Tiến sĩ Trần Du Lịch: "Mười năm đến, Quảng Nam sẽ cất cánh"

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 07/03/2020 08:39

“Việc chọn lựa mô hình tăng trưởng dựa vào chiều sâu, phát triển kinh tế đô thị ven biển, logistics gắn cảng hàng không, cảng biển… sẽ trở thành những động lực quan trọng cho phát triển. Dự báo chỉ trong vòng 10 năm tới, Quảng Nam sẽ là một tỉnh năng động bậc nhất miền Trung, tăng trưởng mỗi năm 2 con số”. Đó là nhận định của TS.Trần Du Lịch  - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung.

Quảng Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quảng Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thưa ông, Quảng Nam có vị thế như thế nào trong vùng duyên hải miền Trung?

TS.Trần Du Lịch: Diện tích lớn nhất, nằm vị trí chiến lược, điểm kết nối ngắn nhất từ các tỉnh Nam Lào, đông bắc Thái Lan, Campuchia đến Biển Đông. Có hai di sản văn hóa, một khu dự trữ sinh quyển thế giới, bờ biển dài, đẹp. Và lợi thế nổi bật là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển diện tích lớn với mức độ tập trung cao, không bị manh mún, chia cắt, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện để đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn từ 300ha trở lên, phục vụ các dự án tổ hợp du lịch, sân golf cao cấp; các dự án đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, logistics; phát triển đô thị quy mô lớn hiện đại...

Quảng Nam của 10 năm trước vẫn là một trong những địa phương nghèo của cả nước. Những lợi thế ấy chỉ dừng mãi ở tiềm năng thì đến nay, Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung. Một trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước đang được định hình, tiềm năng du lịch được khai thác tốt và tự cân đối ngân sách, điều tiết về Trung ương.

TS. Trần Du Lịch.
TS. Trần Du Lịch.

Lãnh đạo Quảng Nam đã có sự lựa chọn đúng đắn, tập trung nguồn lực phát triển vùng đông gắn với 6 nhóm ngành. Các đột phá trong cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư… thể hiện bước chuyển biến tư duy quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Với viễn cảnh phát triển các dự án phái sinh từ việc khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và đô thị sân bay Chu Lai, Quảng Nam đang đứng trước vận hội lớn để tiến nhanh về phía trước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên chính tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương.

* Nhưng tất cả chỉ là cơ hội, viễn cảnh. Không lẽ không có nhiều thách thức trong tiến trình phát triển, thưa tiến sĩ?

TS.Trần Du Lịch: Có thể nhận diện được những vấn đề tồn tại trong mô hình phát triển của địa phương. Đó là: tốc độ tăng trưởng nhảy vọt của nền kinh tế trong thời gian ngắn chưa đủ để củng cố các nền tảng phát triển. Thu ngân sách tăng nhưng không ổn định. Nguồn thu phụ thuộc ô tô, thủy điện lại diễn biến khó lường qua từng năm. Khu kinh tế mở Chu Lai hội tụ đủ điều kiện để trở thành một đặc khu kinh tế nhưng đang bị chựng lại. Ngoài việc yếu tố “mở” chưa được làm rõ so với các khu kinh tế khác thì nhân lực và trình độ khoa học công nghệ cũng là một vấn đề lớn. Đây cũng là thực trạng chung của các khu công nghiệp còn lại của Quảng Nam – một nghịch lý mà đáng ra lao động phải là một lợi thế thu hút đầu tư ở các tỉnh đang phát triển như Quảng Nam.

Các dự án đô thị ven biển đang hình thành những tấm “da beo”, xen lẫn đất dự án với đất nông nghiệp, dân cư. Phương cách mạnh ai nấy chia lô dẫn đến việc đồng bộ kết nối hạ tầng tổng thể sẽ trở nên rất phức tạp, tạo thành những hệ quả về kinh tế đô thị và môi trường trong lâu dài. Hiệu quả phát triển vùng đông chưa tác động lan tỏa đáng kể đến vùng tây. Cần có chính sách kết nối sự lan tỏa phát triển để thúc đẩy vùng tây, cùng phát triển với sự phát triển chung, để Quảng Nam không phải loay hoay nhìn về mà có thể tập trung hướng ra biển.

* Vậy theo ông, nghĩa là Quảng Nam phải tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng?

TS.Trần Du Lịch: Mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 là đạt mức GRDP bình quân 9.100 USD/người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 10,5%/năm. Đây là mục tiêu khá cao, gấp 1,4 lần so với mục tiêu đề ra của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu mới, Quảng Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó chú ý phát triển ngành dịch vụ để trở thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác.

Quảng Nam không khác nhiều tỉnh miền Trung - chỉ có thể lấy du lịch làm tâm điểm để phát triển và thay đổi diện mạo. Giá trị cốt lõi của du lịch Quảng Nam hình thành từ phố cố Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Cũng chính giá trị văn hóa này đã và sẽ trở thành tâm điểm cho tầm nhìn quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn tới. Trong tương lai gần, chuỗi đô thị du lịch kéo dài từ Điện Bàn qua Hội An đến Núi Thành sẽ là điểm nhấn quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của Quảng Nam. Chỉ nên giao diện tích lớn cho các nhà đầu tư có quy hoạch mang ý tưởng chiến lược, giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất, tránh việc cắt xén, quy mô nhỏ, chú trọng giữ lối xuống biển phục vụ dân sinh trong thiết kế quy hoạch.

Công nghiệp là trụ cột kinh tế của tỉnh Quảng Nam. Nhưng không phải cứ tăng giá trị công nghiệp thì thành tỉnh công nghiệp. Không phải vậy. Nếu có 10 nhà máy nhiệt điện công suất bao nhiêu cũng không thành tỉnh công nghiệp. Nếu công nghiệp chiếm 99% nhưng lao động chủ yếu vẫn là nông nghiệp hoặc là kiểu lao động dịch vụ thì không thể nào thành tỉnh công nghiệp được. Cơ cấu lao động là chính. Do đó tái cơ cấu khó nhất vẫn là cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng. Nếu không tận dụng được cơ hội đổi mới khoa học công nghệ sẽ làm nền kinh tế của tỉnh tụt hậu nhanh chóng.

Kinh tế đô thị ven biển dọc vùng đông và logistic gắn sân bay cảng biển là lợi thế và động lực cho Quảng Nam cất cánh. Ảnh: T.D
Kinh tế đô thị ven biển dọc vùng đông và logistic gắn sân bay cảng biển là lợi thế và động lực cho Quảng Nam cất cánh. Ảnh: T.D

* Thưa ông, vậy dựa trên động lực nào để địa phương có thể phát triển?

TS.Trần Du Lịch: Có thể khẳng định, Khu kinh tế mở Chu Lai, đô thị sân bay gắn với logistics hàng không ở Chu Lai sẽ trở thành một động lực lớn cho sự phát triển của tỉnh. Sân bay Đà Nẵng đã hết vai trò lịch sử, không thể mở rộng được nữa. Đô thị sân bay gắn với logistics hàng không chính là cơ hội cho Chu Lai. Tôi rất mừng là Chu Lai đã điều chỉnh lại để không biến công nghiệp thành ốc đảo và phát triển đô thị khu kinh tế. Sân bay Chu Lai sẽ là sân bay quốc tế của vùng. Sân bay này sẽ trở thành như sân bay Long Thành của vùng Đông Nam Bộ còn Đà Nẵng sẽ như sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy bài toán phát triển là chúng ta khai thác, xây dựng được khu đô thị sân bay. Các khu logistics gắn với cảng hàng không, cảng biển trở thành lợi thế cho Quảng Nam. Samsung đầu tư vào Bắc Ninh, Thái Nguyên là dựa vào sân bay Nội Bài để giải quyết về logistics. Sân bay Chu Lai trong tương lai sẽ làm chuyện đó mà Đà Nẵng không làm được.

Đô thị ven biển là trụ cột quan trọng nhất trong 5 trụ cột kinh tế quốc gia. Dư địa lớn nhất sắp tới là quá trình đô thị hóa. Hình thành nền kinh tế đô thị sẽ tác động lan tỏa và Quảng Nam với toàn bộ đường ven biển còn dư địa rất lớn để phát triển các ngành kinh tế đô thị. Trên quan điểm phát triển vùng, ở mảnh đất này, không Quảng Nam, không Đà Nẵng mà chỉ có khu vực kinh tế Quảng Đà. Không phân biệt ranh giới hành chính hay không gian kinh tế biệt lập.

Cả Quảng Nam đều có cơ hội chắp cánh bay. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ buộc các ngành sản xuất, dịch vụ đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Chắc chắn Quảng Nam sẽ tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, luôn là bà đỡ cho doanh nghiệp và tiếp tục thu hút những con sếu đầu đàn trong từng lĩnh vực để cộng sinh, liên kết phát triển công nông nghiệp… Tôi tin, những lợi thế đó đặt ra khát vọng trong 10 năm tới, Quảng Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng mỗi năm 2 con số. Với sức tăng trưởng này cùng chính sách điều tiết tốt, địa phương sẽ thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi, miền ngược, tạo được sự phát triển bền vững trong tương lai!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)