Thích ứng với dịch
Buộc phải hủy bỏ hoặc tạm hoãn một số hoạt động bề nổi để phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19), song nhiều văn nghệ sĩ không vì thế mà thu mình lại để “cố thủ”. Thay vào đó, bằng cách riêng của mình, họ đã tìm cách thích ứng với dịch để tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê để sáng tác...
An toàn là trên hết
Sau Tết Canh Tý, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số chương trình, hoạt động của giới văn nghệ buộc phải hủy bỏ hoặc tạm hoãn. Trong đó, hoạt động được nhiều người chờ đợi là chương trình thơ Nguyên tiêu nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 năm 2020, được Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) TP.Tam Kỳ chuẩn bị khá công phu trong gần cả tháng trước đó đã phải hủy bỏ vào phút chót.
Tương tự, 2 ngày trước thời điểm dự kiến tổ chức, Câu lạc bộ Thơ - Nhạc Sông Tranh (Hiệp Đức) cũng phải ra thông báo hủy chương trình giao lưu thơ nhạc Nguyên tiêu của mình...
Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ - Phó Chủ tịch Hội VHNT TP. Tam Kỳ cho biết, tuy là hoạt động thường niên và gần đây dư luận cũng có một số ý kiến khác nhau, song với người yêu thơ Quảng Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng, chương trình thơ Nguyên tiêu vẫn là một hoạt động hấp dẫn và được mong chờ.
“Nghe tin chương trình bị hủy bỏ, nhiều người tỏ ra tiếc nuối, song vẫn phải đồng tình với quyết định của ban tổ chức, bởi yêu cầu an toàn về sức khỏe cộng đồng là trên hết. Sau khi hết dịch, chúng tôi sẽ có một hoạt động phù hợp để “bù đắp” cho người yêu thơ” - nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ cho biết thêm.
Hay như chương trình đi thực tế sáng tác tập trung “mở màn” cho năm 2020 của Chi hội Văn học Quảng Nam, dự kiến tổ chức ở huyện miền núi Tây Giang, cũng đã phải gác lại.
Trong khi đó, sau nhiều ngày chờ đợi và nghe ngóng tình hình, đến phút chót Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam đã quyết định hủy bỏ chương trình gặp mặt đầu năm và trưng bày tranh của nhóm họa sĩ Duy Xuyên - dự kiến diễn ra tại thị trấn Nam Phước vào ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên của tháng 2.
Nhiều họa sĩ có tranh được trưng bày trong đợt này cho biết họ cảm thấy tiếc và “hụt hẫng”, vì cơ hội tham gia những cuộc chơi như thế này là không nhiều. Tuy nhiên, xác định việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng là quan trọng nên mọi người đã vui vẻ chấp nhận.
“Sống chung” với... dịch
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, một trong những người có tranh được chọn treo trong cuộc trưng bày tranh của nhóm họa sĩ Duy Xuyên, khi hoạt động trên bị hủy bỏ, thay vì than thở hay tiếc rẻ, anh và một số họa sĩ khác đã “biến thách thức thành cơ hội” bằng cách rủ nhau đi sáng tác. Vì đã được khuyến cáo là không nên tập trung đông người, họ lập nhóm chỉ với 5 họa sĩ (đều là giáo viên nhạc họa) rồi cùng nhau đi vẽ phong cảnh tại các vùng quê ở Duy Xuyên, Đại Lộc.
“Chúng tôi đi vẽ và tuân thủ đúng các khuyến cáo y tế về bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Hy vọng là sau khi dịch được dập xong, Chi hội Mỹ thuật sẽ mở lại chương trình trưng bày, khi đó số tranh được treo không phải là 30 bức như dự kiến ban đầu mà có thể tăng lên 40 bức hoặc hơn” - họa sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nói.
Vì không thể đi thực tế tập trung cùng lúc hàng chục người, một số hội viên Chi hội Văn học đã tự thành lập các nhóm nhỏ 2 - 3 người rồi cùng nhau về các miền quê trong tỉnh để tìm hiểu và sáng tác. Nhiều người khác thay vì “xách ba lô lên và đi” theo cách đó đã quyết định nằm nhà để tập hợp tác phẩm, tu chỉnh bản thảo, chuẩn bị in sách.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi hội Văn học, từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, có ít nhất 12 tác giả là hội viên của chi hội bắt tay vào xây dựng bản thảo mới; trong đó nhiều người hiện đã thực hiện đến khâu cuối cùng... Trong khi đó, vì không thể tụ tập, hát hò, giới thiệu cùng nhau những tác phẩm vừa được sáng tác trong dịp tết như “thông lệ” lâu nay, một số nhạc sĩ Quảng Nam đã chọn cách gửi tác phẩm của mình đi hòa âm, phối khí, thu âm rồi post lên mạng để bạn bè cùng nghe và góp ý.
Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long - hội viên Chi hội Âm nhạc nói vui mà thật: “Không tụ bạ được thì mình đưa tác phẩm lên mạng. Việc còn lại là ngồi đếm view, đếm like, đọc góp ý của bạn bè và người yêu nhạc để tiếp tục chỉnh sửa nếu cần. Có khi đây lại là một cách làm hay...”.