Ghi ở một ngôi trường
Đến Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khách sẽ ngạc nhiên về cách giáo dục truyền thống ở đây.
Cuốn vở phát cho học sinh của trường nhiều năm nay đã được in riêng. Trang trước là quang cảnh chung ngôi trường với hàng chữ nổi bật: “Công trình Đảng bộ và nhân dân huyện Điện Bàn tặng”. Trang bìa sau là tiểu sử cuộc đời oanh liệt của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trỗi. Cuốn vở đã trở thành động lực và “Sống như anh” thực sự là hành động ở mái trường này. Đó là thi đua “dạy tốt, học tốt”, luôn nằm trong tốp dẫn đầu của huyện.
Theo thầy Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng nhà trường, hàng tuần trong buổi chào cờ, Ban giám hiệu đều giáo dục cho học sinh lòng tự hào về người liệt sĩ với 9 phút làm nên lịch sử. Nhiều hoạt động sôi nổi giữa thầy cô và học sinh với tuổi trẻ huyện Điện Bàn và sau này là thị xã Điện Bàn đã được diễn ra ngay trên sân trường này như mít tinh, giao lưu..., đọng lại bao ấn tượng đẹp trong lòng mỗi thầy cô, học sinh.
Mới đây nhất, trường tổ chức thi tìm hiểu về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tạo hiệu quả giáo dục rõ rệt. “Chúng tôi được biết là hài cốt người anh hùng hiện ở nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh nhưng nơi thờ tự chính vẫn là nhà anh ở thôn Thanh Quýt, Điện Thắng, nơi anh sinh ra. Nhà trường rất muốn dành phần thưởng là chuyến đi vào Điện Bàn cho các giáo viên và học sinh có nhiều nỗ lực trong dạy và học, tuy nhiên chưa thực hiện được do kinh phí” - thầy Hà nói.
Ông Đoàn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ chia sẻ, từ khi được Điện Bàn xây tặng ngôi Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi vào năm 2010, nguyện vọng của nhà trường cũng như tâm tư của lãnh đạo địa phương là có phòng truyền thống rộng rãi để học sinh được giáo dục trực quan sinh động về quê hương Hoằng Hóa và xã Hoằng Quỳ cùng địa phương kết nghĩa Điện Bàn. Sau nhiều trăn trở, UBND xã đã quyết định chi 1 tỷ đồng đầu tư cho trường quét vôi, sửa chữa một số hạng mục, láng lại sân trường, đường đi, nâng cấp tường rào cổng ngõ và đặc biệt là xây dựng phòng truyền thống nhà trường với diện tích 70m2.
“Ngoài hiện vật của địa phương, chúng tôi cũng khuyến khích trường sưu tầm, trưng bày phong phú hình ảnh hiện vật về cuộc đời anh Nguyễn Văn Trỗi. Việc này cùng với nỗ lực của các thầy cô thì trông cậy vào sự giúp đỡ của Thị đoàn Điện Bàn. Bởi Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong khuôn viên Nghĩa trang thị xã Điện Bàn có nhiều kỷ vật về cuộc đời anh khi đã được xây dựng từ lâu” - ông Cảnh nói.