Hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện: Cần cải thiện cơ chế, chính sách

HOÀNG LIÊN 26/02/2020 14:12

Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) cấp huyện dù có chuyển biến tích cực nhưng cần tháo gỡ “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.

Việc ứng dụng KH-CN thâm canh, nâng cao năng suất cây chè xanh An Bằng đang được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Việc ứng dụng KH-CN thâm canh, nâng cao năng suất cây chè xanh An Bằng đang được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nhiều khó khăn

Theo ghi nhận tại các địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng KH-CN cấp huyện trên địa bàn tỉnh còn đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách và thiếu cán bộ chuyên trách, nhất là trong bối cảnh lực lượng biên chế đang giảm nhiều nơi. Điều này khiến công tác theo dõi, quản lý hoạt động KH-CN cấp huyện gặp khó. Theo đại diện Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Núi Thành, hiện nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp KH-CN cấp huyện hàng năm còn thiếu và yếu, trong khi các hạng mục đề tài phục vụ phát triển kinh tế xã hội rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho biết các doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học và Nhà nước. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhân rộng kết quả đề tài, dự án vào thực tiễn sản xuất còn yếu là những bất cập. 

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho hay hoạt động ứng dụng KH-CN vào sản xuất ở khu vực nông thôn, miền núi thời gian qua, nhất là các chương trình KH-CN cấp huyện đã đạt được những thành quả đáng chú ý. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho hoạt động KH-CN cấp huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, Sở KH-CN phân bổ nguồn lực cho mỗi địa phương còn hạn hẹp, khoảng 180 - 200 triệu đồng, bên cạnh một số đề tài, dự án cấp tỉnh, Trung ương triển khai trên địa bàn (nếu có). Gần đây, kinh phí sự nghiệp KH-CN của tỉnh đầu tư cho hoạt động KH-CN cấp huyện tăng dần. Cụ thể, năm 2017, 2018 mỗi năm là 2,55 tỷ đồng, năm 2019 là 7,2 tỷ đồng (kinh phí nhiệm vụ KH-CN cấp huyện chiếm gần 70% tổng số). Một vài huyện/thị xã/thành phố đã cân đối kinh phí của địa phương chi cho hoạt động KH-CN cùng với kinh phí sự nghiệp KH-CN do tỉnh phân bổ như Hội An, Núi Thành, Điện Bàn... (500 - 700 triệu đồng/năm). Giai đoạn 2015 - 2019, Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh phê duyệt một số nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương: Đại Lộc, Hiệp Đức, Núi Thành, Nam Trà My, Tam Kỳ, Đông Giang triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ. Phía các huyện có chủ trương “đặt hàng” những nhiệm vụ cấp thiết, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giai đoạn 2017 - 2019, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương triển khai thực hiện đề tài theo hướng xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN để phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Những điểm sáng

Theo đánh giá của Sở KH-CN, các địa phương như Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên… khá chú trọng đầu tư phát triển, ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Mỗi năm ngân sách huyện Núi Thành bố trí cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN khoảng 500 triệu đồng, ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ. Toàn huyện đăng ký 3 - 4 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và cấp huyện mỗi năm. Một số đề tài đã tạo điểm sáng về ứng dụng KH-CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, kết quả đề tài được duy trì và nhân rộng.

Đơn cử, với đề tài cây nếp bầu, năm 2017, diện tích canh tác nếp bầu dưới 10ha, năm 2018 phát triển lên 30ha và nay gần 60ha, phát triển mạnh tại Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Nghĩa... Nếp bầu đã đăng ký sở hữu trí tuệ dưới dạng “nhãn hiệu tập thể”. Bên cạnh đó, còn có một số đề tài giàu tính thực tiễn như “Xây dựng mô hình nuôi khảo nghiệm gà Đông Tảo tại huyện Núi Thành”, “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quản lý nhiệt độ, ẩm độ nhà trồng nấm tại xã Tam Trà”... 

Còn ở thị xã Điện Bàn đã triển khai nhiều đề tài khoa học: “Nghiên cứu phát triển vùng chuyên canh rau an toàn tại xã Điện Minh, đăng ký thương hiệu rau an toàn Bãi Bồi - Khuất Lũy, Điện Minh”; “Xây dựng mô hình trồng và chế biến sản phẩm sữa ngô nếp theo hướng nông nghiệp an toàn”; “Ứng dụng quy trình tiến bộ kỹ thuật để hoàn thiện quy trình sản xuất lúa hữu cơ trên chân đất thịt tại vùng tây Điện Bàn”... Hay đề tài “Tuyển chọn một số giống hoa ly ly trên vùng đất Điện Bàn thực hiện 2 năm từ 5.2017 đến 5.2019” và đạt được những kết quả đáng chú ý. Năm thứ nhất đã tuyển chọn được 3 giống: Malon, Manissa, Concador; năm thứ 2 triển khai mô hình với diện tích 500m2, 4.000 củ giống các loại.

Thị xã cũng đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như: thương hiệu dầu phụng Đất Quảng được chứng nhận 3 sao; Công ty Giống nông nghiệp Điện Bàn sản xuất trên 150 tấn/năm với thương hiệu “Gạo Phong Thử” và được chứng nhận 3 sao OCOP. Thương hiệu bánh tráng Phú Triêm và nước mắm Hà Quảng (Điện Phương) là 2 sản phẩm đăng ký thi chương trình OCOP năm 2019.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Điện Bàn tiếp tục các áp dụng biện pháp công nghệ kỹ thuật cao để sản xuất hoa, cây cảnh, rau quả an toàn, gạo hữu cơ, bảo quản, chế biến sau thu hoạch hạn chế thất thoát, đảm bảo chất lượng nông sản. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP...

HOÀNG LIÊN