Thiên thần áo trắng

CHÂU NỮ 27/02/2020 10:06

Trong cuộc đời, tôi nghĩ có lẽ ai cũng ít nhất một “cơ hội” tiếp xúc với những người làm nghề y. Riêng tôi thì có duyên với y, bác sĩ tương đối nhiều vì có người thân bị bệnh nan y, phải chạy chữa lâu dài, nên hiểu rằng, thầy thuốc không chỉ là một nghề, mà là sứ mệnh.

Có dịp trò chuyện, một bác sĩ tâm sự, khi người thân được đưa vào phòng phẫu thuật, người nhà ở bên ngoài chờ đợi thường lo lắng, sốt ruột, hy vọng... Trong phòng mổ, y bác sĩ cũng căng thẳng không kém và tập trung hết mình để cứu chữa bệnh nhân; vì họ hiểu rằng, một khi đã đến bệnh viện, bệnh nhân (và người nhà của họ) đã chấp nhận đặt sinh mạng của họ vào tay mình. Nhưng người thầy thuốc không được phép biểu hiện sự lo lắng trên gương mặt, vì như vậy sẽ ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân.

Đã có trường hợp người nhà bệnh nhân có ý kiến trong cuộc họp hội đồng người nhà bệnh nhân của một bệnh viện, rằng trong khi người nhà bệnh nhân lo lắng cho tình trạng người thân mà bác sĩ lại... quá bình tĩnh. Trong trường hợp này, vì sốt ruột mà người nhà bệnh nhân đã không kịp hiểu ra, rằng khi đứng trước mỗi ca bệnh, các y bác sĩ cần phải bình tĩnh để chẩn đoán bệnh và đó cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu bệnh nhân.

Nếu hiểu được điều tưởng chừng đơn giản ấy, hẳn sẽ hạn chế trường hợp người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, thường là ở khoa cấp cứu như từng xảy ra. Chính vì thế, càng cảm thông và thương quý các thầy thuốc hơn khi thấy họ thay phiên nhau tranh thủ ăn cơm hộp một cách qua quýt, nhanh chóng để tiếp tục sứ mệnh cứu người vì ca phẫu thuật kéo dài qua trưa như có lần tôi chứng kiến.

Trong đợt phòng chống dịch Covid-19, tôi xin phép và được chấp thuận đến khu vực cách ly của một bệnh viện tuyến tỉnh để chụp ảnh. Lúc này, khu cách ly của bệnh viện không có bệnh nhân nào và dù đã được bảo hộ nhưng tôi vẫn có cảm giác lo sợ. Bởi vậy, tôi nghĩ sự âu lo, căng thẳng của mình sẽ đến mức nào nếu phải ngày đêm đối mặt với nguy hiểm, với nguy cơ, rủi ro và trên hết là đối mặt với sinh mạng, như rất nhiều y bác sĩ đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch và cứu chữa bệnh nhân.

Mà đâu chỉ có vậy, cũng vì phải dồn sức và phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 mà năm nay, những người thầy thuốc còn phải chối từ cả niềm vui riêng nhân ngày kỷ niệm của ngành. Điều này thể hiện trong công văn của Sở Y tế về việc năm nay toàn ngành không tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, do phải tập trung toàn lực để có thể xử lý kịp thời và có hiệu quả nhất trước tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Thỉnh thoảng vẫn nghe thông tin đây đó bác sĩ làm khó bệnh nhân hay bác sĩ thiếu trách nhiệm. Nhưng tôi tin rằng, đấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không phải đợi đến ngày Thầy thuốc Việt Nam mà là hằng ngày, hằng giờ, các y bác sĩ xứng đáng được tôn vinh là “thiên thần áo trắng”.

CHÂU NỮ