Đổ xô mua hàng dự trữ vì dịch Covid-19: Hoàn toàn không cần thiết!

Q.VIỆT - P.VINH - T.THẮNG - H.QUÂN 08/03/2020 11:44

(QNO) - Từ chiều tối qua đến sáng nay 8.3, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu, hàng y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Đây là tâm lý không đáng có gây nên hiệu ứng đám đông, trong khi các đơn vị cung cấp hàng hóa vẫn đang đảm bảo nguồn cung.

Thực phẩm đóng hộp cũng được mua nhiều
Thực phẩm đóng hộp tại Co.opMart Tam Kỳ được người dân mua nhiều. Ảnh: PHAN VINH

Lo lắng thái quá

Theo quan sát của chúng tôi, đến sáng nay người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ vẫn còn ồ ạt đi mua gạo, muối, nước mắm, dầu ăn, rau quả, thịt, hải sản... vì lo ngại dịch cúm Covid-19. Ở Co.opMart Tam Kỳ, mọi ngày phải đến 9 giờ sáng mới có khách thì sáng ngày 8.3, khách hàng nườm nượp mua sắm từ 7 giờ.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, nhờ số lượng hàng hóa dự trữ nhiều nên có thể đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người dân. “Từ ngày 7 đến trưa 8.3, chúng tôi bán hơn 1.000 thùng mỳ gói, hiện còn khoảng 1.800 thùng nên không lo thiếu. Các mặt hàng thiết yếu khác như mắm, muối, gạo, dầu ăn, trái cây, nước uống đang hết dần nhưng sẽ bổ sung kịp trong ngày mai. Khẩu trang chống Covid-10 còn không nhiều, dung dịch sát khuẩn thì đã hết” - bà Trần Thị Như Lai nói.

Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ vẫn đủ nguồn cung cho khách hàng
Co.opMart Tam Kỳ khẳng định vẫn đủ nguồn cung cho khách hàng. Ảnh: PHAN VINH

Tại Thăng Bình, ông Nguyễn Đình Tiền - chủ tiệm tạp hóa 5 Kiều (thị trấn Hà Lam) cho biết, mặt hàng mỳ tôm bán rất chạy trong những ngày gần đây nhưng vẫn giữ nguyên giá. Ông Tiền khẳng định, đa số tiệm tạp hóa đều nhập hàng từ các đại lý lớn, lượng hàng dồi dào nên người dân không cần mua hàng tích trữ.

Ông Dương Chiến (54 tuổi, thôn Tứ Sơn, xã Bình Trung, Thăng Bình) cho biết, những ngày qua, thông qua báo đài, ông biết tại TP.Hội An đang cách ly những người đi cùng chuyến bay với cô gái N.H.N. (ở Hà Nội) bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên việc cách ly này đã được các ngành chức năng, y tế địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, có phương án cụ thể cho nên ông rất yên tâm. 

“Công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo lương thực thực phẩm đã và đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vì vậy mọi người không nên lo lắng thái quá mà đi mua hàng tích trữ, gây nên những hiệu ứng không đáng có” - ông Chiến cho hay.

Hoạt động mua bán ở chợ Kế Xuyên diễn ra bình thường, tuy nhiên mì tôm là lượng hàng bán chạy nhất. Ảnh: THANH THẮNG
Hoạt động mua bán ở chợ Kế Xuyên (xã Bình Trung, Thăng Bình) vào sáng 8.3 vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Ảnh: THANH THẮNG

Ở TP.Hội An, số lượng người dân đi mua hàng hóa dự trữ đã giảm dần vào sáng 8.3, trái ngược với không khí chen lấn mua sắm hàng hóa vào chiếu tối 7.3. “Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước, không nên manh động, lo lắng thái quá. Các khách cùng chuyến bay với chị N.H.N. đến Hội An đã được cách ly, trong khi đó các mẫu xét nghiệm vẫn chưa biết kết quả. Chúng tôi tự nhủ cần phải bình tĩnh, mua sắm đủ dùng chứ không ồn ào. Chỗ đông người như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, chợ không nên tụ tập mua hàng nhiều” - chị Lê Thị Thuận (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) nói.

Kiểm soát thị trường

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, từ ngày hôm qua đến nay, hệ thống loa, đài trên địa bàn thành phố hoạt động hết công suất để tuyên truyền, vận động người dân không nên hoang mang trước dịch bệnh Covid-19. Các ngành chức năng của tỉnh, thành phố đang cách ly những người trên cùng chuyến bay với chị N. rất tốt. Người dân không nên mang tâm lý đám đông, mất bình tĩnh, ồ ạt đi mua hàng dự trữ.

.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên mang tâm lý đám đông, ồ ạt đi mua hàng dự trữ. Ảnh: QUANG VIỆT

“Qua thống kê sơ bộ, hàng hóa trên địa bàn TP.Hội An còn rất nhiều, người dân không nên lo thiếu mà chạy đôn chạy đáo đi mua dự trữ. Ngày cả ở xã đảo Tân Hiệp, hàng hóa vẫn phong phú chủng loại, dồi dào, đa dạng kiểu mẫu, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, sử dụng của người dân” - ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, các đội quản lý thị trường ở các huyện, thị xã, thành phố đang khẩn trương, tung hết lực lượng thực hiện tốt công tác quản lý thị trường. Từ ngày 7.3 đến nay, chưa phát hiện tình trạng các cơ sở kinh doanh găm hàng để thu lợi bất chính. Ngành chức năng tích cực tuyên truyền người dân không nên bị cuốn theo hiệu ứng, tâm lý đám đông, đẩy lo ngại dịch Covid-19 đi quá xa, ảnh hưởng tiêu cực phòng chống dịch Covid-19 nói chung.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam thông tin quá trình kiểm soát hàng hóa:

“Chúng tôi quán triệt tình trạng khẩn cấp về quản lý thị trường trong thời điểm này. Nếu phát hiện các trường hợp kinh doanh bất chính, găm hàng chờ bán giá cao sẽ bị xử lý nghiêm để đủ sức răn đe. Các mặt hàng y tế thiết yếu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc các cơ sở phải niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

Q.VIỆT - P.VINH - T.THẮNG - H.QUÂN