Nhiều nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế
(QNO) - Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nước chính thức cấm xuất khẩu một số loại thuốc và thiết bị bảo hộ y tế để phòng bệnh trong nước.
Đức và Pháp là 2 quốc gia châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng vọt hơn 1.000 người, đã quyết định cấm xuất khẩu các trang thiết bị chống lây nhiễm như mặt nạ, găng tay, đồ bảo hộ… để đảm bảo nhân viên y tế ở các nước này có đủ khả năng đối phó với sự bùng phát của vi rút corona mới. Bộ Nội vụ Đức cho biết vẫn có một số trường hợp ngoại lệ nhưng được kiểm soát chặt chẽ.
Theo các chuyên gia, những mặt hàng này đang khan hiếm do số người mua tích trữ quá lớn, thiếu hụt nguyên liệu (do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc) hay sản xuất và cung cấp không kịp, do đầu cơ tăng giá trong mùa Covid-19.
Động thái trên của Đức và Pháp nhanh chóng nhận được phản hồi trái chiều từ các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) khi cho rằng, các biện pháp siết chặt xuất khẩu trên “đi ngược lại tinh thần vận chuyển hàng hóa tự do trong EU”.
Ủy viên Quản lý khủng hoảng EU Janez Lenarcic nói tại một cuộc họp khẩn cấp vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) - nơi các quan chức kêu gọi đoàn kết trong khối để chống Covid-19 rằng, những lệnh cấm như vậy có nguy cơ làm suy yếu cách tiếp cận tập thể của EU để xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19.
Italia - quốc gia EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay với hơn 1.300 ca nhiễm Covid-19 cũng chính thức yêu cầu trợ giúp từ các quốc gia EU khác để đáp ứng nhu cầu về thiết bị bảo vệ cho đội ngũ y tế và bệnh nhân.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc thiếu hụt thiết bị bảo hộ y tế như vậy sẽ khó mà dập tắt được bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
Trong khi đó, xuất hiện lo ngại về khả năng thiếu thuốc trên toàn cầu trong thời gian tới khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Thứ Năm tuần trước, Ấn Độ thông báo hạn chế xuất khẩu 26 thành phần dược liệu và loại thuốc, bao gồm cả Paracetamol - một trong những thuốc giảm đau phổ biến nhất trên thế giới ngay khi Trung Quốc ngưng và giảm cung cấp nhiều nguyên liệu sản xuất thuốc.
Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, Ấn Độ chiếm tới 24% dược phẩm và 31% thành phần thuốc của Mỹ trong năm 2018. Do đó, cơ quan này đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của quyết định trên đối với nguồn cung dược phẩm của Mỹ.
Cũng vậy, các nước châu Âu lo ngại khi Ấn Độ đóng góp tới 26% lượng thuốc nhập khẩu vào khu vực. Hiệp hội Dược phẩm Hoàng gia Anh kêu gọi người dân không tự dự trữ thuốc, như vậy sẽ làm gia tăng nguy cơ khan hiếm thuốc và nước Anh đủ khả năng để đối phó tác động từ dịch bệnh.
Chính phủ Nga tạm cấm xuất khẩu khẩu trang, máy thở, bộ đồ bảo hộ nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng này cho các bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nước này, cho đến ngày 1.6.2020.
Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường kiểm soát đối với các nguyên liệu chủ chốt được sử dụng trong sản xuất khẩu trang bảo vệ từ ngày 6.3 để xử lý tốt hơn tình trạng thiếu nguồn cung trong bối cảnh vi rút corona mới lan nhanh.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nói: “Chính phủ trước tiên sẽ cung cấp mặt nạ cho các lĩnh vực y tế, kiểm dịch và an toàn; đồng thời tìm cách phân phối đồng đều các mặt nạ còn lại cho người dân”.