Khí phách Quy khu Xưởng Dầu

THÀNH CÔNG 10/03/2020 10:57

Đã sắp chạm mốc 60 năm ngày địch ra lệnh đàn áp, buộc những gia đình kiên trung của Kỳ Khương (Tam Kỳ cũ, nay là xã Tam Hiệp, Núi Thành) vào Quy khu Xưởng Dầu, những thế hệ ngày nào nay có dịp gặp gỡ, ôn lại truyền thống hào hùng của một thuở. Khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh khiến người còn, người mất, nhưng khí phách anh hùng của các gia đình Quy khu Xưởng Dầu xưa vẫn đang được thế hệ hôm nay gìn giữ và tiếp nối.

Những “nhân chứng sống” của Quy khu Xưởng Dầu xưa nay là cán bộ lão thành trở về thăm, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp. Ảnh: T.C
Những “nhân chứng sống” của Quy khu Xưởng Dầu xưa nay là cán bộ lão thành trở về thăm, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp. Ảnh: T.C

Ký ức hào hùng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra ở miền Nam, chế độ cũ Sài Gòn thực hiện những cuộc đàn áp đẫm máu với người cộng sản. Tháng 5.1959, Huyện ủy Tam Kỳ (cũ) quyết định rút những thanh niên là cơ sở cách mạng đang ở vùng địch kiểm soát lên căn cứ để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Hàng chục thanh niên các xã Kỳ Sanh, Kỳ Khương, Kỳ Xuân, Kỳ Hòa (cũ) lần lượt tạm biệt gia đình, vợ con, vượt rừng lên chiến khu. Nghe tin, địch cho người điều tra, lập danh sách, bắt tất cả những gia đình có chồng, con đi căn cứ phải dỡ nhà, tập trung vào trong quy khu. Riêng ở xã Kỳ Khương, địch bắt 24 gia đình tập trung vào Quy khu Xưởng Dầu, nơi được xây dựng kiên cố và quản lý chặt chẽ nhất.

Trong Quy khu Xưởng Dầu, địch bắt dân đào hào, đắp tường cao hơn 1,5m, rào bằng gai tre, xương rồng, chỉ chừa hai cửa ra vào. Riêng bờ tường phía tây gần đường số 1, địch rào bằng dây thép gai, cử dân vệ canh gác, chỉ mở cửa từ 5 giờ sáng và đóng cửa từ 6 giờ chiều, cấm bà con ra vào ngoài giờ giới nghiêm. Đều là cơ sở cách mạng, 24 gia đình ở Quy khu Xưởng Dầu dù nghèo khó vẫn một lòng kiên trung. Giữa cái nắng cháy khát ở Xưởng Dầu, nơi không một bóng cây, thiếu nước vì không có giếng, các gia đình vẫn đoàn kết, một lòng đùm bọc, chở che cho nhau, giữ vững niềm tin với Đảng, với cách mạng. Nhiều gia đình vượt qua sự kiềm kẹp của địch, tìm cách liên lạc với cơ sở bên ngoài.

Tháng 11.1961, cùng với đội công tác xã Kỳ Khương và đội vũ trang tuyên truyền huyện Tam Kỳ, người dân Quy khu Xưởng Dầu đã bắt hai tên tề ngụy, phá rào, đưa thanh niên trốn ra ngoài tham gia quân giải phóng. Những ngày sau đó, nhất loạt bà con Quy khu Xưởng Dầu đã kéo vào xã Kỳ Khương đấu tranh, đòi về quê cũ làm ăn. Kế hoạch dồn dân vào quy khu của địch thất bại, các gia đình trở về quê cũ, tiếp tục nuôi giấu cán bộ, động viên con cháu tham gia cách mạng, viết tiếp những trang sử vẻ vang của vùng đất anh hùng.

Kế thừa truyền thống

Đại tá Nguyễn Văn Đức - nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Trưởng ban Liên lạc các gia đình Quy khu Xưởng Dầu xúc động ôn lại những ký ức một thời gian khổ mà hiên ngang của thế hệ trước. “Trong số 24 gia đình của Quy khu Xưởng Dầu, đã có 89 người tham gia cách mạng, trong đó 47 người tham gia các lực lượng quân đội, công an, 27 người làm công tác dân chính Đảng, 15 người là cơ sở cách mạng. Quy khu nhỏ bé là thế, nhưng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng đến 43 liệt sĩ, 25 thương binh, 22 trong tổng số 24 gia đình có thân nhân là liệt sĩ, có 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đã gần 60 năm, nhiều thứ có thể đổi thay, nhưng niềm tự hào và ký ức của những người từng sống trong quy khu vẫn còn được tiếp nối, lan tỏa đến những thế hệ hôm nay. Sự hy sinh to lớn, những đóng góp máu xương và tinh thần một lòng kiên trung của các thế hệ đi trước được gìn giữ, tri ân, kế thừa và tiếp nối” - Đại tá Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Tấn Đồng - nguyên Đại tá, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 5; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Hồng Thân (Sáu Thân)... những nhân chứng sống của một thời hoa lửa, mỗi người mỗi nơi, dù tuổi cao, song vẫn lặn lội trở về vùng đất xưa, góp mặt trong buổi hội ngộ để sẻ chia ký ức, thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã đi xa, và cùng sống lại những tình cảm đoàn kết, sắt son của một thời Quy khu Xưởng Dầu. Cuộc hạnh ngộ gói tròn nhiều cảm xúc, có cả những thế hệ cháu con hôm nay trở về thăm lại miền đất xưa, nghe kể để biết, hiểu và tự hào thêm về truyền thống của gia đình, quê hương cách mạng.

“Nhiều người con Quy khu Xưởng Dầu đóng góp máu xương, ra đi theo cách mạng rồi vĩnh viễn không về. Lớp khác, sau này là cán bộ cốt cán của địa phương. Buổi gặp mặt hôm nay không chỉ là để nhìn nhận, nhắc nhớ về truyền thống, mà còn để giáo dục cho thế hệ hôm nay noi gương, tiếp bước cha anh, giữ trọn lòng trung hiếu. Đó cũng chính là mốc son đầy tự hào cho chúng tôi và cho mảnh đất anh hùng này” - ông Nguyễn Tấn Đồng chia sẻ.

THÀNH CÔNG