Thanh Hóa - Quảng Nam, 60 năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình sâu nặng
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng đối với cả nước, cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ; địa hình đa dạng, có đồng bằng, núi cao, biển rộng, sông dài, với diện tích tự nhiên trên 11.120 km2, đứng thứ 5 cả nước; là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, nơi sinh sống quần tụ lâu đời, hòa thuận của 7 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với tổng số dân trên 3,64 triệu người, đứng thứ 3 cả nước. Danh xưng “Thanh Hóa” có từ năm 1029 - năm Thiên Thành thứ 2, đời vua Lý Thái Tông, đến nay đã 991 năm. Thanh Hóa có 24 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, với 559 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 27 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 5 đảng bộ trực thuộc, với gần 229 nghìn đảng viên, đứng thứ 2 cả nước.
1. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa và Quảng Nam đều là vùng đất “phên dậu” của đất nước, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Ở Quảng Nam, nhiều dòng họ có nguồn gốc từ Thanh Hóa di cư trong nhiều thế kỷ trước và quá trình mở cõi về phương Nam của ông cha ta, nhất là ở thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn. Đây có lẽ là một trong những yếu tố, nguồn cội quan trọng góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó keo sơn, ruột thịt giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam suốt 60 năm qua. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, các thế hệ người dân Thanh Hóa và Quảng Nam luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Ngược dòng lịch sử, ngày 1.9.1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ xâm lược và thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Kế thừa truyền thống anh hùng bất khuất của quê hương, với lòng yêu nước nồng nàn, không cam chịu nỗi nhục mất nước, ngay từ giữa thế kỷ XIX, hưởng ứng các phong trào: Cần Vương, Đông Du, Duy Tân,… lớp lớp các sĩ phu và người dân yêu nước quê hương Thanh Hóa đã đứng lên anh dũng chiến đấu đánh đuổi giặc Pháp. Mặc dù các phong trào trên đều không giành được thắng lợi do không có đường lối đúng đắn, nhưng tinh thần cách mạng và ý chí ngoan cường của nhân dân Thanh Hóa đã góp phần cùng dân tộc đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo nền quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930, sau đó là Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 29.7.1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và đã đi đến thắng lợi, mà cao trào là ngày 24.7.1945, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thắng lợi tại huyện Hoằng Hóa (một trong những huyện đầu tiên của cả nước giành được chính quyền trước ngày tổng khởi nghĩa), góp phần đẩy nhanh cao trào cách mạng, tiến đến giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ngày 20.2.1947, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa rất vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và giao nhiệm vụ xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu”, đảm nhiệm vai trò hậu phương của cuộc kháng chiến trường kỳ. Theo lời dạy của Bác, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Thanh Hóa vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tham gia tiếp lương, tải đạn cho tiền tuyến, góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, để rồi được Bác Hồ trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (năm 1957) đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954), Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết ngày 21.7.1954, nhưng kẻ thù đã phá bỏ việc thi hành Hiệp định, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc, trong đó có Thanh Hóa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam, trong đó có Quảng Nam tiếp tục công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các tỉnh, thành ở miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh, thành ở miền Nam nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để cổ vũ, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
2. Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 12.3.1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP.Thanh Hóa), Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban Thống nhất Trung ương, Đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Nam, cùng hàng vạn chiến sĩ, đồng bào Thanh Hóa, đã trọng thể tổ chức Lễ kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Sau hai tỉnh, các huyện, thị xã của hai tỉnh cũng lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa: Thị xã Thanh Hóa với thị xã Hội An, Tĩnh Gia - Đại Lộc, Hoằng Hóa - Điện Bàn, Đông Sơn - Thăng Bình, Quảng Xương - Hòa Vang, Thọ Xuân - Quế Sơn, Triệu Sơn - Tam Kỳ, Nông Cống - Duy Xuyên, Nga Sơn - Tiên Phước. Có thể nói: Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là minh chứng hùng hồn cho tình đoàn kết Bắc - Nam một nhà, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; vừa tạo ra sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn, cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh cùng nhau thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Ngay sau Lễ kết nghĩa, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát động nhiều chiến dịch, nhiều phong trào thi đua yêu nước, động viên, cổ vũ nhân dân trong toàn tỉnh tham gia sôi nổi với tinh thần tất cả vì Quảng Nam kết nghĩa, như: Tại Chỉ thị số 75-TV/TU ngày 1.12.1960, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định mở một phong trào: Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam thành một phong trào đấu tranh thống nhất sâu sắc và liên tục, hay tại Nghị quyết số 57-NQ/TU ngày 7.12.1960, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phát động trong toàn tỉnh chiến dịch “Đông Xuân - Điện Biên - Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng”.
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu, vừa thường xuyên dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng bào Quảng Nam anh em nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung. Mỗi chiến công hay kể cả sự hy sinh, mất mát của quân và dân Quảng Nam đều trở thành ý chí và động lực tinh thần to lớn để quân và dân Thanh Hóa thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên mọi mặt trận. Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam anh em, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã làm tròn trách nhiệm của “hậu phương lớn”, huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến; hàng vạn người con thân yêu của quê hương Thanh Hóa đã lên đường nhập ngũ, nhiều người đã anh dũng hy sinh, hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó, đối với tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, Thanh Hóa đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị giải phóng quân địa phương; có những thời điểm, 1/2 số quân của các đơn vị làm nhiệm vụ trên chiến trường Quảng Nam (Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Bệnh xá 78,…) là con em Thanh Hóa. Trong những đoàn quân trùng điệp ấy, có Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn (sau này vào chiến trường được đổi tên là Tiểu đoàn 91), được Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thành lập, huấn luyện để tăng cường cho chiến trường Quảng Nam. Đây là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, được mệnh danh là “Quả đấm thép” của Thanh Hóa trên đất Quảng Nam. Trên chiến trường, Tiểu đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm; chiến đấu hàng trăm trận lớn, nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, ngụy, phá hủy nhiều máy bay, xe tăng, vũ khí của địch; lập nên nhiều chiến công vang dội trên khắp các mặt trận: Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn…, làm kẻ thù khiếp sợ. Những chiến công oanh liệt ở chiến trường Quảng Nam đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà, thu non sông về một mối. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ quê hương Thanh Hóa anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương Quảng Nam kết nghĩa (đến nay, mới chỉ xác định được danh tính của 1.359 liệt sĩ).
Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, thực hiện sáng tạo và linh hoạt phương châm “2 chân, ba mũi giáp công”, “3 bám”, lập nên những chiến công oanh liệt ở khắp các mặt trận, đặc biệt là chiến thắng Núi Thành, sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng,... Từ đó từng bước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy; được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
3. Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam cùng nhân dân cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Trong giai đoạn ấy, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh vẫn tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện tình đồng chí, anh em gắn bó keo sơn, thủy chung son sắt. Thanh Hóa đã tăng cường cho Quảng Nam nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trên các lĩnh vực công - nông nghiệp, giáo dục, y tế,…; tăng cường 1 đại đội công an vũ trang để tham gia cùng lực lượng vũ trang Quảng Nam đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, góp phần cùng Quảng Nam khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; đồng thời tặng nhiều văn hóa phẩm, sách quý và cử cán bộ giúp Quảng Nam xây dựng thư viện tỉnh và thư viện của một số huyện trong tỉnh. Nhiều công trình văn hóa ở Thanh Hóa được mang tên đất, tên người Quảng Nam, như: Công viên Thanh Quảng, Công viên Hội An, Rạp chiếu bóng Hội An, đường Nguyễn Duy Hiệu,…; ngược lại, nhiều công trình công cộng trên đất Quảng Nam được mang tên các địa danh của Thanh Hóa, như: Đường Thanh Hóa, đường Lam Sơn,…
Bước sang thời kỳ đổi mới, quan hệ của hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa; chia vui khi thành công, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Trong nhiều năm qua, lãnh đạo hai tỉnh và các huyện kết nghĩa, lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể hai tỉnh thường xuyên thăm viếng, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; hỗ trợ, động viên, thăm hỏi nhân dân mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh; đặc biệt là thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình người có công với nước của hai tỉnh, nhất là trong dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ. Gần đây nhất, hai tỉnh đã phối hợp xây dựng nhà bia ghi danh các liệt sĩ người Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương Quảng Nam tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, trị giá hơn 7 tỷ đồng. Cùng với các hoạt động cấp tỉnh, các địa phương kết nghĩa của hai tỉnh cũng thường xuyên có nhiều hoạt động thiết thực, tiêu biểu như: Thọ Xuân - Quế Sơn; Hoằng Hóa - Điện Bàn;… đặc biệt là TP.Thanh Hóa và TP.Hội An đã thường xuyên phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút hàng vạn người tham gia, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân hai thành phố và du khách thập phương. Bằng những hoạt động nghĩa tình ấy, đã góp phần cổ vũ, động viên, tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh nỗ lực, phấn đấu vươn lên, giành nhiều thành công và thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.
4. Với tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương; sự cổ vũ, động viên của tỉnh Quảng Nam anh em và các tỉnh, thành bạn; sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã nhanh chóng vượt qua những cản trở của tư duy bao cấp, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường; khơi dậy nguồn lực từ các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư từ bên ngoài; tạo ra những thay đổi sâu sắc về mọi mặt của đời sống xã hội. Kinh tế tăng trưởng vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các vùng miền từng bước được cải thiện; nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự xã hội được tăng cường; quy mô, chất lượng nền kinh tế cũng như thế và lực của tỉnh không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Năm 2019, hầu hết lĩnh vực đều có sự phát triển đột phá, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và thuộc nhóm các tỉnh cao nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 28.806 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 19.241 tỷ đồng), cao hơn năm 2018 trên 5.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2015 và gấp tới 6,8 lần năm 2010. Thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế đều đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với 65 giải, trong đó có 7 giải nhất ở kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia khối THPT và đặc biệt là 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic quốc tế. Khu kinh tế Nghi Sơn (có Cảng nước sâu Nghi Sơn, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng của đất nước) thực sự đã trở thành đầu tàu kinh tế, cùng với khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thanh Hóa là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Nghị quyết Trung 6 (khóa XII). Đặc biệt, là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã, để toàn tỉnh còn 559 xã, phường, thị trấn; giảm 28.108 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn.
Với tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa hết sức vui mừng, phấn khởi và tự hào khi được chứng kiến những đổi thay tích cực, những thành tựu to lớn về mọi mặt của quê hương Quảng Nam, trong đó có những lĩnh vực Quảng Nam đi đầu cả nước, như: Thu hút đầu tư; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; công nghiệp sản xuất ô tô;…
5. Những thành tựu về mọi mặt mà Thanh Hóa và Quảng Nam đạt được trong chặng đường vừa qua sẽ “tạo đà và nâng cánh” để hai tỉnh cùng nhau bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, phấn đấu Thanh Hóa sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” và Quảng Nam sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Hướng tới mục tiêu to lớn đó, tỉnh Thanh Hóa đã nhờ tư vấn trong nước và quốc tế nghiên cứu, xác định đường hướng phát triển toàn diện về mọi mặt, với những giải pháp khả thi, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và khoa học, để đến năm 2030 quy mô nền kinh tế đạt từ 32 - 35 tỷ USD, gấp khoảng 3,5 lần hiện nay; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500USD. Mặc dù trước mắt còn phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức; nhưng, với khí thế hào hùng và truyền thống vẻ vang của quê hương; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương; sự cổ vũ, động viên, hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam kết nghĩa và các tỉnh, thành bạn, chắc chắn Thanh Hóa có đủ niềm tin, quyết tâm và nghị lực để biến khát vọng thịnh vượng trở thành hiện thực.
Trải qua chặng đường 60 năm qua, đất nước đã có nhiều đổi mới, hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam cũng đã có những đổi thay sâu sắc và toàn diện; nhưng lúc nào cũng vậy, dẫu trong chiến tranh gian khổ ác liệt, hay trong hòa bình, xây dựng quê hương, đất nước với rất nhiều khó khăn, thách thức; Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh vẫn luôn hướng về nhau, luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi và son sắt thủy chung.
Kỷ niệm 60 năm, ngày hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa, không chỉ là dịp để ôn lại tình cảm thiêng liêng mà Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh đã dày công gây dựng, vun đắp và gìn giữ từ những năm tháng ác liệt của kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tri ân những mất mát, hy sinh của quân và dân hai tỉnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; mà còn là dịp để khẳng định giá trị bền vững của nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam. Từ đó tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hai tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, cùng nhau vun đắp tình cảm bền chặt; trân trọng, gìn giữ “tài sản chung vô giá” đó. Coi đây là nguồn cội sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.