Chuyển giao kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp nhanh cho Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam
(QNO) - Ngày 13 và 14.2, các chuyên gia đầu ngành của Viện Tim mạch Việt Nam chuyển giao kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và triệt đốt các rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số radio (radiofrequency catheter ablation - thường gọi là đốt điện) cho Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam.
Theo tiến sĩ y khoa Phạm Trần Linh (Viện Tim mạch Việt Nam), viện đã hỗ trợ cho BVĐK Quảng Nam triển khai một số kỹ thuật trong điều trị rối loạn nhịp tim.
Điều trị triệt đốt rối loạn nhịp nhanh bằng năng lượng sóng có tần số radio là một trong những kỹ thuật cao, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng trong điều trị cho các bệnh nhân bị rối loạn nhịp. Đây là một tiến bộ của y học hiện đại, giúp triệt bỏ hoàn toàn rối loạn nhịp gây khó chịu mà không cần phải uống thuốc hay mang thuốc theo bên mình. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao, đặc biệt là với cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (thành công 95 - 99%) mà nguy cơ tai biến thường là rất thấp, dưới 1 - 2%.
Cũng trong đợt này, các chuyên gia Viện Tim mạch Việt Nam đã hỗ trợ bác sĩ BVĐK Quảng Nam thực hiện kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp thành công cho 10 bệnh nhân.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Lương Quang - phụ trách đơn vị Can thiệp tim mạch, rối loạn nhịp tim làm cho bệnh nhân rất khó chịu, có trường hợp tim đập nhanh gây tụt huyết áp, choáng tim phải vào viện cấp cứu nhiều lần.
Sau khi dùng thuốc điều trị để kiểm soát cơn nhịp tim, các bác sĩ sử dụng dụng cụ đưa nguồn năng lượng từ ngoài vào trong tim để triệt đốt ổ gây rối loạn nhịp. Sau điều trị, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn và không cần dùng thuốc. Bác sĩ Quang cũng cho biết, các bệnh nhân được điều trị đợt này có thể ổn định và ra viện 1 - 2 ngày sau can thiệp.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Lâm - Trưởng khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh cho biết, dự kiến bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai chương trình định kỳ 2 tháng/lần với sự hỗ trợ của Viện Tim mạch Việt Nam. Kỹ thuật này đã mở ra hướng điều trị thuận lợi cho bệnh nhân tim mạch Quảng Nam. Bệnh nhân không lo tái phát và có thể trở về cuộc sống bình thường sau điều trị.