Làng hến bên cầu Gò Nổi

THANH THẮNG 05/03/2020 15:36

Nhiều năm qua, người dân xóm Mỹ An ở khối phố Xuyên Đông (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) vẫn duy trì nghề cào hến ở sông Thu Bồn, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Sau mỗi buổi cào hến, người dân xóm Mỹ An được một ghe hến đầy. Ảnh: THANH THẮNG
Sau mỗi buổi cào hến, người dân xóm Mỹ An được một ghe hến đầy. Ảnh: THANH THẮNG

Từ đầu tháng 2.2020 đến nay, nhiều người dân xóm Mỹ An bên chân cầu Gò Nổi tất bật vào mùa hến. Từ 4 giờ sáng, anh Phạm Văn Quang (39 tuổi, khối phố Xuyên Đông) chuẩn bị dụng cụ là lưỡi sắt có gắn thêm một lớp lưới để hứng hến khi cào. Từ chân cầu Gò Nổi, anh Quang nổ ghe máy ra dòng sông Thu Bồn. Lựa chọn địa điểm thích hợp, anh Quang ghì chặt đôi tay vào chiếc sào và kéo mạnh, mỗi mẻ cào khoảng 5 phút. Mỗi năm cứ vào đầu tháng Giêng, dân xóm Mỹ An lại ra sông cào hến.

“Nghề cào hến đòi hỏi phải có sức lực dẻo dai, chịu được nắng nóng. Hến nằm sâu dưới đáy sông nên cào khá vất vả, đòi hỏi phải có các kỹ năng nhất định” - anh Quang nói. Cũng theo anh Quang, làng hến xóm Mỹ An có khoảng 20 chiếc ghe chuyên hành nghề cào hến. Công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc gần trưa. Sau khi mang hến về, các chủ lò thu mua với 5 nghìn đồng/kg.

Đối với cánh đàn ông có sức khỏe thì họ ra giữa dòng Thu Bồn để cào hến, còn phụ nữ sức yếu, không chạy được ghe máy nên thường chèo ghe đến khu vực nước nông để cào. Bà Trần Thị Phan (51 tuổi, trú khối phố Xuyên Đông) cho biết, gia đình bà có nhiều thế hệ làm nghề cào hến. “Công việc cào hến của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng đến gần trưa, mỗi ngày thu nhập ít nhất khoảng 300 nghìn đồng” - bà Phan nói.

Theo những người dân làng Xuyên Đông, nghề cào hến của họ phụ thuộc vào sông Thu Bồn. Những năm gần đây, con hến ít đi nên thu nhập của người dân có phần hạn chế hơn. Dù nguồn hến suy giảm nhưng đây là nghề cha ông truyền lại, gắn bó lâu đời nên họ vẫn duy trì.

Hến sau khi được chủ ghe mang về bến được rửa sạch rồi mới bán cho chủ lò. Khi những ghe thuyền cập bến cũng là lúc các lò đãi hến bắt đầu đỏ lửa. Bà Phạm Thị Ánh (50 tuổi, khối phố Xuyên Đông) làm nghề nấu hến ở xóm Mỹ An được 30 năm. Bà Ánh cho biết, nghề này làm quanh năm, chỉ trừ những lúc mưa bão mới nghỉ. Mỗi ngày, cơ sở của bà nấu và đãi khoảng 1 tấn hến rồi bỏ mối tại các chợ.

“Nghề nấu hến không khó nhưng cần sự tỉ mẩn, khéo léo. Riêng công đoạn đãi hến cần phải nhịp nhàng tránh làm hến bị dập nát. Hến sau khi đãi vỏ xong đem lọc qua nước muối lần cuối cùng để hến được sạch, màu trong đẹp mắt. Hiện các cơ sở ở đây hoạt động độc lập, có nguồn cung ứng khác nhau, mỗi người đều đặt trách nhiệm, cái tâm với nghề lên hàng đầu. Làm sao để mỗi khi hến đưa ra thị trường tiêu thụ được người tiêu dùng đón nhận” - bà Ánh nói.

THANH THẮNG