Trận thắng quân Tây trên Biển Đông

CHÂU YẾN LOAN 01/03/2020 03:48

Vị võ tướng đầu tiên của Việt Nam chiến thắng quân Tây trên Biển Đông là Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần. Ông là cháu ngoại của Quảng Nam, con thứ hai của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và bà chúa tằm tang Đoàn Thị Ngọc  quê ở Quảng Nam.

Thương nhân Nhật Bản yết kiến thế tử của chúa Nguyễn tại Dinh trấn Thanh Chiêm vào thế kỷ 17 (Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan”). Ảnh tư liệu
Thương nhân Nhật Bản yết kiến thế tử của chúa Nguyễn tại Dinh trấn Thanh Chiêm vào thế kỷ 17 (Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan”). Ảnh tư liệu

Nguyên nhân cuộc chiến

Nguyễn Phúc Tần sinh ngày 19 tháng 6 năm Canh Thân (18.7.1620). Từ khi còn trẻ, ông đã là một võ tướng am hiểu binh pháp, giỏi chiến trận, được phong làm Phó tướng Dũng Lễ Hầu, Trấn thủ Quảng Nam dinh. Trong những năm cai quản Dinh Chiêm, ông đã lập được những chiến công hiển hách. Ông có công đánh giặc ngoại xâm, nhưng khác với các triều đại trước, lần này, kẻ thù không phải từ phương Bắc xuống mà từ phương Tây sang. Quân Hà Lan tung hoành trên các đại dương không có đối thủ, là đội quân vô địch trên Biển Đông nhưng đã bị Nguyễn Phúc Tần chỉ huy thủy quân của Quảng Nam dinh đánh tan tành.

Năm Tân Tỵ (1641) một thương nhân Hà Lan ở Hội An tên là Abraham Dujecker đã giết chết một người Việt Nam làm công trong thương điếm vì nghi là ăn cắp. Trấn thủ Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần bấy giờ đang đóng ở Dinh trấn Thanh Chiêm liền cử viên Đề đốc cai quản đạo binh Quảng Nam đến tận nơi điều tra, biết người đó bị oan, Nguyễn Phúc Tần liền cho bắt ngay tên chủ thương điếm cùng tám người Hà Lan khác tống giam, đồng thời đốt hết hàng hóa trong thương điếm, rồi tâu lên chúa Thượng đưa bọn người Hà Lan đó ra xử tử. Việc này đã khiến cho Công ty Hà Lan ở Ấn Độ rất căm tức.

Tháng 11.1641, hai chiếc tàu Hà Lan là Gulden Buis và Maria de Medici bị bão làm đắm ở gần Cù Lao Chàm, 82 người Hà Lan sống sót đều bị bắt giam ở Hội An. Thuyền trưởng Hà Lan Van Liesvelt yêu cầu chúa Thượng thả số người bị giam đó nhưng chúa không đồng ý. Ông ta cậy thế có hải quân hùng mạnh dùng biện pháp “ngoại giao pháo hạm” với Đàng Trong, bèn đem 5 chiến thuyền chở 70 binh sĩ và 150 thủy thủ bất ngờ tấn công Hội An hòng chiếm lấy cảng thị này.  Thấy vậy, Nguyễn Phúc Tần liền chỉ huy thủy quân từ căn cứ Văn Đông (của Dinh Chiêm) đánh trả quyết liệt, giết chết Van Liesvelt cùng 12 binh sĩ Hà Lan. Thuyền Hà Lan phải tháo lui và sát hại 20 người dân thường của ta mà trước đó họ bắt làm con tin. Nguyễn Phúc Tần liền ra lệnh xử tử tất cả bọn hải tặc đã bị bắt giam trước đây.

Để trả thù, quân Hà Lan đã cấu kết với quân chúa Trịnh ở Đàng Ngoài tấn công Đàng Trong. “Năm 1644, theo yêu cầu của chúa Trịnh, chiến thuyền người Ô Lan (Hà Lan) đã vào xâm phạm cảng cửa Eo của nước ta. Đoàn thuyền của họ được chia làm hai cánh; một cánh gồm ba chiến thuyền có tên là Wakende-bode, Kievit và Meerman do Isaac Davids chỉ huy, tiến thẳng ra Đàng Ngoài để cùng đi với chúa Trịnh. Cánh thứ hai gồm ba chiếc Wojdenes, Waterhond và Vos do Pieter Baeck chỉ huy. Ngày 3.6.1644 cả hai đoàn chiến thuyền rời Batavia, tiến đến bờ biển nước ta. Trịnh Tráng đem đại đội binh mã 100.000 người rước vua Lê đi cùng với Issac Davids tiến vào. Cả hai đoàn quân giao ước hội quân ở sông Gianh”.

Chiến công oanh liệt

Khi đoàn thuyền của Baeck trên đường đến điểm hẹn thì tại Phú Xuân, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan được tin cấp báo. Trong lúc chúa đang bàn kế đánh dẹp thì Thế tử Nguyễn Phúc Tần chỉ huy thủy binh của Dinh trấn Thanh Chiêm tiến thẳng ra Biển Đông tấn công quân Hà Lan: “Năm chục chiếc ghe Ô, ghe Chu, rượt đuổi vùn vụt như tên bay trên mặt bể, xông vào một chiếc thuyền lớn nhất trong ba chiếc thuyền địch đang cùng hốt hoảng nhắm hướng đông tìm đường tẩu thoát. Cả đám thủy quân gan dạ nhảy ào lên tàu, đẵn cột buồm, chặt bánh lái, dứt đứt dây lèo, khiến cho thuyền trưởng và thủy thủ bên địch phải kinh hoàng, thất tán như đứng trước một đàn âm binh từ đâu dưới thủy cung đột hiện. Túng thế quân địch phải phá thuyền bằng thuốc súng. Đô đốc Pieter Baeck cùng 200 thủy thủ nát thịt tan xương. Âm mưu cấu kết giữa quân Trịnh và quân Hà Lan tan vỡ. Trịnh Tráng sau một tháng trời sốt ruột đợi chờ, phải cùng vua Lê ngậm đắng, nuốt cay, lủi thủi quay về Thăng Long” (Lê Thành Khôi, Le Vietnam, dẫn theo Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, tr. 144).

Sách Đại Nam thực lục tiền biên (Nxb Giáo Dục 2002, T1, tr. 55, 56) viết: “Bấy giờ, giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông) ước đưa thủy quân ra đánh... Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay, giặc trông thấy cả sợ, nhắm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết”.

Alexandre de Rhodes cũng ghi chép: “Chúa Đàng Ngoài tấn công chúa Đàng Trong, ba lần đem quân đi đánh nhưng đều thất bại. Chúa liền cầu cứu với thương gia người Hà Lan chiếm đóng bến tàu Java Cả, gọi là Jaquetra hay Tân Hà Lan... Họ liền phái tới chúa Đàng Ngoài ba chiếc tàu tròn trang bị đầy đủ và có mấy khẩu súng... Chúa (Thượng) ra lệnh cho các thuyền trưởng lập tức cho nhổ neo rời bến và tấn công đoàn tàu Hà Lan trông rõ ngoài khơi. Nhờ lúc này biển lặng, chỉ có gió nhẹ thổi, nên việc tấn công mang lại kết quả: chỉ có chiếc tàu nhỏ hơn cả của người Hà Lan nhờ gió nhẹ thổi mà chạy thoát, còn chiếc kia muốn chạy trốn đoàn thuyền rượt theo, mất hướng đụng phải cồn vỡ tan và chìm dưới làn sóng. Chiếc thứ ba lớn hơn hết dĩ nhiên nặng nề hơn cả, gió không đẩy nổi, liền bị bốn thuyền chiến bao vây và chiếm giữ, sau khi hết sức chống cự và bắn vô hiệu vào đoàn thuyền chiến rất thấp đã tới sát nách. Tay lái và cột buồm bị phá. Trong cơn nguy khốn cùng cực, thuyền trưởng và lính Hà Lan mất hết hy vọng cứu thoát giữa biển khơi, liền châm lửa vào kho thuốc súng đốt chiếc tàu cùng thủy thủ, tất cả chừng hai trăm, trừ bảy người tránh ngọn lửa nhảy xuống biển trôi theo làn sóng, được thuyền chiến Đàng Trong vớt và đem đi trình chúa ở trên bến đang đợi đoàn tàu chiến thắng trở về” (Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646, chương 5: Về lực lượng thuyền chiến của Đàng Ngoài và Đàng Trong, nguồn Lịch sử Việt Nam).

Cũng theo Đại Nam thực lục (Sđd, tr. 56), khi hay tin Nguyễn Phúc Tần ra biển một mình, chúa Thượng rất lo lắng, liền tự mình đốc suất binh thuyền đi tiếp ứng. Vừa tới cửa biển, từ xa trông thấy khói đen bốc cao mịt mù, chúa ra lệnh cho thủy binh tiến lên tiếp ứng. Đến khi được tin quân ta thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ đợi... Chúa Thượng cười và nói: “Trước kia, tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”. Nói xong, chúa trọng thưởng cho thế tử và đoàn thủy binh”.  

Nguyễn Phúc Tần và đội thủy quân của Quảng Nam dinh đã ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta một chiến công oanh liệt khiến cho các nước Tây phương phải kiêng nể và kể từ đó quân Hà Lan không dám quấy phá bờ biển nước ta nữa.

CHÂU YẾN LOAN