làng, tiếp cận công nghệ, biết cách quản trị và học hỏi cả cách của các CEO, tiếp thị và đưa sản phẩm của làng đi xa hơn ranh giới bản đồ xứ Thanh, chứ không chỉ quanh quẩn phía trong cổng làng. Và đó cũng là cách mà những lớp nghệ nhân làng đúc bắt nhịp hơi thở của thị trường hiện đại, tạo ra sản phẩm trang trí, cùng với những chiêng trống lư đèn, để có thể sống được với nghề.
Nghệ thuật thẩm âm
Mấy trăm năm xưa, tiếng trống tiếng chiêng xứ Thanh, vượt đèo Ngang, vượt Hải Vân quan, theo dấu lưu dân vừa thúc giục vừa chùng xuống neo vào mỗi gốc tre, mỗi đám ruộng, mỗi bản làng. Và đọng lại tiếng đồng nặng hình xứ sở trên đất chưa mưa đà thấm.
Nghệ nhân Lê Văn Bảy (SN 1966) nói, làng Chè Đông cũng như làng Phước Kiều mà ông từng cơ duyên hạnh ngộ các nghệ nhân, rằng, người thẩm âm chuẩn không nhiều đâu. Thợ cả, thợ chuyên nghề đúc trống đúc chiêng, có khi cũng không thể tự mình lấy được âm chuẩn. Trong các đơn đặt hàng của mình, ông nhớ nhất hồi đúc trống cho làng trên rẻo cao của Hà Giang. Những chiếc trống của đồng bào qua mấy chục năm bị rách, họ muốn có trống mới nhưng âm không được sai lệch so với trống cũ. Sau nhiều tháng ròng vất vả, với tài hoa anh em làng nghề và hơn một chút may mắn, chiếc trống đồng mới đáp ứng đúng yêu cầu của đồng bào.
Câu chuyện của ông Bảy khiến tôi nhớ nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân từng mô tả cách một người thợ thẩm âm. “Anh đứng xoạc hai chân, lùi dần, tay thọc choãi vào trong hai túi áo, lắng nghe như một nhà chân tu lắng nghe tiếng chuông chùa, như một tội nhân lắng nghe tiếng sinh hoạt bên ngoài lao xá, như một kẻ đói lắng nghe tiếng rao hàng. Hình như anh không chỉ lắng nghe tiếng chuông bên ngoài mà còn nghe vọng tiếng chuông trong tâm hồn anh, đôi mắt anh mang nặng một màu sắc rừng rú rất khó tả mà đôi môi thì rung rung như đang muốn phát ra những âm thanh nào tương ứng... Đó là vẻ lạ lùng trang trọng thành kính mà tài hoa phát ra từ đôi mắt chăm chú của anh”.
Tôi có người bạn làm nghề ở Phước Kiều. Chẳng biết bạn có nói quá lên không, rằng để có thể lấy tiếng cho chiêng, thanh la, ngoài khả năng thẩm âm, người thợ cần phải có tố chất của một nghệ sĩ và cả một nhà khoa học. Bạn xếp chiêng theo hàng rồi bảo muốn nghe hòa âm theo cung nào cũng được và đều phụ thuộc vào người chỉnh chiêng. Chiêng có rất nhiều cung âm. Đặc biệt với đồng bào các vùng núi, mỗi tộc người sẽ có một cách chuộng cung âm khác nhau. Nên, chuyện thẩm âm, lấy tiếng cho chiêng là việc vô cùng khó.
Tiếng đồng ở lại
Nghệ nhân Lê Văn Bảy từng vài lần đi Quảng Nam, giao lưu với các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều, đôi lần mang sản phẩm của Chè Đông trưng bày, thi thố với các làng nghề đúc đồng trên cả nước. Ông chắc nịch, chiêng thì không đâu qua Phước Kiều, trống thì không đâu nổi Chè Đông. Những thạp đồng, ly, đỉnh, hạc, rùa, các đồ thờ bằng đồng khác và hàng trăm loại sản phẩm kể cả đồ lưu niệm thì đâu cũng giống nhau, hơn nhau ở độ tinh xảo hay độ giả cổ (kỹ xảo đánh đồng) thôi, nhưng để ghi tên ở “bảng vàng” thì phải kể đến chiêng và trống đồng là vậy. Đó là bởi âm thanh của hai sản phẩm này. Vạt mỏng một tí đồng trên sản phẩm khi làm nguội hay kỹ thuật pha đồng lúc làm nóng tựa hồ cũng khó như thuật luyện kim sẽ quyết định tiếng đồng ở lại với nhân gian.
Chiếc trống phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, đánh dấu bước ngoặc trở lại thời vang bóng của phường thợ đúc đồng Chè Đông, mà nghệ nhân Nguyễn Bá Châu là người góp công không nhỏ vào đó. Mày mò, nghiên cứu. Cả tập sách dày cộm hình mặt trống đồng ở các bảo tàng ông sưu tầm, chụp lại. Tọ mọ từng chút. Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã đúc thành công phiên bản trống đồng Đông Sơn sau bao nhiêu năm thất truyền. Theo ông Châu, đồng nhiều hay ít, phụ gia ra sao, tất nhiên cũng sẽ quyết định tiếng kêu của trống. Khuôn không chuẩn hoặc bị nong hoặc bị vênh sẽ vừa tốn nguyên liệu, vừa không tạo ra âm thanh trầm đục, không vang.
Ông Nguyễn Bá Châu thu nắm tay, vỗ vào mặt trống, tiếng đồng như ở cõi xa vọng về, dội lên từ lồng ngực. Tôi ngẩn ra một lúc để xác tín với mình rằng tiếng đồng phát ra từ đấy, to nhỏ vang vọng thế nào hẳn không hề phụ thuộc vào dùi to hay sức vóc trai tráng. Từng li ti âm loang ra từ bề mặt với những hoa văn tinh xảo đó, tay chạm mỗi vị trí, sẽ cho thanh âm khác hẳn nhau. Tự tôi ngẩn ra, vì cũng đã đôi lần lắng nghe tiếng chiêng ở Phước Kiều, cảm đấy mà không giải thích rõ ràng được.
Và bây giờ, tiếng đập chan chát, tiếng nạo soàn soạt - những âm thanh đặc trưng chỉ dấu nhận biết làng đúc đồng vọng lại từ phía trong các nhà xưởng, theo tôi xuôi về Nam…