Cổ vũ ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ

PHAN PHƯỚC 12/03/2020 10:30

Dù đến tháng 4.2020 cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong phụ nữ” lần thứ II do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Thăng Bình tổ chức mới kết thúc thời hạn nhận hồ sơ, nhưng đến nay hầu hết các xã đã nộp mô hình và ý tưởng để dự thi với chất lượng rất cao, đáp ứng kỳ vọng.

Chị Lê Thị Hoàng và các sản phẩm khởi nghiệp từ tinh dầu sả chanh. Ảnh: PHAN VINH
Chị Lê Thị Hoàng và các sản phẩm khởi nghiệp từ tinh dầu sả chanh. Ảnh: PHAN VINH

Có đầu tư, tính toán

Với ý tưởng sản xuất tinh dầu sả chanh và dung dịch sả chanh hòa tan, chị Lê Thị Hoàng (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) còn trăn trở làm sao để khi triển khai mô hình khởi nghiệp này sẽ đủ sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm đang có trên thị trường. Từ đó, chị dành thời gian đi tìm hiểu nhiều mô hình tương tự ở khắp nơi và quyết định đầu tư sản xuất.

Với nghề gia truyền là sản xuất cao chè vằng, có sẵn các thiết bị lò nấu và chưng cất, chị thử nghiệm mua 300kg sả chanh từ người dân trong vùng với giá 3 triệu đồng, sau khi chưng cất, chị thu được 0,5 lít tinh dầu sả chanh nguyên chất 100% và 20 lít dung dịch sả chanh hòa tan.

Với tinh dầu sả chanh, chị cho ra nhiều dạng để treo xe hoặc dùng cho máy khuếch tán tinh dầu. Trung bình các sản phẩm này có giá 80 nghìn đồng/10ml tinh dầu. Còn dung dịch sả chanh hòa tan, chị Hoàng phối chế với nhiều hợp chất khác để sản xuất các loại nước rửa chén, nước lau sàn, nước xịt phòng, nước xịt kính, dung dịch sát khuẩn… với mức giá trung bình 40 nghìn đồng/lít dung dịch.

Theo chị Hoàng, với công suất dự kiến ít nhất mỗi ngày chưng cất 100kg sả chanh, tương đương mỗi tháng 3 tấn nguyên liệu (chi phí khoảng 30 triệu đồng) sẽ sản xuất được 5 lít tinh dầu và 200 lít dung dịch hòa tan.

Theo mức giá hiện nay 5 lít tinh dầu cho doanh thu khoảng 45 triệu đồng; riêng 200 lít dung dịch hòa tan cho doanh thu khoảng 8 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, vận chuyển, hoa hồng đại lý và đầu tư cho nhãn mác, bao bì, truyền thông, marketing, khuyến mãi, tri ân khách hàng, tính ra mỗi tháng chị thu lãi ròng 18 triệu đồng.

“Như vậy, một năm, mô hình khởi nghiệp này sẽ cho lợi nhuận khoảng 216 triệu đồng, giải quyết nhiều lao động địa phương. Nhưng điều mà tôi tâm huyết khi xây dựng mô hình này là tạo ra những sản phẩm thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và phục vụ tốt cho phụ nữ trong công việc gia đình hằng ngày, bởi công dụng của tinh dầu sả chanh còn có tính dược, là bài thuốc dân gian của ông bà ta xưa nay” - chị Hoàng nói.

Nhiều mô hình chất lượng

Chị Hoàng đã gửi hồ sơ về mô hình khởi nghiệp với tinh dầu sả chanh của mình đến cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong phụ nữ” lần thứ II do Hội LHPN huyện Thăng Bình tổ chức. Ngoài mô hình này, hiện Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 20 hồ sơ của 19 địa phương trong toàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Pho - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình đánh giá, đa số hồ sơ gửi dự thi có sự đầu tư kỹ lưỡng và chất lượng. Ngoài mô hình khởi nghiệp với tinh dầu sả chanh, phải kể đến mô hình phát triển và thương mại hóa cây cà gai leo, giải quyết nhiều lao động nữ xã Bình Định Nam. Hay mô hình đầy tính sáng tạo như “Heo đất thạch cao” của phụ nữ xã Bình Trị.

Đặc biệt, vươn ra ngoài lĩnh vực sản xuất còn có ý tưởng khởi nghiệp dịch vụ homestay đi kèm dạy tiếng Anh của phụ nữ xã Bình Đào. Các mô hình đều từ những suy nghĩ, ý tưởng dung dị nhưng mang tính hiệu quả cao của phụ nữ.

Cũng theo bà Pho, cuộc thi được phát động cuối năm 2019, nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Thăng Bình, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các sáng kiến, ý tưởng kinh doanh, thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp, chiến lược về bình đẳng giới trên địa bàn huyện. Đồng thời thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức cơ bản về khởi nghiệp.

“Giá trị giải thưởng của cuộc thi có thể không nhiều, nhưng qua đó, chúng tôi có cơ sở để đề xuất các ban ngành quan tâm hơn, hỗ trợ nhiều nguồn lực về khuyến công, khuyến nông, chính sách đăng ký thương hiệu, bản quyền,… cho những ý tưởng, mô hình được đánh giá cao. Ngoài ra, còn giúp chị em phụ nữ tiếp cận được những nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, tạo điều kiện để những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp được kết nối với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh và toàn quốc, thông qua việc hỗ trợ tham dự các chương trình, hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tổ chức hằng năm” - bà Pho nói.

PHAN PHƯỚC