Những cái "nghịch" có "lý" trong Tiếng Việt và cuộc sống
Theo số liệu nghiên cứu từ năm 2015, mỗi ngày con người nói khoảng 15.000 đến 20.000 tiếng (trong đó 1 từ có thể bằng 1 hoặc 3 tiếng, từ ngữ cố định). Trong cả chục ngàn từ mà chúng ta nói mỗi ngày, có rất nhiều điều nghịch lý nhưng lại rất... hợp lý. Trong đó, khi diễn tả cùng một trạng thái/hiện tượng, Tiếng Việt có thể sử dụng những từ hoàn toàn trái nghĩa nhau nhưng khi nói ra, là người Việt, ai cũng hiểu và thấy bình thường.
Nghịch lý lạnh - ấm
Để gọi tên chiếc áo làm ấm cơ thể vào mùa đông, người Việt có thể dùng “áo ấm” hoặc “áo lạnh”.
Trong bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nhạc sĩ Thuận Yến viết: “Mà em thương anh/ chiều nay đang đứng gác, lo canh giữ đất trời/ áo ấm có lạnh không, hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy?”. “Áo ấm có lạnh không”, hỏi mà nghe nghịch quá...
Sở dĩ cách dùng từ trái nghịch nhau hoàn toàn nhưng cùng chung một nghĩa đó là do quy ước tri nhận về từ và sự vật/hiện tượng của người Việt. Khi nói “áo ấm” thì người nói lấy con người làm trung tâm, khi mặc áo vào thì thấy “ấm” nên gọi là “áo ấm”. Còn khi nói “áo lạnh” thì người nói lấy thời tiết/mùa làm trung tâm nên gọi là “áo lạnh” - áo mặc vào mùa lạnh.
Nghịch lý trước - sau
Có một câu chuyện vui mà người Quảng Nam truyền miệng nhau: Hồi ở tòa còn có cái vành móng ngựa, chủ tọa phiên tòa gọi: “Yêu cầu bị cáo đứng lên trước vành móng ngựa!”. Ngay sau đó, bị cáo là người Quảng bước lên và đến phía trước vành móng ngựa. Nhưng chủ tọa không chịu, yêu cầu bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo cãi lại: “Chủ tọa quá vô lý. Chủ tọa yêu cầu bị cáo ra đứng trước vành móng ngựa nhưng khi bị cáo đứng trước thì chủ tọa lại không chịu. Phía mà chủ tọa chỉ đó là sau vành móng ngựa”.
Ở đây, sở dĩ bị cáo (dân Quảng) cãi lại chủ tọa là bởi, cách tri nhận về sự vật/hiện tượng của bị cáo và chủ tọa khác nhau. Bởi lẽ, khi hai người ở hai vị trí đối nghịch nhau thì cách tri nhận về sự vật/hiện tượng/không gian sẽ khác nhau: “Trước” của người này nhưng lại là “sau” của người kia.
Nghịch lý "trên - dưới"
Thường, người Việt hay nói từ “trên” trong ngữ cảnh “Cái bóng điện treo trên trần nhà”. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta lại thấy rằng, cái bóng điện luôn luôn treo dưới trần nhà.
Hay trường hợp “Cái quạt treo trên tường”, nhưng thực tế cái quạt treo bên tường.
Hay trường hợp khác, hai người đứng trên bờ nói chuyện với nhau, một người nói rằng “Con thuyền chạy trên sông”, nhưng người còn lại thì nói rằng “Con thuyền chạy dưới sông”.
Ở đây, khi nói trên và dưới, người nói lấy mình làm trung tâm thì cái gì cao hơn mình thì gọi là trên, cái thì thấp hơn mình thì gọi là dưới. Ngược lại, người khác khi lấy không gian/mặt đất làm trung tâm thì họ dùng từ theo kiểu ngược lại.
Nếu thống kê ra thì cách dùng từ trái nghịch nhau trong Tiếng Việt để cùng chỉ về một sự vật/sự việc/hiện tượng là rất rất nhiều, như vô - ra, lên - xuống...
Nghịch lý “thắng - bại”
Khi nói về cuộc chiến, người ta nói về thắng và bại. Thắng và bại đối lập nhau, nhưng trong Tiếng Việt, trong cùng một ngữ cảnh, dùng thắng cũng được mà bại cũng xong. Ví như nói “Chúng ta đánh thắng quân thù” hay nói “Chúng ta đánh bại quân thù” thì nó vẫn có nghĩa như nhau.
*
* *
“Ngôn ngữ là quy ước của cộng đồng người. Ngôn ngữ là văn hóa...”, các nhà ngôn ngữ học bảo vậy. Chính vì vậy, qua cách dùng từ, người ta có thể hiểu được cộng đồng người/dân tộc đó có văn hóa như thế nào. Trong Tiếng Việt, việc sử dụng từ theo cách tri nhận của cá nhân người nói đã tạo nên sự phong phú và cả tạo ra cái phức tạp của tiếng nước mình. Suy cho cùng, phong phú và phức tạp trong ngôn ngữ Tiếng Việt là hai mặt của vấn đề, nó thống nhất nhau và rất cảm tính.
Từ cách sử dụng từ ngữ Tiếng Việt, nhiều người cho rằng người Việt rất cảm tính trong đánh giá sự vật/sự việc/hiện tượng. Việc đúng - sai đối với cộng người Việt rất khó để phân biệt rạch ròi, thậm chí trong mỗi con người. Bởi cái tình và cái lý trong mỗi con người Việt Nam luôn tồn tại, thống nhất và xung đột với nhau.