10 triệu chứng cảm cúm thông thường bạn cần biết
(QNO) - Cảm cúm là một dạng nhiễm vi rút phổ biến, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Đôi khi cảm cúm có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm xoang.
Sốt: Sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể trước vi rút gây cúm. Người bị cảm cúm thường sốt cao đến 39 độ hoặc hơn.
Đau cơ: Khi bị cúm, bạn có thể bị đau ê ẩm các cơ ngực, chân và lưng. Đó là do sự hoạt hóa các tế bào bạch cầu và hệ miễn dịch nhằm chống lại vi rút gây cúm.
Suy nhược: Suy nhược và mệt mỏi trầm trọng là một triệu chứng phổ biến của cảm cúm. Triệu chứng này có thể kéo dài tới ba tuần hoặc lâu hơn, đặc biệt là ở người có bệnh mãn tính hoặc có hệ miễn dịch yếu.
Ho: Cảm cúm và cảm lạnh đều là những bệnh hô hấp, do đó ho là triệu chứng phổ biến ở cả hai trường hợp. Ban đầu người bị cúm sẽ thấy đau họng, sau đó ho khan trong 2 đến 3 ngày, đi kèm với ngạt mũi và sổ mũi.
Khó thở: Một số người bị cúm có triệu chứng khó thở, thở gấp và đau lồng ngực. Người già, trẻ nhỏ và người bị hen suyễn cần đến bác sĩ nếu gặp triệu chứng này.
Hắt hơi: Cảm cúm có thể dễ dàng lây lan qua đường hô hấp. Để ngăn lây bệnh cho người khác, người bị cúm cần che mũi và miệng bằng vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời rửa tay thường xuyên.
Chán ăn: Mất nước và chán ăn là triệu chứng phổ biến ở người bị cảm cúm. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống đủ chất để đảm bảo cơ thể có đủ dinh dưỡng chống lại bệnh tật.
Đau đầu: Cơn đau đầu do cảm cúm thường nghiêm trọng hơn cơn đau đầu do cảm lạnh. Niêm mạc ở thành khoang mũi và xoang có thể bị viêm, dẫn đến triệu chứng này.
Ngạt mũi: Cảm cúm có thể gây viêm xoang đi kèm với cơn đau nhức dai dẳng ở vùng mặt, đầu và hốc xoang. Cơn đau sẽ trở nặng hơn nếu bạn di chuyển đột ngột.
Đau tai: Cảm cúm gây kích ứng vòi nhĩ nối họng với tai giữa, gây cơn đau âm ỉ ở tai. Chất lỏng bị kẹt trong tai có thể tạo áp lực lên màng nhĩ.