Khơi nguồn năng lượng từ cộng đồng

QUỐC TUẤN 01/03/2020 04:01

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững ngày càng trở thành xu xướng chung. Nhưng để hiện thực hóa điều này cần có sự phối hợp và tự chủ của cộng đồng bản địa. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trò chuyện với TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) để hiểu rõ hơn về quá trình khơi nguồn năng lượng quan trọng mà một thời gian dài trước đây không nhận được nhiều quan tâm.

* Xin ông cho biết hiệu quả của chương trình giáo dục cộng đồng hỗ trợ phát triển bảo tồn và du lịch bền vững Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)?

 

TS.Chu Mạnh Trinh: Chương trình này thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019 tại 3 khu vực trên, thông qua các hoạt động tham quan, học tập của cộng đồng địa phương và cán bộ, nhân viên bảo tồn. Chương trình được lồng ghép vào hoạt động đào tạo nghiệp vụ bảo tồn và phát triển bền vững tại Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn di sản Quảng Ngãi phối hợp một đơn vị tư nhân. Các phương pháp thu thập thông tin được tổ chức theo hình thức trình bày của người dân Cù Lao Chàm, thảo luận nhận xét của người dân Đảo Bé, Sa Huỳnh kết hợp phỏng vấn sâu kết quả học tập và thực hành tại địa phương cùng các hội thảo cộng đồng.

Chương trình đã thu được nhiều tín hiệu tích cực. Qua đó, người dân bản địa được cung cấp kiến thức chuyên môn về bảo tồn và phát triển bền vững, kỹ năng công tác cộng đồng, học tập các mô hình bảo tồn và sinh kế… Nhờ đó, các đề án về bảo tồn và phát triển du lịch được điều chỉnh thông tin phù hợp với đóng góp từ người dân. Các tour học tập về cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải, sinh kế cộng đồng được xác lập tại những điểm đến này. Đơn cử như ở hợp tác xã rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (Cẩm Thanh), qua thời gian du lịch học tập đã trở nên phổ biến và đem lại lợi ích cho rất nhiều phía.

* Vậy người dân đã góp tiếng nói và có những đóng góp cụ thể hơn vào sự phát triển của du lịch địa phương sau khi được tham vấn, hỗ trợ?

TS.Chu Mạnh Trinh: Các chương trình tham vấn ở đây không chỉ là việc truyền thụ kiến thức một phía cho người nông dân mà dần dà họ đã chủ động kết nối và đưa ra các sáng kiến có thể giúp du lịch cộng đồng phát triển tốt hơn. Như ở Đảo Bé (Lý Sơn), từ những đóng góp của người dân mà loại hình homestay có ý tưởng độc đáo ra đời gây ấn tượng với du khách và họ cũng là người chế tạo ra dây phao an toàn cho du khách trải nghiệm vùng biển này. Hay ở Cù Lao Chàm, người dân trên đảo chính là những hướng dẫn viên du lịch, truyền đạt lại cho du khách về những gì mình đã và đang làm để bảo tồn, phát triển. Đồng thời cũng chính người dân Cù Lao Chàm tổ chức hoạt động cho du khách khám phá những điều mới lạ, những câu chuyện mà cộng đồng ở đây gầy dựng nên.

* Liệu rằng, người dân thực sự khát khao làm du lịch, thưa ông?

TS.Chu Mạnh Trinh: Một buổi chiều cách đây hai năm, tôi cùng đoàn bà con ở Đảo Bé (Lý Sơn) và Xóm Cỏ (Sa Huỳnh) đến Cù Lao Chàm tham quan học tập. Họ vô cùng ngạc nhiên khi nghe câu chuyện người dân ở đây có thể lấy tiền của du khách từ việc đưa họ đi ngắm bình minh hoặc hoàng hôn. Một vài người lấy sổ tay ghi chép, nhiều người phụ nữ trong đoàn thì thầm với nhau. Họ đề nghị được đi tường tận từng ngóc ngách của homestay để học hỏi. Ngay cả các chủ homestay ở Cù Lao Chàm cũng niềm nở chia sẻ những thứ họ từng trải nghiệm. “Các anh chị làm được hết”, đó là câu nói luôn thường trực mà những người dân ở Cù Lao Chàm có kinh nghiệm đi trước đã động viên mỗi khi có đoàn đến học tập. Bây giờ du lịch ở Đảo Bé đã khởi sắc hơn rất nhiều từ những người dân mộc mạc, ham học hỏi như thế.  

TS. Chu Mạnh Trinh gắn bó với nhiều chương trình giáo dục cộng đồng bảo tồn và phát triển du lịch. Ảnh: NVCC
TS. Chu Mạnh Trinh gắn bó với nhiều chương trình giáo dục cộng đồng bảo tồn và phát triển du lịch. Ảnh: NVCC

Phải chăng một khi có được sự đồng thuận, du lịch cộng đồng sẽ phát triển nhanh chóng hơn?

TS.Chu Mạnh Trinh: Nhìn chung, phân tích chi phí và lợi ích từ các khu bảo tồn biển cho thấy việc đầu tư ban đầu để đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng thường kéo dài từ 8 đến 10 năm, với trường hợp của Cù Lao Chàm lên đến hơn 11 năm kể từ những ngày đầu đầu tư đến khi có nguồn thu từ du lịch một cách đáng kể. Tuy nhiên, với các khu bảo tồn khác hiện nay nếu tiếp cận kinh nghiệm điều phối của Cù Lao Chàm dự báo sẽ rút ngắn quá trình xuống còn 3 đến 5 năm.

* Tại sao thời gian lại được rút ngắn đến khoảng một nửa, thưa ông?

TS.Chu Mạnh Trinh: Thực ra trong quá trình xây dựng và phát triển bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời gian tìm kiếm, nghiên cứu cho các phương pháp tiếp cận, giáo dục truyền thông cộng đồng rất dài, chiếm từ 1/3 đến 1/2 tổng số thời gian đạt được đồng thuận cao. Vì vậy học tập Cù Lao Chàm là học tập các phương pháp tiếp cận, các kỹ năng từ thực tiễn trong công tác cộng đồng. Ngoài ra, nơi đây cũng là hiện trường lớn cho việc đào tạo các nguồn lực cho các khu bảo tồn mới. Khu bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, Khu bảo tồn Đảo Bé (Lý Sơn) cũng đã và đang trong quá trình tiếp cận theo hướng Cù Lao Chàm.

* Vậy theo ông, có khó khăn nào trong công tác truyền thông cho cộng đồng?

TS.Chu Mạnh Trinh: Điều khó khăn nhất là lúc khởi đầu làm sao cho người dân nhận ra việc bảo tồn sẽ mang lại lợi ích cho nhiều đời sau, bởi họ bị áp lực mưu sinh hàng ngày với con cá, cây dừa đè nặng. Ngày trước, khi tôi xuống để vận động người dân làm bảo tồn thì hay bị họ càu nhàu rằng “con cua, con cá là của tự nhiên có phải của mấy ông đâu mà cấm đoán, hạn chế đánh bắt này nọ”. Nhưng qua thời gian mình vận động, giải thích, dần dà những người nông dân, ngư dân hiểu ra vấn đề và chính họ lại tuyên truyền tích cực nhất cho người thân và cộng đồng.

* Thưa ông, liệu có thể duy trì kết quả này một cách dài lâu?

TS.Chu Mạnh Trinh: Có một cặp vợ chồng ở Cù Lao Chàm gắn bó rất lâu với chúng tôi, từ những ngày đầu thực hiện chương trình. Họ tâm sự với tôi rằng, nhờ vào du lịch, hai đứa con trai của họ đã lớn lên với cuộc sống tốt hơn và đã có nghề nghiệp ổn định ở trong đất liền. Tuy nhiên, mỗi lần trở về nhà chúng vẫn phải theo cha đi biển đánh cá để sau này có thể tiếp quản homestay và thuyền du lịch cộng đồng của gia đình. Tôi nghĩ, nếu người làm du lịch cộng đồng mà thiếu thực hành trong hơi thở cuộc sống thì khó có thể duy trì nó một cách bền vững.

Khi đã có thu nhập nhất định từ việc phát triển du lịch cộng đồng, những ngư dân, nông dân cũng không được xem nhẹ sinh kế truyền thống của mình. Chúng ta phải làm du lịch trên những gì chúng ta có và chỉ có duy trì nghề truyền thống dựa vào biển, vào ruộng, vào rừng thì mới có thể khai thác nguồn lợi này dài lâu.

* Vậy còn những khu vực tiềm năng khác để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Quảng Nam, thưa ông?

TS.Chu Mạnh Trinh: Dọc theo vùng đông và nam của tỉnh có nhiều điểm đến tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, từ Duy Hải vào Tam Thanh, Sông Đầm hay Tam Hải. Nhưng muốn có du lịch cộng đồng tốt cần phải tuân thủ hai nguyên tắc. Thứ nhất là người bản địa phải tham gia và làm chủ thật sự, thứ hai họ là người thầy truyền đạt thông tin, kinh nghiệm hướng dẫn thực hành kỹ năng. Nếu làng bản là trường học thì ngư dân, nông dân là người thầy còn du khách là người đi học. Bên cạnh đó, người làm công tác bảo tồn hay hướng dẫn viên từ đơn vị du lịch là người tổ chức kết nối, gắn kết với cộng đồng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực trạng, đối với các dịch vụ du lịch được cung cấp bởi người dân địa phương, du khách cần phải có một “năng lực” hưởng thụ cao hơn hoặc phải có một mức độ chủ động cao hơn để trải nghiệm, học tập nên không dễ để phát triển như cái loại hình khác.

* Theo ông, đâu là lối mở để đánh thức năng lực cộng đồng ở các điểm đến này?  

TS.Chu Mạnh Trinh: Du lịch cộng đồng sẽ giúp cho tri thức bản địa được hướng đến để tạo thành sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu của du khách. Tuy nhiên năng lực cộng đồng của người dân ở khu vực phía nam và phía tây của tỉnh cần được cải thiện. Muốn vậy, Quảng Nam cần một trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng cho khu vực này mà trọng điểm là Sông Đầm và Tam Hải để kết nối lên miền núi và sang cả các tỉnh láng giềng. Các khu vực này cũng cần xây dựng một dự án hoặc chương trình bảo tồn để hỗ trợ cho phát triển du lịch và kinh tế xã hội ở địa phương.

QUỐC TUẤN